Ngôi nhà nhỏ của gia đình CCB Hoàng Mạnh Hùng ở tổ 13, phường Bắc Sơn (thành phố Tam Điệp) vào dịp này là nơi tụ họp của những người lính Trường Sơn năm xưa. Gặp nhau, họ bồi hồi xúc động nhớ lại những ngày tháng làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975. Với CCB Vũ Đức ánh, mỗi khi nhắc đến những ngày tháng lịch sử tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, đôi mắt ông lại rưng rưng. Xen lẫn niềm tự hào khi được góp phần làm nên chiến thắng 30/4 lịch sử, ông không khỏi bùi ngùi khi nhớ đến những đồng đội đã ngã xuống nơi chiến trường. Sinh ra và lớn lên ở xã Yên Phú (huyện Yên Mô), năm 1967, khi vừa tròn 19 tuổi, ông ánh lên đường nhập ngũ, biên chế vào Trung đoàn 11, Quân khu 3. Trải qua nhiều đơn vị, từng vào sinh ra tử ở nhiều chiến trường dưới làn mưa bom bão đạn, kỷ niệm về những trận chiến đấu gian khổ, ác liệt của ông và đồng đội không ít, nhưng kỷ niệm mà ông nhớ nhất là được tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Ông kể: Lúc đó, ông là Trung đội trưởng thông tin đơn vị của ông được tham gia, thực hiện nhiệm vụ mở hành lang trên hướng Tây Nam Sài Gòn. Ngày 27/4/1975, Sư đoàn 3 của ông ở phía Tây Nam mặt trận Sài Gòn tiến về thị xã Hậu Nghĩa (Long An). Trong đêm 27, ngày 28/4, tiếp tục bao vây không cho địch thoát ra, tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng giải phóng Đức Huệ. Đến sáng ngày 29/4, đơn vị nhận lệnh nổ súng đánh chiếm thị xã Hậu Nghĩa. ở đây địch có khoảng 2.000 quân, 17 xe tăng và 2 đại đội pháo 105, 155 ly. Đơn vị nổ súng phá hàng rào, trận đánh diễn ra rất ác liệt, một số anh em hy sinh và bị thương. Lúc này, được sự hỗ trợ của hỏa lực mạnh từ đại đội pháo cùng các lực lượng chi viện, đơn vị tiếp tục đánh mở hàng rào. Đến 9h sáng, xe tăng của ta từ Đức Huệ lên chi viện, cả tiểu đoàn phấn khởi; xe tăng đi giữa, 2 hàng bộ binh đi hai bên bắn liên tục, tiến vào thị xã Hậu Nghĩa. Đến 10h sáng, thị xã Hậu Nghĩa đã hoàn toàn giải phóng. ông ánh cho biết, đây là trận đánh có sự kết hợp giữa xe tăng với bộ binh đã mang lại chiến thắng giòn giã. Đơn vị hoàn thành nhiệm vụ chốt chặn và bảo vệ hành lang cho bộ đội ta từ phía Tây Nam tiến vào giải phóng Sài Gòn.
Nhớ lại những phút giây cùng các đồng đội của Tiểu đoàn 18, Sư đoàn 312 (Binh đoàn Quyết Thắng) thực hiện cuộc hành quân "thần tốc" từ Thanh Hóa vào Đồng Xoài trong 14 ngày đêm, kịp thời tham gia trận quyết chiến chiến lược-chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, CCB Hoàng Mạnh Hùng tự hào kể lại: Đúng ngày 12/4, toàn sư đoàn đã đến vị trí tập kết tại Đồng Xoài miền Đông Nam Bộ an toàn, chiến sỹ phấn khởi, đầy khí thế trong lúc quân địch ngày càng rệu rã. Ngày 26/4, Sư đoàn 312 nhận nhiệm vụ đánh chiếm căn cứ Phú Lợi, Lai Khê, Bến Cát là khu vực "tử thủ" của Sư đoàn 5 quân ngụy Sài Gòn. Sau hơn 3 ngày đêm chiến đấu liên tục, dũng cảm, Sư đoàn đã giải phóng Bình Dương, tiêu diệt và làm tan rã hoàn toàn Sư đoàn 5 ngụy Sài Gòn; phối hợp với các lực lượng vũ trang địa phương đập tan một mắt xích quan trọng trong tuyến "tử thủ" bắc Sài Gòn, bắt sống hơn 11 nghìn tù bình, mở đường cho lực lượng của Quân đoàn 1 tiến công vào Bộ Tổng tham mưu Ngụy và Dinh Độc lập. Trong đội điện ảnh của sư đoàn, làm công tác tuyên truyền, chiếu phim phục vụ chiến sỹ và đồng bào các vùng giải phóng, ông Hùng được chứng kiến giờ phút thiêng liêng non sông thu về một mối. Thời điểm trưa ngày 30/4, khi cờ Tổ quốc tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, ông Hùng cùng đồng đội đã òa khóc khi đất nước được hòa bình, thống nhất …
Trở về với cuộc sống hôm nay, những người lính năm xưa vẫn không ngừng cống hiến, tham gia công tác, sản xuất đóng góp vào sự phát triển của quê hương. Quá khứ hào hùng về từ một thời "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước của những CCB như ông Hùng, ông ánh… đã giúp thế hệ trẻ ngày nay thêm trân trọng giá trị của hòa bình, độc lập, khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc trong mỗi con người Việt Nam.
Thùy Phương