Ông Trịnh Văn Luân, Chủ tịch UBND xã, Phó Ban chỉ đạo XDNTM xã cho biết: Trong những tháng đầu năm 2017, Ban chỉ đạo XDNTM xã đã thực hiện rà soát điều chỉnh, bổ sung Đề án XDNTM giai đoạn 2011 -2020; lập danh sách các tuyến đường đăng ký xây dựng năm 2017, trên cơ sở đó có kế hoạch phân bổ nguồn vốn cụ thể; hoàn thiện và bàn giao đưa vào sử dụng nhà hiệu bộ Trường Tiểu học xã Chính Tâm, kinh phí đầu tư là 127 triệu đồng; xã đã có 5/6 thôn có nhà văn hóa; 1 nhà văn hóa thôn đang tiến hành xây dựng, dự kiến cuối năm 2017 sẽ hoàn thành; trạm y tế xã đang hoàn thiện một số hạng mục để tái chuẩn y tế năm 2017; tổ chức thực hiện thu gom rác thải theo Đề án của huyện; giải quyết tốt đơn thư từ cơ sở, giữ gìn an ninh trật tự...
Sau hơn 6 năm triển khai thực hiện Chương trình XDNTM, Chính Tâm đã có 14/19 tiêu chí đạt chuẩn, còn 5 tiêu chí chưa đạt gồm: Giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, thu nhập và tỷ lệ hộ nghèo.
Đây là những tiêu chí khó, đòi hỏi phải có nguồn vốn lớn để thực hiện; trong khi đó nông nghiệp của xã chỉ sản xuất cây lúa là chính; rau màu chiếm diện tích rất nhỏ so với diện tích lúa; trên địa bàn chưa có sự liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân một cách bền vững; chăn nuôi còn mang tính tự phát với quy mô hộ gia đình, chưa có chăn nuôi tập trung và gắn kết với thị trường.
Thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, sản xuất nông nghiệp gặp rủi ro cao. Hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ nông nghiệp, nông thôn phát triển chưa đồng bộ. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước được đầu tư xây dựng, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu của phát triển.
Đồng chí Chủ tịch UBND xã cũng chia sẻ: Giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa là những tiêu chí cần nguồn vốn lớn. Mặc dù tỉnh và huyện đã có cơ chế cho phép các xã tìm quỹ đất đấu giá để có nguồn đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Nhưng, người tham gia đấu giá ít; giá trị đấu giá lại thấp, thậm chí còn không đủ để trang trải cho việc đấu giá đất.
Trong phát triển kinh tế thì chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp với việc gieo cấy lúa là chính nên giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích không cao; ngành nghề ít, dịch vụ chưa phát triển..nên đời sống của nhân dân trong xã còn nhiều khó khăn; đói thì không có, nhưng giàu thì rất ít.
Với tình hình như vậy, nên xã mong muốn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ đặc biệt của Trung ương, tỉnh, huyện; có cơ chế đặc thù cho xã; vận dụng, lồng ghép các cơ chế, chính sách... để xã có điều kiện và thời cơ đẩy nhanh tiến độ XDNTM và sớm về đích.
Ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về quy hoạch, kế hoạch, đề án của xã về xây dựng nông thôn mới để người dân hiểu rõ, tự giác tham gia và giám sát thực hiện.
Tổ chức thực hiện Đề án nông thôn mới cấp xã, các quy hoạch, kế hoạch và dự án đầu tư, huy động các nguồn lực để triển khai thực hiện và làm chủ đầu tư các công trình theo phân cấp trên địa bàn xã.
Chủ trì trong việc lấy ý kiến tham gia của người dân trong công tác quy hoạch cũng như thứ tự đầu tư các công trình. Tiếp nhận các nguồn vốn (bao gồm vốn ngân sách, vốn đóng góp, vốn tài trợ) đảm bảo sử dụng có hiệu quả.
Các thôn xóm phối hợp với chính quyền, đoàn thể tuyên truyền, động viên nhân dân trong thôn đẩy mạnh phát triển sản xuất, chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; xây dựng kế hoạch và động viên các nguồn lực xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế văn hóa xã hội trong thôn như các công trình lịch sử, văn hóa, đường làng, ngõ xóm, hệ thống cấp, thoát nước, vệ sinh môi trường.
Kêu gọi con em địa phương đi làm ăn xa, đại diện các dòng tộc giúp đỡ địa phương xây dựng nông thôn mới với nhiều hình thức. Chủ động giải quyết, hòa giải các mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng dân cư, trong các gia đình; không để khiếu kiện đông người vượt cấp.
Đinh Chúc