Phóng viên: Bác sĩ có thể đánh giá khái quát tình hình dịch bệnh xảy ra trên địa bàn tỉnh trong thời gian gần đây?
Bác sĩ Lê Hoàng Nam: Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh ta không có dịch bệnh lớn xảy ra, chỉ có các ca bệnh xảy ra rải rác trên địa bàn các địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên, có một số bệnh có xu hướng gia tăng các ca mắc như: Bệnh tay chân miệng, tổng trong 10 tháng là 77 trường hợp mắc bệnh, trong đó tháng 10 ghi nhận 44 trường hợp; bệnh sởi, tổng 10 tháng là 20 trường hợp bệnh, riêng tháng 10 xuất hiện 5 trường hợp; đối với bệnh sốt xuất huyết, tổng 10 tháng có 22 trường hợp mắc, riêng trong tháng 10 là 15 trường hợp bệnh; tuy nhiên do điều kiện thời tiết, bệnh sốt xuất huyết có thể sẽ giảm vào mùa lạnh... Toàn tỉnh không có trường hợp nào tử vong do các bệnh nêu trên; tuy nhiên chúng ta không nên chủ quan, bởi với hình thái thời tiết như hiện nay, tình hình dịch bệnh có thể sẽ diễn biến phức tạp hơn.
Phóng viên: Thường thì vào mùa đông, các loại bệnh dịch nào dễ phát sinh, gây nguy hiểm, thưa bác sĩ?
Bác sĩ Lê Hoàng Nam: Theo quy luật thời tiết và dự báo của ngành Y tế, các loại bệnh nguy hiểm thường gặp trong thời gian cuối Thu và đầu Đông. Với mùa Thu Đông, ở miền Bắc khí hậu thường lạnh và sang đến cuối Đông đầu Xuân sẽ ẩm, trong điều kiện thời tiết như thế đường hô hấp sẽ bị suy yếu, dễ bị các bệnh lây nhiễm đường hô hấp. Chính thời tiết ẩm sẽ khiến vi rút trong các giọt tiết hô hấp sống lâu hơn vì vậy sẽ dễ lây lan bệnh lây truyền qua đường hô hấp hơn, bên cạnh đó một số bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa cũng có chiều hướng gia tăng. Những đối tượng có nguy cơ cao mắc các bệnh lây truyền qua đường hô hấp và đường tiêu hóa là trẻ em và người già.
Hiện nay đang có một số bệnh phổ biến và số lượng ca mắc tăng nhanh trong tháng 9 và tháng 10 trên cả nước cũng như tại tỉnh Ninh Bình là: Bệnh tay chân miệng (TCM), sởi, tiêu chảy do rota virus, cúm A H1N1, viêm phổi... Bên cạnh đó, đối tượng cần quan tâm hơn cả là phụ nữ có thai, vì khi mang thai nếu như chế độ dinh dưỡng kém và không được tiêm phòng đầy đủ sẽ dễ mắc bệnh truyền nhiễm như: rubella, cúm, thủy đậu… Sẽ đặc biệt nguy hiểm nếu mắc phải các bệnh nêu trên trong 3 tháng đầu của thai kỳ, từ đó, các vấn đề có thể xảy ra là: sẩy thai, lưu thai, đẻ non, trẻ đẻ ra có thể bị dị tật…
Phóng viên: Đối với một số dịch bệnh thường xảy ra vào mùa đông, Ngành Y tế có những hoạt động gì để phòng, chống, thưa bác sĩ?
Bác sĩ Lê Hoàng Nam: Với tình hình dự đoán như trên thì chúng tôi tăng cường công tác giám sát dịch bệnh trên địa bàn toàn tỉnh. Thực hiện báo cáo, cập nhật tình hình dịch bệnh thường xuyên. Không để phát sinh các ổ dịch, chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, hóa chất, trang thiết bị để phục vụ công tác phòng chống dịch. Cùng với đó, các bệnh viện trên địa bàn luôn chuẩn bị đầy đủ giường nằm, trang thiết bị, thuốc men, phương tiện để thu dung và điều trị bệnh nhân khi cần thiết. Thêm vào đó, đảm bảo công tác tiêm chủng an toàn, đầy đủ và có thể tổ chức tiêm thêm các đợt bổ sung nhằm đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đạt trên 95%.
Các y, bác sỹ Bệnh viện huyện Nho Quan khám, tư vấn sức khỏe và cấp thuốc miễn phí cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn ở xã Văn Phương.
Với một số bệnh có nguy cơ cao có thể bùng phát, chúng tôi có một số khuyến cáo như sau. Đơn cử như đối với bệnh tay chân miệng, là căn bệnh lây qua đường tiêu hóa, hay gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ em dưới 2 tuổi. Năm nay tình hình dịch có những diễn biến phức tạp hơn, với số ca mắc trong những tháng gần đây tăng đột biến, dễ gây nhiều biến chứng nguy hiểm, có trẻ chuyển từ độ I sang độ IV trong vòng vài giờ. Hiện nay bệnh chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng chống chủ yếu là nhận biết kịp thời các dấu hiệu chính của bệnh như sốt cao khó hạ, sốt từ 38,5-39 độ; xuất hiện các nốt phổng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, ở miệng, thì cần đưa trẻ ngay đến các cơ sở y tế để điều trị.
