Bà nội tôi năm nay đã gần 90 tuổi. Sáng 28 Tết, mặc cho cái rét như cắt da cắt thịt, bà vẫn nằng nặc muốn tôi đi chợ cùng bà để… bán lá dong. Bụi dong nhà bà tôi có từ lâu lắm rồi. Năm nào cũng thế, cận Tết là các bà hàng xén vào mua lá dong. Nhưng năm nay, bà tôi muốn đích thân mang ra chợ bán. Chẳng phải bà so đo đắt rẻ, mà là bà muốn tìm lại cảm giác chợ quê ngày Tết năm nào. Chợ quê tôi có tự bao giờ không ai rõ, nó là nơi giao thương của vài xã vùng lân cận. Ngày còn nhỏ, tôi nhớ có lần bà cho đi chợ bán lá dong từ sáng sớm bằng… thuyền. Tôi đã ngồi trên chiếc thuyền câu nhỏ ấy và trôi đi nhẹ nhàng, trôi giữa lớp sương còn dày đặc, chưa nhìn tỏ bóng người mà chỉ nghe tiếng nói, tiếng gõ chài lanh canh. Những âm thanh ấy chẳng thể nào tôi quên.
Vào chợ, tôi chọn cho bà một chỗ ngồi thật lý tưởng để có thể bán đắt hàng. Chẳng biết, có phải sáng nay khi ra khỏi nhà bà cháu tôi gặp được người vía tốt hay không mà chưa ngồi ấm chỗ đã có khách tới mua hàng. Cầm xấp lá xanh mướt, to, người khách hài lòng lắm. Chẳng phải mặc cả, thoáng chốc, bà tôi đã bán hết veo mớ lá dong. Bỏm bẻm nhai miếng trầu đỏ tươi, bà tôi hóm hỉnh: xem ra, ở cái tuổi xưa nay hiếm, bà vẫn còn duyên bán hàng lắm.
Đã lâu không ra chợ, vì thế sự đa màu, đa sắc của bạt ngàn hàng hóa làm bà tôi ngỡ ngàng. Bà bảo, ngày xưa, cuộc sống khó khăn nên nhà ai cũng phải làm đồng cho đến cận ngày Tết. Cấy nốt thửa ruộng đã vào ngày 29 Tết. Trời rét, mưa phùn lất phất, chợ quê se sắt, các bà, các chị quàng tấm áo mưa còn vương bùn đất, gánh gồng ra chợ bán vài sản vật mà gia đình làm ra như: con cá, mớ rau, nải chuối, quả bưởi, quả gấc, hay lớn hơn là mấy con gà trống mào đỏ tươi. Có thứ gì, các bà, các mẹ lại mang ra chợ bán hoặc đổi lấy hàng Tết. Cứ sắm Tết dần, đến chiều 30 Tết thì trong nhà ai cũng có nồi bánh chưng sôi sùng sục, có chiếc giò mỡ ép thẳng ở góc nhà, trên bàn thờ tổ tiên cũng đã đủ mâm ngũ quả, đèn, nến, hương trầm…
Chỉ có bọn trẻ con là chịu thiệt đôi chút. Bởi ít gia đình có điều kiện mua cho con bộ quần áo mới để diện Tết. Còn lại, đa phần các gia đình nghèo đều tự chuẩn bị quần áo mới cho trẻ con bằng cách sửa lại từ những chiếc quần áo cũ.
Như để bù đắp những thiệt thòi đó, và cũng là phần thưởng cho một năm chăm ngoan, học giỏi, các bà, các mẹ cho bọn trẻ đi chơi chợ Tết. Đứa lớn thì chạy tung tăng, đứa nhỏ thì được mẹ cho vào một bên quang gánh quẩy ra chợ. Ra đến chợ, những đứa trẻ tròn mắt đầy háo hức, và reo vui khi được bà, được mẹ mua cho đồng bánh đa vừng, xiên khoai sọ hay bát bánh đúc. Được ăn quà thỏa thích, với chúng như thế là đủ. Có đứa, đập cả con lợn tiết kiệm cũng chỉ đủ mua vài quả bóng bay thổi đỏ chót miệng. Tết của trẻ con thôn quê thật giản dị, cũng như tôi, đi chợ quê ngày Tết đã trở thành ký ức thật đẹp, nó nằm trong "miền nhớ" của bao thế hệ người dân quê dù họ có đi bất cứ nơi nào.
Ngày nay, đời sống của bà con ngày một nâng cao. Khu chợ cũ ấy đã được đầu tư, nâng cấp khang trang hơn nhiều. Nhưng vẫn còn đó những con đường đất, những gian hàng nhỏ, người nông dân ra đến chợ vẫn chân lấm tay bùn. Hơn hết, "hồn" quê vẫn nguyên vẹn trong nếp giao thương giữa những người thôn quê đôn hậu. Chị Mai, một tiểu thương đã có thâm niên ở chợ cho biết: Tiếng là chợ quê, nhưng bây giờ hàng hóa thứ gì cũng có. Nhưng giữa bạt ngàn hàng hóa thời đại công nghiệp thì vẫn không thể thiếu những sản phẩm do người quê làm ra. Đó là những đôi quang gánh, nhiều khi chỉ vài củ su hào, mấy mớ rau mùi, rau diếp để trong những rổ xề, thúng mủng… Đó chính là những nét độc đáo của chợ quê.
Quá trưa, trời vẫn lất phất mưa và rét ngọt. Bà tôi run run, khóe mắt ươn ướt, không hiểu bà rét hay vì xúc động. Trước khi về, bà tôi cứ tần ngần đứng ngắm chợ. Có lẽ, nỗi nhớ và ký ức chợ quê trong sâu thẳm tâm hồn bà tôi đang cuộn chảy.
Đào Hằng