PV: Đồng chí cho biết năng lực của hệ thống cơ sở hạ tầng thủy lợi và những kinh nghiệm đối phó với thiên tai trên địa bàn tỉnh ?
Đ/c Vũ Nam Tiến: Để nâng cao năng lực phòng chống thiên tai của hệ thống cơ sở hạ tầng thủy lợi trên địa bàn tỉnh, trong những năm qua, Trung ương và tỉnh đã quan tâm đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp các công trình thủy lợi phục vụ phòng, chống lụt bão, phát triển sản xuất nông nghiệp và dân sinh như: Dự án nâng cấp tuyến đê biển Bình Minh II, Bình Minh III, nâng cấp đê tả hữu Hoàng Long, đê Đầm Cút, đê Năm Căn, đê Hữu Đáy, đê sông Vạc, sông Mới và dự án nạo vét sông Hoàng Long, nạo vét cửa Đáy để tăng khả năng thoát lũ... Chính vì vậy mà năng lực chống lũ bão, phục vụ sản xuất, đời sống dân sinh của hệ thống cơ sở hạ tầng thủy lợi được nâng lên và đã thực sự đem lại hiệu quả thiết thực, giảm các trọng điểm xung yếu, góp phần vào công tác PCLB và phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
Năm 2014, tỉnh ta chịu ảnh hưởng hoàn lưu cơn bão số 2 và bão số 3. Để chủ động đối phó với mưa, bão, lũ, tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương khẩn trương triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các phương án phòng, chống, ứng phó kịp thời với diễn biến thiên tai, trong đó đặc biệt chú trọng đến công tác chuẩn bị 4 tại chỗ, kêu gọi tàu thuyền, sơ tán dân, phòng chống úng bảo vệ sản xuất; triển khai tốt các biện pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các công trình thủy lợi, hồ chứa, công trình đang thi công và khắc phục hậu quả sau thiên tai…góp phần hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, bảo vệ được sản xuất, tài sản của Nhà nước và tính mạng của nhân dân.
Qua thực tế công tác chỉ đạo, điều hành đối phó với thiên tai trên địa bàn tỉnh, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm: Công tác chuẩn bị từ khâu kiểm tra, rà soát hệ thống đê điều, hồ đập, công trình thủy lợi đến xây dựng các phương án PCLB cần phải chi tiết, cụ thể, phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng địa bàn nhằm đảm bảo tính thống nhất trong việc tổ chức thực hiện các biện pháp ứng phó với các tình huống thiên tai. Khi bão, lũ xảy ra phải thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ" với cơ chế chỉ huy tập trung, thống nhất, đồng bộ giữa các cấp, các ngành. Phải có sự phân công nhiệm vụ cụ thể, hợp lý cho các thành viên Ban chỉ huy để chỉ đạo, điều hành từng lĩnh vực, từng địa bàn. Công tác chỉ huy, điều hành phải bám sát diễn biến tình huống thiên tai, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời, phù hợp, sát thực tiễn của từng địa bàn. Công tác dự báo, cảnh báo và tuyên truyền, phổ biến về thiên tai, cách phòng tránh đóng vai trò then chốt nhằm cung cấp kịp thời, chính xác diễn biến thiên tai cho các cấp, các ngành và cộng đồng dân cư để chủ động phòng tránh, đối phó hiệu quả với thiên tai.
PV: Đồng chí cho biết dự báo tình hình thời tiết, thiên tai trong năm nay.
Đ/c Vũ Nam Tiến: Năm 2015, theo dự báo, tình hình thời tiết khí hậu thủy văn sẽ có những diễn biến phức tạp, khó lường, chịu tác động mạnh nhất của biến đổi khí hậu; nhất là bão mạnh, mưa lớn có khả năng xuất hiện trên diện rộng, lũ cao trên các triền sông và nước dâng vùng ven biển. Trong năm, dự báo có khoảng 9- 10 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, trong đó ảnh hưởng trực triếp đến Việt Nam có khả năng từ 4 - 5 cơn, ảnh hưởng đến khu vực Đồng bằng Bắc bộ từ 2 - 3 cơn… Vì vậy, các cấp, các ngành và địa phương cần chủ động xây dựng, triển khai thực hiện tốt các phương án phòng chống thiên tai năm 2015.
PV: Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, thiên tai, tỉnh ta đã đề ra những giải pháp ứng phó như thế nào.