Đối với bệnh sởi, cách đây 4 năm, dịch sởi đã cướp đi sinh mạng của trên 100 trẻ em. Đó là bài học cho việc chúng ta không đưa trẻ đi tiêm phòng. Năm nay chu kỳ dịch có thể lặp lại và những con số thống kê các ca mắc sởi đang tăng lên, chủ yếu ở những trẻ chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chưa đủ mũi. Do đó, đối với bệnh sởi, việc phòng bệnh quan trọng nhất là đưa trẻ đi tiêm phòng đúng lịch, với mũi 1, khi trẻ được 9 tháng tuổi; mũi 2 khi trẻ được 18 tháng tuổi.
Đối với phụ nữ trước và trong khi mang thai. Đây là đối tượng dễ mắc các bệnh truyền nhiễm như sởi, quai bị, rubella, cúm, thủy đậu, viêm gan B… việc đó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai nhi cũng như thai phụ. Chính vì thế, phụ nữ trước khi mang thai cần đến các cơ sở y tế thuộc lĩnh vực y tế dự phòng để được tư vấn tiêm phòng.
Phóng viên: Theo bác sĩ, người dân có nên tiêm vắc xin để chủ động bảo vệ sức khỏe cho mình trước các loại bệnh dịch hay không? Cụ thể hơn là cần tiêm các mũi vắc xin nào?
Bác sĩ Lê Hoàng Nam: Tiêm chủng là việc đưa vắc xin vào cơ thể con người với mục đích tạo cho cơ thể khả năng đáp ứng miễn dịch để dự phòng chủ động bệnh tật. Tiêm vắc xin là biện pháp phòng bệnh chủ động và hiệu quả nhất để bảo vệ cho người được tiêm chủng không bị mắc bệnh và tránh xảy ra các vụ dịch. Tiêm chủng các loại vắc xin đầy đủ sẽ giúp bảo vệ cơ thể, phòng được rất nhiều căn bệnh đặc biệt nguy hiểm.
Người dân cần chủ động tiêm phòng một số vắc xin đối với một số bệnh có nguy cơ lây lan thành dịch như: Vắc xin sởi; vắc xin phòng bệnh cúm; vắc xin uống phòng tiêu chảy do rota virus; vắc xin phòng bệnh viêm phổi, viêm tai giữa do phế cầu và Hemophilus influenza… Đặc biệt, đối với phụ nữ trước khi mang thai, cần đến các cơ sở tiêm chủng để tiêm vắc xin phòng sởi-quai bị-rubella, phòng thủy đậu, phòng cúm, viêm gan B trước khi mang thai khoảng 3 tháng, để đảm bảo an toàn trong quá trình mang thai cũng như giúp cho những đứa trẻ sau khi sinh ra có kháng thể bảo vệ với bệnh sởi, thủy đậu trong 9 tháng đầu đời, không mắc dị tật cũng như không có nguy cơ mắc viêm gan B từ mẹ.
Phóng viên: Bác sĩ có khuyến cáo gì đối với người dân nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa đông?
Bác sĩ Lê Hoàng Nam: Với tình hình thời tiết như hiện nay, các dịch bệnh rất dễ phát sinh, nhất là các bệnh truyễn nhiễm, do đó việc phòng bệnh hết sức quan trọng và cần được đưa lên hàng đầu. Theo đó, việc phòng bệnh không đặc hiệu, là tập trung vào việc: Giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh tập thể, đặc biệt là những đối tượng cần chú ý là người già và trẻ em. Trong các cơ sở chăm sóc trẻ nhỏ cần phải đảm bảo ăn sạch, ở sạch, đồ chơi sạch. Hướng dẫn các cháu thường xuyên rửa tay bằng xà phòng từ 6-7 lần/ ngày, việc rửa tay thường xuyên được ví như là liều vắc xin tự chế, rẻ tiền mà hiệu quả. Cùng với đó, có chế dinh dưỡng phù hợp cho các đối tượng người già, trẻ em, phụ nữ mang thai nhằm tăng cường thể lực cho các đối tượng này. Đồng thời tổ chức khám sức khỏe định kỳ và không được tự điều trị bệnh tại nhà, khi dùng thuốc cần có sự hướng dẫn của nhân viên y tế.
Đối với phòng bệnh đặc hiệu: Là tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin theo khuyến cáo của Bộ y tế, phù hợp với độ tuổi của các đối tượng, các loại vắc xin ngoài lịch cơ bản theo khuyến cáo thì việc tiêm nhắc lại cũng hết sức quan trọng. Đối với các hộ có trẻ nhỏ cần chú ý về các loại vật nuôi trong nhà như chó, mèo, tránh để chúng tấn công trẻ nhỏ. Nếu như bị cắn, cào, liếm lên vết thương hở cần được đưa đến các cơ sở y tế để khám và điều trị dự phòng bằng vắc xin kịp thời.
Phóng viên: Xin cảm ơn bác sĩ!.
Mỹ Hạnh