Nuôi lợn có thâm niên, anh Nguyễn Văn Biên ở xóm 9, xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh đã bắt đầu học cách tự phối trộn thức ăn cho đàn lợn của gia đình ngay từ những năm 2017-2018 khi giá lợn hơi chạm đáy. Nhờ cám trộn mà anh đã vượt qua được giai đoạn "bão giá", "bão dịch" thời điểm đó. Anh Biên chia sẻ: Trong chuồng của gia đình lúc nào cũng có khoảng 200 đầu lợn, cả lợn thịt và lợn nái.
Trong khi đó, giá cả đầu vào (con giống, thức ăn, thuốc thú y) thường xuyên biến động. Tối ưu hóa chi phí, chất lượng thức ăn là vấn đề ưu tiên số một nếu không muốn thua lỗ, do vậy, tôi chọn giải pháp làm cám trộn. Học hỏi công thức, kỹ thuật từ các nhà sản xuất premix, phụ gia thức ăn chăn nuôi, sau đó gia đình đầu tư một máy nghiền, một máy trộn, tìm mua các nguyên liệu thô sẵn có tại địa phương (ngô, cám gạo, đậu tương, cá khô) và các loại vitamin và khoáng chất rồi tự mày mò tìm cách phối trộn, tạo ra thức ăn phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đàn lợn.
Với cách làm này sẽ tận dụng được nhân công dôi dư, cắt giảm được các khâu trung gian, vì thế tôi giảm được khoảng 2 nghìn đồng/1kg so với việc mua cám viên của các công ty.
Cũng theo anh Biên, ngoài giảm chi phí thì thức ăn tự phối trộn còn giúp con lợn có chất lượng thịt chắc và thơm ngon hơn, vì vậy thương lái rất ưa thích. Tuy nhiên, cám tự phối trộn chỉ phù hợp nuôi ở giai đoạn lợn choai, còn đối với lợn sữa, yêu cầu dinh dưỡng lúc này khá phức tạp nên cho ăn cám tự phối trộn sẽ không đảm bảo.
Với Bà Trần Thị Niềm ở xóm Tiên, xã Yên Thành, huyện Yên Mô cũng đã tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có do gia đình có nghề xay sát gạo để tự phối trộn thức ăn cho đàn vật nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Bà Niềm cho biết: Gia đình tôi thường xuyên nuôi khoảng 20 con lợn, 100 con gà, ngoài ra còn có ngan, vịt.
Chăn nuôi nhỏ lẻ nên tôi xác định "lấy công làm lãi", tận dụng nguồn cám gạo từ quá trình xay xát, tôi phối trộn thêm ngô, cá rô phi, rau cỏ quanh nhà để cho lợn, gà ăn. Tuy vật nuôi lớn chậm hơn so với cho ăn cám công nghiệp nhưng đổi lại không phải lo lắng về chi phí thức ăn. Đặc biệt, do thời gian nuôi dài hơn, thức ăn phần lớn là hữu cơ, gần gũi với thiên nhiên nên sản phẩm chăn nuôi có chất lượng thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Ví dụ hiện nay gà nuôi cám viên giá bán chỉ được 50 nghìn đồng/1kg thì gà của gia đình nuôi lúc nào cũng duy trì mức giá ổn định từ 80 nghìn đồng/1kg trở lên và hầu như thương lái tự tìm đến nhà mua chứ tôi không phải mang đi chợ.
Theo các chuyên gia, ở thời điểm giá cám công nghiệp tăng cao như hiện nay, sử dụng thức ăn phối trộn mang lại nhiều lợi ích. Thứ nhất, giúp giảm chi phí thức ăn từ 10 - 20%.
Thứ hai, người chăn nuôi hoàn toàn có thể chủ động lựa chọn nguyên liệu trong công thức, có thể thay đổi theo mùa thu hoạch nông sản tại địa phương và tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu này nhằm giảm giá thành sản xuất; chủ động khẩu phần dinh dưỡng, điều chỉnh phù hợp với từng giai đoạn phát triển của vật nuôi, thức ăn luôn tươi mới sẽ giúp vật nuôi phát triển thuận lợi nhất.
Ngoài ra, ở phương thức này, bà con dễ dàng kiểm soát được các chất kích thích tăng trưởng, kháng sinh hay hooc - môn tăng trưởng. Do vậy, rất phù hợp với mô hình chăn nuôi sạch, chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi không kháng sinh đang là xu hướng của người tiêu dùng.
Ông Trần Văn Luận, Trưởng Phòng Khuyến nông, Chăn nuôi Thủy sản (Trung tâm Khuyến nông tỉnh) cho biết: Mặc dù có nhiều ưu điểm nhưng thức ăn phối trộn cũng có một số hạn chế nhất định bởi lựa chọn công thức trộn thức ăn chăn nuôi phù hợp với từng loại vật nuôi và từng giai đoạn vật nuôi là điều không dễ với các trang trại.
Do vậy, để việc sử dụng thức ăn phối trộn đạt hiệu quả tốt nhất, bà con nông dân cần lưu ý: Nên sử dụng các loại nguyên liệu có sẵn tại địa phương để phối trộn.
Đồng thời, cần đảm bảo đầy đủ 4 nhóm thức ăn: nhóm thức ăn giàu đạm như đậu tương, vừng, lạc, khô dầu, cá, bột cá, giun đất, bột thịt…; nhóm thức ăn giàu năng lượng bao gồm các loại hạt ngô, lúa, tấm, cám, sắn, khoai lang…; nhóm thức ăn giàu vitamin, giúp quá trình trao đổi chất trong cơ thể, nhóm này gồm có các loại rau, củ, quả, lá cây…; nhóm thức ăn giàu khoáng bao gồm vỏ cua, sò, ốc, bột xương, vỏ trứng… có tác dụng tham gia vào quá trình cấu tạo xương và các bộ phận khác.
Nguyên liệu trước khi phối trộn cần được nghiền nhỏ, các nguyên liệu như ngô, cám, đậu tương, khô dầu, bột cá… phải đảm bảo chất lượng, không bị nấm mốc, ẩm, vón cục, biến màu, mùi khác lạ và được nghiền nhỏ, đậu tương phải rang chín; vỏ sò, hến cần nung nóng trước khi nghiền. Cần dựa vào quy mô, lứa tuổi đàn vật nuôi để tính toán lượng thức ăn phù hợp, không nên phối trộn thức ăn quá nhiều sẽ không ăn hết, bảo quản lâu sẽ giảm chất lượng và không hiệu quả.
Bên cạnh đó, bà con cần phối trộn thức ăn theo công thức riêng cho từng con nuôi, phù hợp với mục đích chăn nuôi và từng lứa tuổi của vật nuôi. Thường xuyên theo dõi tình hình phát triển của đàn vật nuôi để điều chỉnh công thức phối trộn cho phù hợp.
Bài, ảnh: Nguyễn Lựu