Ông Nguyễn Sơn Hà, ở xã Lưu Phương, huyện Kim Sơn năm nay đã ngoài 60 tuổi, là người có thú chơi chọi gà từ khi còn rất trẻ, ông chia sẻ "Khi còn nhỏ, tôi đã rất thích nuôi gà, thường đi theo cha, chú để xem gà chọi đá nhau, lúc đầu chỉ biết xem hai con gà đánh nhau để thỏa mãn tính hiếu kỳ của mình chứ không biết như nào là thế đá, đòn lối của chọi gà. Nhưng cũng chính từ những lần đi xem như vậy mà tôi đã bị thú chọi gà lôi cuốn, dần trở thành niềm đam mê". Ông dẫn tôi tới khu nuôi gà của mình, đó là một khu đất rộng khoảng 50m2 và giới thiệu rất tỉ mỉ về từng con gà trong các ô chuồng, khi dừng lại ở chuồng của một chú gà nhìn rất đẹp, dáng đứng oai phong, vươn cao cổ gáy, ông cho biết đây là con gà mà ông yêu quý nhất với màu lông tía, chân có vẩy màu xanh, đã có thành tích thắng nhiều trận tại những hội gà chọi trong vùng. Giờ ông đang cho nó sống chung cùng một con gà mái hy vọng là sẽ cho ra đàn gà chọi con có những đặc tính, đòn lối ưu việt như gà cha. Theo những người chơi gà "có nghề" thì để tạo được một con gà tài, thì việc quan trọng là phải biết chọn dòng gà tốt để nuôi, ông cha ta có câu "chó giống cha, gà giống mẹ" vì thế muốn có gà con tốt thì trước tiên phải chọn được con gà mái mẹ thật tốt, có xuất thân là con gà chọi nòi, có thân hình cân đối, sức bền chịu đòn. Còn con bố thì phải là con có đòn, lối hay xuất sắc đã ăn nhiều "độ".
Khi hội tụ đầy đủ những tố chất của cả gà bố và gà mẹ cho ra đàn gà con, những người nuôi gà chọi mà người ta gọi là "sư kê" lại trải qua công đoạn tuyển ra những con gà con có tố chất của một chiến kê để nuôi chăm sóc, vần vỗ, huấn luyện mất thời gian khoảng một năm thì chú gà mới ra trường gà để tranh tài được.
Trong giới chơi gà thường truyền tai nhau câu "nhất lực nhì tài", ý nói con gà ra trường đấu để giành được cơ hội thắng cuộc thì dứt khoát phải là con gà khỏe mạnh, sau đó mới kể đến con gà có tài nghệ, đòn độc lối hay. Hiện nay, hội những người chơi gà chọi ở Ninh Bình không ai không biết đến các "Sư kê" có cách nuôi gà chọi tốt như ông Lợi ở phường Vân Giang, anh Phương béo ở phường Nam Thành (thành phố Ninh Bình). Với những kiến thức có thể gọi là uyên thâm về gà các "sư kê" đã chăm sóc, huấn luyện thành công rất nhiều "chiến kê" xuất sắc.
Anh Phương béo cho biết, gà chọi cũng như những võ sỹ vậy, nó cũng cần có chế độ ăn của một vận động viên thể thao, thức ăn chủ yếu của gà chọi là lúa ngâm trong nước từ 4 đến 12 tiếng, lấy ra để ráo nước rồi cho gà ăn hai bữa vào buổi sáng và chiều tối, buổi trưa thì cho gà ăn ít rau xanh, ít mồi tươi như thịt bò, lươn… Gà chọi chỉ cho ăn không chưa đủ mà còn phải có kế hoạch tập luyện "vần vỗ" thường xuyên để con gà có cơ bắp, thể lực sung mãn.
Trong luyện tập cũng có nhiều cách nhưng chủ yếu là: cho hai con gà quần nhau (nếu bịt mỏ thì gọi là vần hơi, còn để mỏ thì gọi là vần đòn); còn bài tập khác nữa là cho gà chạy lồng. Bên cạnh đó, để lớp da gà dày, có sức chịu đựng tốt thì người nuôi còn dùng nghệ tươi, phèn chua, đem giã nát rồi ngâm rượu để xoa cho gà mỗi ngày và cho gà phơi nắng thường xuyên. Sau khi đã trải qua những quá trình như vậy, chú gà chọi trưởng thành là vào khoảng một năm tuổi mới có thể cho ra trường tranh tài được.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh, thú chơi này vẫn đang được duy trì trong nhân dân, được tổ chức và quy tụ rất nhiều người cùng chung một niềm đam mê, cùng nhau đưa những "chiến kê" của mình về thi đấu tại các lễ hội như: lễ hội Trường Yên (huyện Hoa Lư); lễ hội đền Nguyễn Công Trứ (huyện Kim Sơn); lễ hội đền Bình Hải (huyện Yên Mô)…
Bên cạnh nét đẹp văn hóa trong thú chơi gà chọi vẫn còn những phần tử lợi dụng, sử dụng sới gà là nơi đánh bạc làm mất đi cái hay, cái đẹp của phong tục truyền thống có từ ngàn xưa của ông cha.
Bài, ảnh: Trường Giang