Hoạt động sản xuất công nghiệp nông thôn của Ninh Bình chủ yếu tập trung vào các ngành, nghề như: Sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất và chế biến nông sản, sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ... Nhờ cơ chế và chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn, nhiều chủ cơ sở sản xuất và hộ cá thể trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đầu tư hàng tỷ đồng để phát triển sản xuất, qua đó đã góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế của địa phương, giải quyết việc làm và thu nhập cho hàng chục nghìn lao động ở địa bàn nông thôn. Theo báo cáo của ngành Công thương, năm 2015, Sở Công thương đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 499/QĐ-UBND ngày 26-5-2015 về phê duyệt Chương trình khuyến công tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2016 - 2020; Quyết định số 18/2015/QĐ-UBND ngày 1-7-2015 về ban hành Quy chế quản lý kinh phí khuyến công tỉnh Ninh Bình. Đây là cơ sở pháp lý để triển khai nhiệm vụ khuyến công.
Cũng bắt đầu từ năm 2015, Trung tâm Khuyến công Ninh Bình triển khai thực hiện Đề án khuyến công địa phương về việc hình thành mạng lưới cộng tác viên khuyến công cấp huyện và hỗ trợ chi trả thù lao cộng tác viên khuyến công.
Hiện nay, mạng lưới cộng tác viên khuyến công đã hình thành và đi vào hoạt động tại 8 huyện, thành phố trong toàn tỉnh, mỗi huyện bố trí 1 cộng tác viên, thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ triển khai các hoạt động khuyến công trên địa bàn các huyện, thành phố.
Năm 2016, tỉnh Ninh Bình được Bộ Công thương và Hội đồng nhân dân tỉnh nhất trí hỗ trợ 4.875 triệu đồng cho 32 đề án khuyến công. Trong đó kế hoạch kinh phí khuyến công quốc gia 1.500 triệu đồng, hỗ trợ thực hiện 2 đề án; kế hoạch kinh phí khuyến công địa phương giao thực hiện 3.375 triệu đồng, hỗ trợ cho 30 đề án.
Để sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí khuyến công, Sở Công thương đã chỉ đạo phòng chuyên môn, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch khuyến công, hướng dẫn các đơn vị thụ hưởng tổ chức triển khai thực hiện đề án, định kỳ kiểm tra, giám sát, theo dõi tiến độ thực hiện đảm bảo các đề án khuyến công được triển khai đúng nội dung, mục đích, đạt hiệu quả kinh tế - xã hội và tiến hành thanh quyết toán nguồn kinh phí hỗ trợ đúng quy định nhà nước.
Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm, Trung tâm đã cấp ứng cho 32 đề án với kinh phí thực hiện giải ngân là 2.362,5 triệu đồng, đạt 70% kế hoạch năm và đã tổ chức nghiệm thu cơ sở đợt 1 cho 13 đề án.
Trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ về đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở đào tạo nghề; đẩy mạnh các hoạt động khuyến công để các cơ sở sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp tiếp cận về trình độ quản lý, kỹ thuật, công nghệ sản xuất, thương hiệu và khai thác có hiệu quả ngành, nghề truyền thống, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Bảo Yến