Người dân Khánh Thủy chẳng phân biệt già hay trẻ, trai hay gái, đều dành khoảng thời gian thư thái nhất trong ngày để chiêm ngưỡng, thưởng thức tiếng sáo diều. Hình ảnh quá đỗi bình dị ấy đã trở thành miền ký ức không thể nào quên đối với những người con quê hương Khánh Thủy… Ông Nguyễn Minh Nhượng ở xóm 7 xã Khánh Thủy năm nay 51 tuổi. Lão nông ấy chưa thể rời xa ruộng đồng, song vẫn dành nhiều thời gian để làm và chơi sáo diều. Ông Nhượng bảo, thú chơi diều sáo ở Khánh Thủy có từ bao giờ thì chẳng ai còn nhớ được. Còn cái thú chơi diều của ông Nhượng cũng là thừa hưởng từ người cha. Và để phục vụ sở thích thả diều cho đám trẻ trong xóm, cha ông Nhượng bắt tay vào "sự nghiệp" làm diều. Nhưng là những cánh diều làm bằng giấy bao xi măng, hoặc sang hơn là bằng túi ni lông, dán bằng nhựa cây sung hoặc… cơm nguội. Mộc mạc vậy thôi mà cuốn hút biết bao trẻ em nông thôn và đã trở thành phần ký ức không thể nào quên của bao người xa xứ. "Tôi còn nhớ, có lần cả đám trẻ vừa cưỡi trâu, thả diều, thổi sáo. Gió đang cao lồng lộng, cánh diều đang no gió thế mà trời bỗng đổ cơn mưa to, không kịp thu diều, chiếc diều được cả bọn nâng niu gìn giữ bỗng ướt nhoét và chỉ còn là đám giấy bỏ đi khiến đứa nào cũng thẫn thờ"- ông Nhượng kể.
Lớn lên, ông Nhượng lấy vợ sinh con và tiếp tục cái nghiệp là một nông dân. Cuộc sống nhà nông bận rộn, cái sự mưu sinh ấy cũng lắm gian truân. Song, chưa bao giờ ông Nhượng thôi niềm đam mê đối với cánh diều. "Có một người luôn động viên cho niềm đam mê ấy của tôi đó chính là vợ. Bà ấy chưa bao giờ than phiền hay cằn nhằn khi tôi dành thời gian cho niềm đam mê làm diều và chơi diều. Có lẽ, bà ấy hiểu đối với tôi và với người dân Khánh Thủy, cánh diều có ý nghĩa quan trọng như thế nào"- ông Nhượng chia sẻ. Và khi con cái trưởng thành hơn, ông Nhượng càng thêm rảnh rang dành thời gian làm và chơi diều sáo.
Ông Nhượng bảo, làm diều ngày nay cũng chẳng khác xưa là mấy. Có chăng, nguyên vật liệu bây giờ dễ tìm và tốt hơn. Để làm được con diều tốt thì quan trọng nhất phải phụ thuộc vào khâu chọn tre. Tre để làm diều thì phải thẳng, phải thật già và dày thịt. Thường thì vào tháng 10 âm lịch là thời điểm chặt tre lý tưởng nhất. Sau khi "pha" tre thì vót sơ qua rồi mang sấy hoặc gác trên gác bếp. Khi tre thật khô thì mang ra sử dụng. Vậy nên thường thì để làm diều cho năm sau, ông Nhượng đã phải chuẩn bị tre từ năm trước. Bởi vậy mà chất lượng tre trong cánh diều của ông Nhượng không thể chê vào đâu được. Mê diều, am hiểu về diều nên cứ nghe ở đâu làm diều sáo hay là ông Nhượng tới tìm hiểu, giao lưu.
