Tham dự hội nghị có các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng và thủ trưởng các cơ quan ngang bộ; Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước.
Tại đầu cầu Ninh Bình, dự hội nghị có các đồng chí: Bùi Văn Nam, UV.TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Bùi Văn Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thành viên UBND tỉnh; Giám đốc các sở, ban, ngành của tỉnh; Văn phòng Tỉnh ủy; Văn phòng HĐND tỉnh...
Được ủy quyền của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh đã báo cáo tóm tắt về tình hình thực hiện Nghị quyết 01 /NQ-CP về một số giải pháp thực chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012 và Nghị quyết 13/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, thúc đẩy đầu tư phát triển.
Với sự chỉ đạo quyết liệt, tập trung của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự nỗ lực của các ngành các cấp, các doanh nghiệp và toàn dân nên việc thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP và Nghị quyết 13/NQ-CP đã đạt được những kết quả tích cực, đúng hướng, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thực hiện tốt các mục tiêu về an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân. Lạm phát đã cơ bản được khống chế, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã giảm liên tục kể từ đầu năm, trong đó 2 tháng (6 và 7 ) có trị số âm; chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 tăng 6,52% so với tháng 12/2011; ước cả năm 2012 CPI tăng khoảng 7,5% so với tháng 12/2011.
Chính sách tiền tệ và tài khóa đã được điều hành chặt chẽ, linh hoạt, góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; thị trường ngoại tệ và tỷ giá ngoại tệ cơ bản ổn định; công tác quản lý thu-chi ngân sách được tăng cường...
Xuất khẩu liên tục duy trì ở tốc độ tăng trưởng cao so với kế hoạch đề ra, góp phần vào việc cân đối xuất nhập khẩu; cơ cấu hàng xuất khẩu chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng sản phẩm đã qua chế biến, sản phảm có hàm lượng công nghệ cao.
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản phát triển ổn định và đạt kết quả tốt, góp phần ổn định giá cả thị trường và kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an ninh lương thực, cải thiện đời sống nhân dân.
Chính sách an sinh xã hội được đảm bảo tốt, công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt nhiều kết quả. Các lĩnh vực y tế, giáo dục-đào tạo, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao, du lịch được quan tâm chỉ đạo, đạt được một số kết quả tích cực. Hệ thống pháp luật tiếp tục được hoàn thiện. Công tác cải cách thủ tục hành chính đạt được những kết quả bước đầu. Công tác ngoại giao, tiềm lực quốc phòng, an ninh được tăng cường...
Báo cáo cũng nêu rõ những hạn chế và tồn tại: Một số chỉ tiêu quan trọng trong kế hoạch năm 2012 không đạt. Kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định vững chắc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt thấp so với kế hoạch và thấp hơn nhiều so với những năm trước. Xuất khẩu chủ yếu dựa vào khu vực FDI. Sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo phục hồi chậm. Số doanh nghiệp giảm quy mô hoạt động, ngừng hoạt động, giải thể còn cao. Thu ngân sách, đặc biệt là thu nội địa và hoạt động xuất khẩu tăng thấp so với cùng kỳ năm trước. Tín dụng tăng trưởng thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra. Lãi suất cho vay tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao. Nợ xấu ngân hàng chậm được xử lý. Thị trường chứng khoán và bất động sản giảm sút, trầm lắng. Giáo dục-đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao còn nhiều bất cập. Đời sống nhân dân, nhất là người nghèo, dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn. Tai nạn giao thông có giảm nhưng còn khá nghiêm trọng. Tình trạng ô nhiễm môi trường, tội phạm, tệ nạn xã hội vẫn còn nhiều bức xúc.
Tiếp đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh trình bày dự thảo Nghị quyết về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013.
Theo đó, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 đã được Quốc hội thông qua là: Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012. Thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tăng cường quốc phòng, an ninh và đảm bảo ổn định chính trị-xã hội, tạo nền tảng phát triển vững chắc hơn cho các năm sau.
Các chỉ tiêu chủ yếu: GDP tăng 5,5%; Kim ngạch xuất khẩu tăng 10%; Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 8%; Bội chi ngân sách nhà nước không quá 4,8% GDP; Tốc độ tăng giá tiêu dùng thấp hơn năm 2012; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 30% GDP; Tỷ lệ hộ nghèo giảm 2%, các huyện nghèo giảm 4%; Tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động; Tỷ lệ lao động qua đào tạo 49%; Tỷ lệ che phủ rừng đạt 40,7%...
Dự thảo cũng đưa ra 9 nhóm giải pháp chỉ đạo, điều hành đó là: Ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; Tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất kinh doanh; Thực hiện các đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; Đảm bảo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; Phát triển giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ; Tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai; Đẩy mạnh cải cách hành chính, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phòng chống tham nhũng, lãng phí, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; Đảm bảo quốc phòng, an ninh và ổn định chính trị; Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền.
Trong các nhóm giải pháp trên, Thủ tướng Chính phủ và các đại biểu đặc biệt quan tâm đến nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Đó là nhóm giải pháp trọng tâm cần chi tiết, cụ thể hơn và Chính phủ đã dự thảo Nghị quyết chuyên đề về vấn đề này, được Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải trình bày tại hội nghị. Trong đó có đề cập đến việc giải quyết hàng tồn kho, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển và vấn đề giải quyết nợ xấu.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo kiểm điểm công tác điều hành của Chính phủ trong năm 2012 các giải pháp và phương hướng chỉ đạo, điều hành trong năm kế hoạch 2013.
Hội nghị cũng đã dành nhiều thời gian cho các đại biểu thuộc các tỉnh, thành, bộ, ngành tham luận, đóng góp, bổ sung cho báo cáo của Chính phủ, công tác điều hành của Chính phủ, các dự thảo Nghị quyết của Chính phủ.
Ngày mai, 26/12, Chính phủ tiếp tục hội nghị trực tuyến.
Đinh Chúc