Từ tờ mờ sáng, khi sương sớm vẫn còn bao phủ trên khắp cành cây, ngọn cỏ, khắp nẻo đường, người người đã rủ nhau tới chợ. Ngày cuối năm bận rộn nhưng ai cũng tranh thủ xuống chợ mua sắm, chuẩn bị đón Tết. Người xuống chợ đủ các thành phần, từ các cụ già, thanh niên đến các em nhỏ theo bố mẹ đi chơi chợ. Mới 5 giờ sáng, chợ đã đông người cả người mua lẫn người bán. Bác Đinh Minh Châu, thôn Sấm 2, xã Cúc Phương cho biết: Mấy chục năm về trước, việc chuẩn bị Tết của người dân rất vất vả, thiếu thốn, có khi phải đi bộ hơn chục km xuống chợ Rịa hay chợ Nho Quan mới có hàng hóa để mua, vì vậy những mặt hàng cần thiết cho ngày Tết như gạo nếp, đậu xanh, lá dong, rượu và quần áo hầu hết chúng tôi tự làm. Rượu nấu bằng gạo nếp nương với men lá lấy trên rừng, hương nến làm từ nhựa cây trám và than cây vừng; hành tỏi, rau cải trồng lấy, phụ nữ thì trồng bông và nuôi tằm để lấy bông, tơ dệt vải may váy, quần áo cho cả nhà… Tết ngày nay, người Mường Cúc Phương chỉ cần đến chợ xã là mua sắm được mọi thứ.
Hàng hóa bày bán trong phiên chợ Tết đa dạng, từ các loại nông sản được người dân trong vùng đem ra trao đổi như lá dong, gà, gạo nếp, buồng chuối, đến các mặt hàng như vải vóc, quần áo dân tộc, quần áo hiện đại, giày dép, đồ chơi, chăn màn, bát đĩa… thu hút khá đông khách xem hàng, lựa chọn. Đông vui nhất là các quầy bán quần áo bởi cuối năm ai cũng muốn sắm cho mình và các thành viên trong gia đình những bộ quần áo mới, ưng ý để diện Tết và mong ước một năm mới gặt hái được nhiều thành công, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Bà Đinh Thị Hoán - người có 10 năm bán hàng quần áo thổ cẩm tại chợ Cúc Phương cho biết: Tiểu thương như tôi rất mong dịp Tết đến để hàng hóa bán chạy hơn, đặc biệt là quần áo truyền thống của người Mường. Theo phong tục, mỗi phụ nữ Mường có ít nhất 2 bộ quần áo truyền thống để mặc trong những ngày lễ, Tết, ngày lễ trọng nên những mặt hàng như yếm, áo, khăn chít đầu, dây đềnh, nhùng nhằng (dây bạc đeo ở bụng gồm 5 dây), khăn lưng, váy bán rất chạy.
Người dân vùng cao nói chung, xã Cúc Phương nói riêng, đi chợ không chỉ để sắm Tết mà còn là nơi gặp gỡ, mời nhau đến nhà chơi Tết, tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi khi Tết đến Xuân về. Tại chợ, mọi người hỏi thăm cuộc sống, gia đình của nhau, cùng chúc nhau những ngày Tết vui vẻ, may mắn. Kẻ mua, người bán tấp nập, ồn ào, huyên náo mà nhẹ nhàng, trật tự. Phiên chợ ngày cuối năm là nét văn hóa, như một phần không thể thiếu trong tinh hoa văn hóa của dân tộc Mường nơi đây. Đồng chí Đinh Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã Cúc Phương cho biết: Xã Cúc Phương đã xây dựng được chợ để nhân dân trong vùng buôn bán, giao lưu hàng hóa. Có nhiều sản phẩm vùng cao được nhiều người ưa chuộng như mật ong, thịt dê, hươu, ốc núi, mộc nhĩ, nấm hương rừng, măng khô; đậu, lạc, vừng, gạo nếp nương... Đặc biệt, xã khuyến khích chị em phụ nữ thêu dệt thổ cẩm để mang ra chợ bán, đáp ứng yêu cầu về trang phục của chị em trong những ngày lễ, Tết. Đến nay 100% các thôn có các bà, các mẹ, các chị tham gia dệt thổ cẩm. Thuận lợi là từ năm 2016 xã đã đầu tư xây dựng, nâng cấp chợ Cúc Phương với kinh phí 679 triệu đồng. Chợ được quy hoạch gồm 4 dãy và 40 lô hàng. Việc đảm bảo ANTT, an toàn giao thông luôn được Ban quản lý chợ thực hiện tốt. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, theo dõi về an toàn thực phẩm, kiểm tra hàng giả, hàng kém chất lượng, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.
Hồng Vân