Đến thăm nước Nga hôm nay, một trong những địa chỉ mà du khách được giới thiệu tham quan là chiến hạm Rạng Đông (còn gọi là tuần dương hạm Rạng Đông) được neo đậu bên dòng sông Nê-va thuộc thành phố Xanh-pê-téc-bua xinh đẹp. Có thể nói, chiến hạm Rạng Đông chính là chứng nhân lịch sử, là biểu tượng đẹp gắn liền với sức mạnh và ý chí ngoan cường, quả cảm của những người Bôn-sê-vích Nga những năm đầu thế kỷ XX. Theo tài liệu ghi lại, vào 21h45 phút ngày 7/11/1917 (ngày 25/10/1917 theo lịch Nga cũ), chiến hạm Rạng Đông đã nã phát pháo đầu tiên vào Cung điện Mùa Đông, nơi chính quyền giai cấp tư sản chiếm giữ, bắt toàn bộ thành viên chính phủ tư sản lâm thời, mở đầu cho chiến thắng vang dội của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga. Ngay trong đêm 7/11, Đại hội các Xô viết toàn Nga lần thứ II khai mạc. Đại hội đã thông qua Lời kêu gọi "Gửi công nhân, binh lính và nông dân" do V.I. Lê-nin dự thảo. Sau thắng lợi của cuộc tấn công vào Cung điện Mùa Đông, phong trào đấu tranh của những người cộng sản Nga tiếp tục lan rộng trên phạm vi cả nước và giành thắng lợi hoàn toàn vào tháng 3/1918.
Đến nay đã 103 năm trôi qua, chiến hạm Rạng Đông ngày ấy vẫn được gìn giữ, phát huy như một viện bảo tàng cách mạng và là niềm tự hào của những người dân Nga. Được biết, chiến hạm Rạng Đông có chiều dài 127m, rộng gần 17m, được hạ thủy năm 1900. Tàu được trang bị động cơ hơi nước với công suất 11.610 mã lực, có 14 ụ pháo 152mm, 24 ụ pháo 75mm, 3 ống phóng ngư lôi, 4 hệ thống pháo phòng không. Có thể nói đây là con tàu hiện đại bậc nhất thời kỳ đó. Sau khi hạ thủy, tàu được điều động bảo vệ vùng Viễn Đông Nga (từ năm 1903-1905).
Trong cuộc chiến tranh Nga-Nhật, chiến hạm Rạng Đông được sử dụng như tấm lá chắn cho các tàu tốc độ chậm của hải quân Nga. Trong chiến tranh thế giới thứ nhất, chiến hạm Rạng Đông tham gia chiến đấu ở vùng biển Ban-tích. Đến cuối năm 1916, tàu di chuyển đến Xanh-pê-téc-bua để sửa chữa. Thời điểm ấy, tại thành phố này đang tràn ngập không khí cách mạng, một bộ phận thủy thủ tàu đã quyết định tham gia Cách mạng Tháng Hai Nga (1917) để lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế của Sa hoàng Ni-ko-lai II và vương triều Ro-ma-nov trị vì hơn 300 năm ở nước Nga. Sau đó, ủy ban cách mạng được thành lập trên tàu, hầu hết thủy thủ đoàn đã tham gia Đảng Bôn-sê-vich, chuẩn bị cho cuộc cách mạng của những người cộng sản. Khi Cách mạng Tháng Mười Nga giành thắng lợi, tàu hoạt động với vai trò huấn luyện của Hạm đội Ban-tích.
Năm 1927, tàu được tặng thưởng Huân chương Cờ đỏ. Khi chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, vào năm 1941, chiến hạm Rạng Đông và thủy thủ đoàn đã tích cực tham gia bảo vệ thành phố Lê-nin-grat (trước đó và hiện nay là thành phố Xanh-pê-téc-bua), do bị nhiều đạn pháo bắn trúng, tàu bị thủng, ngập nước và mắc cạn. Đến năm 1944, tàu được trục vớt, sửa chữa. Cũng từ đây, con tàu đã hoàn thành sứ mệnh tham gia chiến đấu. Từ tháng 11/1948, chiến hạm Rạng Đông được neo đậu ở bến đỗ "Vĩnh cửu" trên sông Nê-Va thơ mộng (cách Cung điện Mùa Đông vài trăm mét). Ngày 22/2/1968, chiến hạm được tặng thưởng Huân chương Cách mạng Tháng Mười. Ngày nay, con tàu được khai thác phục vụ tham quan du lịch và giáo dục lịch sử với hàng triệu lượt khách đến tham quan mỗi năm.
Bài, ảnh: Hà Trang