Những chuyến đi ấy khiến ông có cả một kho tàng những câu chuyện xung quanh cánh diều Việt. Nhưng xem thì xem vậy, chứ ông vẫn giữ cái cách làm diều truyền thống của quê hương mình. Trong ngôi nhà nhỏ của ông cũng là nơi đón tiếp bao nhiêu khách trong, ngoài tỉnh tới tham quan và mạn đàm về sáo diều. Những cánh diều do người Khánh Thủy tạo ra ngày càng to đẹp với sắc màu bắt mắt. Tuy nhiên, người ta hơn nhau không phải là ở cánh diều lớn hay bé, mà phải ở độ cao và đặc biệt là ở âm thanh của tiếng sáo. Cánh diều lớn hay bé, hình con gì hay họa tiết ra sao là do sức sáng tạo của người làm diều. Nhưng tiếng sáo lại là nơi thể hiện tiếng lòng, nội tâm của người làm diều. Ai cũng muốn gửi gắm những gì tinh túy nhất vào tiếng sáo, sao cho mỗi lần cánh diều bay lên, thì người xem diều còn thấy say, thấy nhớ cái tiếng sáo ấy.
Vậy nên, làm diều thì đơn giản song để tạo ra tiếng sáo hay thì không phải ai cũng làm được. ""Trước đây, tôi cũng bị thất bại nhiều lần khi làm sáo. Âm thanh thì có, nhưng tiếng sáo không du dương, không hay. Vậy là lại phải tháo ra, hì hục sửa lại. Nhưng làm mãi rồi cũng thành quen, giờ thì chẳng bao giờ bị thất bại nữa. ống Sáo làm bằng nứa già. Hai đầu sáo phải bằng nhau. Miệng sáo làm bằng lõi mít để tránh bị nứt nẻ, co ngót. Âm thanh phụ thuộc vào độ dài, ngắn của cây sáo. Sáo dài thì chậm tiếng hơn, sáo ngắn thì nhanh tiếng nhưng to hơn"- ông Nhượng chia sẻ.
Thường thì một bộ sáo diều có chừng 5-7-9 hoặc 11 ống sáo. ống sáo nhiều thì âm thanh sẽ phong phú, có nhiều âm điệu hơn. Giữ vị trí quan trọng nhất trong bộ sáo là chiếc sáo cái- chiếc sáo to nhất. Chiếc sáo này phát ra âm thanh chậm, có tiếng ngân nga. Nhiều năm làm sáo, ông Nhượng và các "cộng sự" đã cho ra đời công thức tính chiều dài chuẩn của ống sáo, đó là lấy đường kính của ống nhân với 8. Cũng theo ông Nhượng, để tạo được âm thanh khác nhau phụ thuộc vào độ rộng- hẹp của miệng sáo, chiều dài của sáo và độ to, nhỏ của ống sáo.
Để hoàn chỉnh một bộ sáo, những người như ông Nhượng phải làm mất 3 ngày. Cũng không có gì quá đặc biệt trong cánh diều ấy nếu chỉ mới nhìn. Thế nhưng khi hoàng hôn xuống, cánh diều no gió và trình diễn những bản nhạc với nhiều sắc thái trầm bổng như một dàn nhạc điêu luyện trong thinh không thì người xem mới hiểu được những người làm diều đã vất vả, kỳ công đến thế nào. Diều ở Khánh Thủy bay rất cao, tiếng sáo vang rất xa, chỉ nghe tiếng sáo thôi cũng hiểu lòng người da diết biết nhường nào. Cũng bởi tiếng sáo ấy mà khách thập phương khi về đến Khánh Thủy đều muốn được tự tay thả cho diều no gió và được thư thái nghe bản nhạc đặc biệt ấy từ dàn sáo trên thinh không.
Mỗi năm, ông Nhượng cũng bán, thậm chí là cho, tặng gần trăm chiếc diều lớn bé. Không đặt nặng vấn đề tiền nong, bởi theo ông Nhượng, có nhiều người đam mê diều thì cái nghệ thuật chơi và làm diều sáo ấy mới mãi trường tồn. Không chỉ thả diều vào những ngày hè lộng gió, mà người dân Khánh Thủy còn thả lúc gió Đông Bắc rét cắt da, cắt thịt. Ngoài là thú chơi tao nhã, thả diều và nghe tiếng sáo còn là cách giúp người nông dân dự báo thời tiết. Căn cứ vào tiếng sáo, sự chao liệng của con diều mà họ biết được thời tiết trong những ngày tới như thế nào. Nghề nông, cũng vì thế mà thêm phần thuận lợi.
Đào Hằng