Ông Vũ Duy Tiên, bố đẻ của trung úy Vũ Văn Tiền cho biết: Gia đình ông có 5 người con, 4 trai, 1 gái. Anh Tiền là con cả, sinh năm 1980, học xong THPT năm 2000 anh đi nghĩa vụ quân sự tại Vùng 4 hải quân. Trong thời gian này, do phấn đấu tốt nên hết thời gian nghĩa vụ anh được đơn vị giới thiệu đi đào tạo lớp kỹ thuật về ra đa. Năm 2001, anh được cử ra đảo Phú Quốc. Không biết có phải định mệnh đã gắn anh với biển đảo không mà sau khoảng thời gian phục vụ tại Phú Quốc, Tiền liên tục nhận nhiệm vụ tại nhiều đảo khác như: Đá Lát, Song Tử Tây, gần đây nhất trung úy Vũ Văn Tiền lại trở lại đảo Song Tử Tây. Với anh Tiền, 15 năm gắn bó với nghiệp quân nhân cũng là hầu như từng ấy thời gian anh gắn bó với biển đảo. Quãng thời gian nghỉ ngơi của anh chỉ là khoảng thời gian nghỉ phép xen giữa hai lần ra đảo. Bố đẻ của anh Tiền còn cho biết thêm, trước kia do điều kiện thông tin liên lạc còn khó khăn, có khi 3 tháng gia đình mới nhận được thư của Tiền một lần, gần đây do điều kiện liên lạc ra các đảo đã thuận lợi hơn, gia đình có điều kiện thường xuyên liên lạc với Tiền.
Ông Vũ Duy Tiên, bố đẻ của trung úy Vũ Văn Tiền cũng từng là một người lính của Sư đoàn 316, đã cùng đơn vị tham gia nhiều trận đánh tại các mặt trận Buôn Mê Thuật, Cánh đồng Chum (Lào)... do vậy hơn ai hết ông hiểu cái vất vả của đời lính. Chính ông đã nhắc nhở mọi thành viên trong gia đình là ở nhà dù có khó khăn đến mấy vẫn phải động viên Tiền hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Tiếp xúc với gia đình trung úy Vũ Văn Tiền, điều khiến tôi cảm động nhất vẫn là tình cảm mẹ chồng nàng dâu giữa vợ Tiền và mẹ anh. Vợ của Tiền là chị Hoàng Thị út Phượng, một cô giáo người xứ Thanh. Hai anh chị làm quen nhau, lúc chị còn là "giáo viên cắm bản" mãi tận Lai Châu. Những lần về phép, anh không ngại xa xôi đã khoác ba lô lên tận nơi người yêu công tác. Cảm động trước tình yêu mãnh liệt của người lính đảo, chị đã nhận lời về làm dâu nhà anh.
Năm 2008, Tiền cắt phép về cưới vợ. Đứa con đầu lòng của anh chị sinh ra tại một bệnh xá vùng cao Lai Châu. Ngày chị Phượng vượt cạn, mẹ của Tiền thương con dâu, muốn bù đắp tình cảm cho Phượng khi chồng đang ngoài đảo xa, bà đã phải bắt xe đò lóc cóc từ Ninh Bình lên Lai Châu chăm con. Từ ngày vợ sinh cho đến khi hết thời hạn phục vụ ở đảo, về thăm nhà, con của Tiền đã tròn một tuổi. Điều may mắn với Tiền và gia đình là gần đây vợ anh đã chuyển công tác về Ninh Bình, hiện là giáo viên Trường THCS Sơn Lai.
Được làm việc gần nhà, vợ anh có điều kiện chăm sóc gia đình chồng khiến Tiền càng yên tâm công tác. Người vợ thảo hiền, tần tảo cùng với gia đình chính là niềm động viên lớn nhất khiến cho anh vượt qua được quãng thời gian đằng đẵng ngoài đảo xa. Trong lần liên lạc gần đây nhất với gia đình, Tiền vui mừng cho biết anh được đơn vị cho về nghỉ phép và sẽ ăn Tết cùng gia đình vào cuối năm nay.
Xin được chia sẻ niềm vui với gia đình người lính đảo và mong cái Tết sum họp, đoàn viên mà mọi thành viên trong gia đình đều đang mong đợi đến gần hơn.
Bài, ảnh: Phương Nam