Dự hội nghị tại đầu cầu Ninh Bình có các đồng chí: Lê Văn Dung, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó ban chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của tỉnh; Phạm Hồng Quang, TVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQViệt Nam tỉnh, Phó ban chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của tỉnh.
Cùng dự có thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo đoàn ĐBQH tỉnh, lãnh đạo 1 số sở, ngành của tỉnh.
Theo báo cáo nhanh của Bộ Tư pháp - cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992, đến thời điểm này việc tổ chức lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được các bộ, ngành, địa phương triển khai nghiêm túc, công khai, dân chủ, bám sát nghị quyết, kết luận của Trung ương.
Các Bộ, ngành, các địa phương đã có nhiều hình thức lấy ý kiến đối với toàn bộ các chương của Dự thảo sửa đối Hiến pháp năm 1992. Bên cạnh đó, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình các Bộ, ngành, các địa phương còn tập trung lấy ý kiến sâu về những nội dung liên quan trực tiếp đến phạm vi, lĩnh vực hoạt động của Bộ, ngành, địa phương mình.
Đến nay các Bộ, ngành, địa phương đang tiến hành tiếp nhận và tổng hợp các ý kiến đóng góp vào dự thảo sửa đổi Hiên pháp năm 1992.
Cũng theo báo cáo, trong quá trình triển khai lấy ý kiến nhân dân, các bộ, ngành, địa phương còn gặp phải một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc, đó là: thời gian tổ chức tương đối gấp lại trùng với thời gian nghỉ Tết Nguyên đán; đối tượng lấy ý kiến tham gia rộng, khối lượng công việc thực hiện lớn trong khi nguồn lực có hạn.
Do vậy khó khăn trong việc bố trí nhân lực và huy động sự tham gia của các đối tượng lấy ý kiến. Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp trùng với thời điểm lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo luật đất đai (sửa đổi).
Nhiều bộ, ngành, địa phương phải tiến hành hướng dẫn, tập hợp lại các ý kiến đóng góp của người dân do không có hướng dẫn sớm. Cùng với đó, nhiều cơ quan, địa phương còn lúng túng về mặt kinh phí…
Các bộ, ngành, địa phương đã đề xuất, kiến nghị một số vấn đề liên quan đến việc điều chỉnh, kéo dài thời gian lấy ý kiến; hỗ trợ kinh phí cho việc tổ chức lấy ý kiến… nhằm tạo điều kiện cho các bộ, ngành, địa phương trong quá trình triển khai cũng như góp phần nâng cao chất lượng ý kiến tham gia vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp, đáp ứng yêu cầu của Trung ương. Các ý kiến này đã được giải đáp, tiếp thu tại hội nghị.
Đối với tỉnh Ninh Bình, Ban chỉ đạo tỉnh đã ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị, các đồng chí thành viên Ban chỉ đạo và tổ chức hội nghị triển khai ở các ngành, các cấp trong tỉnh.
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được đăng tải toàn văn trên Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh, các phương tiện thông tin đại chúng để cơ quan, tổ chức, cá nhân tìm hiểu và tham gia đóng góp ý kiến.
Báo Ninh Bình, Đài PT&TH tỉnh, Đài truyền thanh các huyện, thành phố, thị xã đã mở các chuyên trang, chuyên mục để phản ánh, đưa tin, đăng tải kịp thời các ý kiến đóng góp, những sáng kiến đề xuất của nhân dân về việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992.
Đến ngày 8/2, các huyện, thành phố, thị xã đã thành lập Ban chỉ đạo, tổ giúp việc và tổ chức triển khai theo Kế hoạch của Ban chỉ đạo tỉnh.
Đến 25/2, các sở, ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan ngành dọc Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành việc triển khai kế hoạch lấy ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
Đến ngày 1/3/2013, đã có 1 số cơ quan, đơn vị đã tổ chức hội nghị, hội thảo tham gia ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp và đang tiến hành xây dựng báo cáo tổng hợp các ý kiến đóng góp gửi về Ban chỉ đạo tỉnh.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ghi nhận những kết quả bước đầu của việc quán triệt, triển khai lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 tại các Bộ, ngành, địa phương; đồng thời đánh giá cao tinh thần làm việc nghiêm túc của Ban chỉ đạo các cấp.
Để công tác lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tiếp tục được thực hiện hiệu quả, chất lượng, bảo đảm về tiến độ, đồng chí đề nghị Ban chỉ đạo tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện lấy ý kiến nhân dân của các Bộ, ngành, địa phương bảo đảm nghiêm túc, công khai, dân chủ, bám sát Nghị quyết, Kết luận của Trung ương.
Do thời gian còn lại không nhiều nên các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tiếp tục quan tâm, chỉ đạo sát sao việc tổ chức lấy ý kiến tại toàn ngành, cơ quan, địa phương mình.
Tổ chức lấy ý kiến của Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy, Ban cán sự, Đảng ủy; tăng cường thực hiện các hình thức lấy ý kiến để huy động sự tham gia của các cán bộ, công chức, nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ lão thành, có chú ý đến đặc thù về trình độ dân trí của mỗi đối tượng; đẩy manh công tác truyền thông, tuyên truyền, phổ biến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992...
Tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị, đồng chí Lê Văn Dung, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu các thành viên ban chỉ đạo tỉnh tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra công tác tổ chức lấy ý kiến tại các huyện, thành phố, thị xã, các sở, ngành, đoàn thể.
Đề nghị tổ giúp việc phối hợp với các sở, ngành, địa phương nắm tiến độ hàng ngày đồng thời chủ động thống kê, xây dựng báo cáo tổng hợp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên địa bàn tỉnh báo cáo Thường trực HĐND tỉnh để báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chính phủ, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp theo quy định.
Đồng chí cũng đề nghị các cơ quan khối nội chính cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nắm tình hình trong quá trình lấy ý kiến nhân dân.
Duy Hiền-Thế Minh