Đ/c Vũ Nam Tiến: Để đối phó với thiên tai trong năm 2015, tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để chủ động đề ra các biện pháp ứng phó kịp thời, giảm thiệt hại tới mức thấp nhất với mục tiêu "Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục có hiệu quả ảnh hưởng của thiên tai"; trong đó lấy công tác phòng là chính, đảm bảo an toàn các tuyến đê, kè, cống cũng như tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân; nhất là các tuyến đê trọng điểm như đê biển Bình Minh, đê sông Hoàng Long, đê hữu sông Đáy và các khu vực thường xuyên bị ngập úng trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục triển khai thực hiện chiến lược Quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020, đồng thời lồng ghép việc giảm nhẹ thiên tai với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo bền vững. Tăng cường vốn đầu tư tu bổ, nâng cấp các công trình phòng, chống thiên tai kết hợp phục vụ dân sinh, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội góp phần xây dựng nông thôn mới.Từ tỉnh đến các huyện, thành phố, thị xã, các ngành tiến hành củng cố, kiện toàn Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên chỉ đạo, điều hành từng lĩnh vực, từng địa bàn; đồng thời tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm công tác phòng, chống lụt, bão năm 2014 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp năm 2015 xong trước ngày 30/4. Tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá chất lượng đê điều, hồ đập, công trình PCLB, công trình thủy lợi, xác định cụ thể trọng điểm phòng chống bão, siêu bão, sóng thần năm 2015, hoàn thiện phương án phòng chống thiên tai của các cấp, các ngành theo phương châm 4 tại chỗ đảm bảo chi tiết, cụ thể, phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng địa bàn, xong trước ngày 5/5.Các huyện như: Nho Quan tổ chức tốt việc diễn tập phòng chống thiên tai và ứng phó bảo vệ đê hồ đạp khi xay ra mưa vượt tần suất, nhất là triển khai thực hiện tốt việc lập, phê duyệt và tổ chức thực hiện phương án di dân của vùng xả lũ, phân lũ; phương án xả lũ bảo vệ tuyến đê Đức Long - Gia Tường; phương án bảo vệ các trọng điểm xung yếu và đảm bảo an toàn hồ đập. Huyện Gia Viễn, tổ chức thực hiện phương án di dân của vùng phân lũ; phương án vận hành tràn Lạc Khoái, tràn sự cố, xả lũ qua cống Mai Phương, Địch Lộng; phương án bảo vệ các trọng điểm xung yếu và đảm bảo an toàn hồ đập; đồng thời tổ chức diễn tập Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn cấp huyện đảm bảo thiết thực, hiệu quả, an toàn, tiết kiệm. Huyện Kim Sơn, hoàn thiện phương án ứng phó với siêu bão, nhất là triển khai thực hiện phương án di dân phía ngoài đê Bình Minh II vào trong đê Bình Minh I và các điểm tránh trú bão cho dân; phương án bảo vệ các trọng điểm xung yếu đê hữu Đáy, tả hữu sông Vạc, đê biển Bình Minh II, Bình Minh III và ứng phó với sóng thần. Kiểm tra, đôn đốc công tác chuẩn bị phòng, chống thiên tai, nhất là công tác "4 tại chỗ" từ cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, cấp thôn đến các hộ gia đình ở vùng có nguy cơ cao về thiên tai, đảm bảo cụ thể, sát thực, phù hợp với nguồn lực của địa phương và cộng đồng dân cư. Chủ động thực hiện các biện pháp xử lý, đảm bảo nguồn nước sạch để cung cấp cho người dân khi thiên tai xảy ra. Rà soát, bổ sung các phương tiện cứu hộ, cứu nạn tại các địa phương để chủ động cứu hộ, cứu nạn tại chỗ kịp thời khi có tình huống thiên tai xảy ra. Từng bước hình thành lực lượng cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ chuyên nghiệp với sự tham gia của các lực lượng tình nguyện, thanh niên xung kích trong công tác phòng tránh, đối phó với thiên tai. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng, chống thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng và đài truyền thanh 3 cấp cho nhân dân. Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.Từng bước nâng cao khả năng chuẩn bị, ứng phó, phục hồi của cộng đồng trước, trong và sau thiên tai. Động viên, hướng dẫn nhân dân vùng có nguy cơ ngập lũ chuẩn bị các phương tiện thuyền bè nhỏ, dự trữ lương thực, thuốc chữa bệnh, hóa chất xử lý nước để chủ động đối phó khi ngập lũ xảy ra. Tổ chức tốt công tác tập huấn, diễn tập phòng, chống thiên tai, hộ đê, hồ đập; nâng cao năng lực công tác tìm kiếm, cứu nạn, sẵn sàng phối hợp với các lực lượng nước ngoài tham gia TKCN. Từng bước nâng cao năng lực công tác dự báo, cảnh báo thiên tai tại địa phương; đảm bảo độ chính xác của dự báo bão, áp thấp, siêu bão, mưa, lũ, động đất, sóng thần để giảm thiểu thiệt hại tới mức thấp nhất trên địa bàn toàn tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án tu bổ đê điều, hồ đập, các điểm xung yếu, các công trình trọng điểm. Tập trung thực hiện công tác rà soát quy hoạch và tổ chức thực hiện việc bố trí sắp xếp lại dân cư vùng thiên tai; đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các hạng mục tránh, trú lũ bão kết hợp sinh hoạt cộng đồng ở các thôn, xóm vùng có nguy cơ bị ngập lụt, thiên tai cao. Chuẩn bị đầy đủ vật tư dự phòng PCLB và giảm nhẹ thiên tai.Thực hiện tốt các chính sách xã hội, công tác cứu trợ thiên tai và khắc phục hậu quả bão, lụt, ổn định đời sống cho nhân dân, tái thiết và khôi phục sản xuất, môi trường sinh thái sau thiên tai. Tổ chức tốt công tác thường trực phòng chống thiên tai theo quy định, sẵn sàng ứng phó kịp thời với các diễn biến thiên tai; tăng cường, nâng cao chất lượng công tác quản lý, giám sát tàu thuyền hoạt động trên sông, trên biển... góp phần thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống thiên tai năm 2015.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí.
Thanh Chiên (thực hiện)