Điều đáng lo ngại là dịch bệnh bùng phát ở những nơi tập trung đông người như trường học, khu đô thị... làm tăng nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của ngành Y tế, người dân không nên lo sợ, hoang mang mà cần áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tích cực.
Sau nhiều ngày Ninh Bình không có thêm bệnh nhân mới, đến ngày 4-10 dịch cúm A(H1N1) lại bùng phát với tốc độ lây lan nhanh. Đến 13-10, toàn tỉnh đã có 38 trường hợp nghi nhiễm cúm A, trong đó có 18 trường hợp dương tính với H1N1. Điều đáng nói là hầu hết các bệnh nhân dương tính với cúm A(H1N1) từ ngày 4-10 đến nay đều không liên quan đến các yếu tố dịch tễ như đi từ vùng dịch về, tiếp xúc trực tiếp với người mặc bệnh... và như vậy dịch đã chuyển sang giai đoạn diễn biến phức tạp và khó có thể ngăn chặn ngay mà chỉ hạn chế sự lây lan.
Trước diễn biến nhanh và phức tạp của dịch cúm A(H1N1), Bộ Y tế cũng đã có quy định không tiến hành xét nghiệm tràn lan, chỉ xét nghiệm ở những nơi chưa có dịch để tìm ổ dịch. Cũng theo nhận định của ngành Y tế thì mùa đông mới là thời điểm của dịch bệnh về đường hô hấp. Hai năm qua, dịch cúm A(H5N1) trên địa bàn tỉnh ta đều xảy ra vào cuối năm và rất có thể trong mùa đông năm nay sẽ có nhiều bệnh giao thoa như H1N1, H5N1, sốt xuất huyết. Vì thế, khi bệnh nhân có các triệu chứng như: sốt, ho, đau họng... thì nên đến các cơ sở y tế để khám, tư vấn và xét nghiệm khi cần thiết, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Ngành Y tế cũng đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án về nhân lực, phương tiện, thuốc Tamiflu, hóa chất khử trùng sẵn sàng đáp ứng yêu cầu khi xảy ra đại dịch.
Bệnh nhân đang điều trị tại khu cách ly Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Đối với ngành Giáo dục, cần xác định tất cả các trường đều có nguy cơ xảy ra dịch bệnh, vì thế cần phải tăng cường giám sát, phát hiện sớm những học sinh bị cúm. Các trường cũng đã quy định giáo viên chủ nhiệm đầu giờ học phải kiểm tra học sinh trong lớp có sốt, ho hay không để báo với ban chỉ đạo nhà trường, kết hợp với trạm y tế nơi trường đóng quân để loại trừ những trường hợp cúm thông thường.
Hiện, toàn tỉnh đã có 7 trường xuất hiện dịch là: THCS Lý Tự Trọng, Tiểu học Thanh Bình, THPT Bán công thành phố Ninh Bình, THPT Trần Hưng Đạo (thành phố Ninh Bình), THPT Hoa Lư A (Hoa Lư); THCS Sơn Hà (Nho Quan), THPT Kim Sơn A (Kim Sơn). 5/8 huyện, thành phố, thị xã đã xuất hiện dịch, tập trung chủ yếu ở thành phố Ninh Bình. Chính điều này đã gây tâm lý lo lắng thái quá cho không ít phụ huynh học sinh và người dân.
Chị Nguyễn Thị Hoa (phường Thanh Bình, thành phố Ninh Bình) nói: "Tôi rất lo lắng vì hiện nay ở trường đã có học sinh mắc cúm A/H1N1. Nếu có thêm vài trường hợp nữa chắc tôi phải cho con nghỉ học để đảm bảo sức khỏe". Không chỉ có cá nhân mà ngay cả một số trường cũng có những động thái gây nên tâm lý lo lắng cho các gia đình. Tại một số trường học, khi xuất hiện học sinh bị cúm nhà trường đã cho các học sinh liên quan đi xét nghiệm dù chưa có biểu hiện của bệnh, gây khó khăn cho các cơ sở y tế.
Bác sỹ Lê Hữu Quý, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Bệnh viện đã điều trị cho 14 bệnh nhân dương tính với cúm A(H1N1). Tuy nhiên tất cả các bệnh nhân nhập viện đều ở thể nhẹ, khi được điều trị theo đúng phác đồ của Bộ Y tế thì chỉ sau 3-5 ngày đã được ra viện. Nếu có các triệu chứng của bệnh thì nên tự cách ly và đến khám, điều trị tại cơ sở y tế gần nhất. Tránh tình trạng dồn về tuyến trên, làm tăng khả năng lây lan ra cộng đồng và gây quá tải cho các Bệnh viện. Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng đã chuẩn bị các phương án dự phòng khi có dịch xảy ra trên diện rộng.
Ngành Giáo dục - Đào tạo hiện cũng đã tuyên truyền cán bộ, giáo viên và học sinh về cách phòng dịch cúm như tăng cường vệ sinh cá nhân và tự bảo vệ mình trước dịch bệnh. Hiện tại ngành chưa có kế hoạch cho học sinh nghỉ học vì dịch cúm mới chỉ xuất hiện đơn lẻ ở một số trường. Nếu như lớp nào có 1/3 số học sinh dương tính với cúm A(H1N1) và trường nào có 1/3 số lớp có học sinh cúm thì mới được cho học sinh nghỉ học.
Trước việc người dân tỏ ra lo lắng khi có nhiều người mắc cúm A(H1N1), bác sỹ Vũ Văn Cẩn, Phó Giám đốc Sở Y tế cho rằng: Mặc dù nguy cơ dịch cúm A(H1N1) lan rộng ra cộng đồng là rất cao, nhưng người dân không nên quá lo lắng mà hãy tự bảo vệ bản thân và gia đình bằng cách thực hiện tốt các biện pháp như: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, chú ý vệ sinh môi trường, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc, lau chùi bề mặt đồ dùng, vật dụng sinh hoạt bằng hóa chất sát khuẩn thông thường, che miệng khi ho, không khạc nhổ bừa bãi. Đặc biệt để tránh các biến chứng do sử dụng thuốc không đúng cách, người dân không nên tự ý mua và sử dụng Tamiflu khi chưa có chỉ định của cán bộ ngành Y tế.
Nguyễn Thơm- Phạm Trường