Tròn 22 năm làm báo, lại chỉ làm việc ở Báo Ninh Bình, thực sự là một thời gian khá dài trong sự nghiệp công tác của mỗi người và với cả tôi. Tôi cũng chưa từng có ý định chuyển công việc đi đâu, dù vài lần bạn bè và người thân có sự gợi ý, giới thiệu để chuyển sang một công việc khác, chắc chắn là nhàn hơn, phù hợp và thuận lợi hơn đối với phái nữ. Nhưng không hiểu sao, có lẽ là do tính cách, do suy nghĩ, hoặc ngại sự thay đổi, tôi cho rằng mình phù hợp với nghề này, nên tôi luôn tìm được lý do để từ chối.
Nhớ lại việc đến với nghề báo, với tôi không phải là sự lựa chọn ban đầu, nhưng lại mạnh mẽ và rất quyết liệt sau khi học xong đại học. Tốt nghiệp Khoa Văn, Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội, không như nhiều bạn bè khác chọn cho mình nghề giáo viên ổn định hoặc một nghề nhàn nhã hơn nghề báo. Tôi lại hướng đến nghề làm báo, có lẽ do trước khi tốt nghiệp, tôi được nhà trường giới thiệu đến thực tập cuối khóa tại 1 tòa soạn báo. Tại đây, hàng ngày chứng kiến các phóng viên tất bật đi săn tìm thông tin, về lại vội vã viết bài, sau đó chờ sản phẩm của mình được đăng báo, tôi thấy thú vị và yêu thích vô cùng.
Vậy nên, sau khi ra trường, mặc dù được lựa chọn và có ngay việc làm là 1 giáo viên Văn cấp THPT, thì tôi lại xin bố mẹ được đi làm báo, dù là báo tỉnh. Tôi nhớ mãi, người bố với tâm lý muốn con gái có một nghề nghiệp ổn định, không quá vất vả, đã không dưới 3 lần ngồi cả giờ đồng hồ phân tích, thuyết phục, khuyên bảo thiệt hơn, nên chọn nghề giáo viên, phù hợp với phụ nữ và dễ lấy chồng... Nhưng với tôi, nghề báo như là duyên nợ, là "nghiệp" để mình gắn bó, nên tôi không hề thay đổi suy nghĩ và lúc ấy đã "rắn mặt" nói rõ với bố rằng, tôi không thích nghề giáo viên, nên nếu có theo nghề ấy, chắc chắn sẽ không làm tốt được.
Đỉnh điểm là, khi bị nói quá nhiều, tôi tha thiết đề nghị: "Bố cứ xin công việc là làm nghề báo cho con, sướng khổ thế nào sau này con chịu. Đó là sự lựa chọn của con." Trước câu nói của tôi, bố phải nhượng bộ. Vậy nên, sau này, có những thời điểm gặp khó khăn, tai nạn giao thông do đi tác nghiệp hoặc sai sót, mắc lỗi trong quá trình hành nghề, tôi đều không dám chia sẻ hết với bố, bởi tôi ngại, tôi sợ ông lo nghĩ và cái chính là tôi không muốn ông cho rằng tôi đã sai lầm khi chọn nghề báo...
Trở lại với nghề, hơn 20 năm làm báo, dù là báo địa phương, nhưng những vất vả của nghề báo thì ở đâu cũng vậy. Trong đó, với phần lớn thời gian là làm nhiệm vụ phóng viên tác nghiệp, ở nhiều lĩnh vực tuyên truyền, từ kinh tế, đến văn hóa xã hội, rồi chính trị và số năm làm phóng viên mảng văn hóa - xã hội là nhiều nhất, với trên 10 năm.
Là phóng viên đã kinh qua nhiều lĩnh vực, tôi nhận thấy và khẳng định rõ, muốn làm tốt nghề báo, ngoài tình yêu nghề, say mê, trách nhiệm, thì sức khỏe có ý nghĩa, vai trò quan trọng không kém, để mỗi phóng viên thêm điều kiện có thể phát huy, thể hiện, sáng tạo tác phẩm và khẳng định tình yêu với nghề.
Cá nhân tôi, có những thời điểm, vào các đợt tuyên truyền cao điểm, thời gian làm việc chiếm 2/3 số thời gian ăn, ngủ và cả chăm sóc gia đình. Có những ngày, tôi chỉ ngủ từ 4-5h/đêm và kéo dài hàng tuần liền như vậy. Đơn cử như thời điểm dịch bệnh COVID-19 mới xuất hiện, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, chúng tôi - những người làm báo tất nhiên không thể giãn cách, nghỉ làm việc khi báo vẫn phải xuất bản như bình thường.
Để hoàn thành nhiệm vụ, trên cơ sở các văn bản của các cấp, các ngành, tôi xây dựng kế hoặc và phân công nhiệm vụ phù hợp cho các đồng chí phóng viên trong phòng, tuyên truyền vòng ngoài, về ý thức, trách nhiệm của người dân trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Còn bản thân, bám sát các hoạt động, tình hình thực hiện nhiệm vụ của cơ quan chuyên môn, thường trực phòng chống dịch bệnh là ngành Y tế.
Đã có những ngày, đang khai thác thông tin về các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài về khu cách ly tập trung, tôi lại theo chân các đồng chí lãnh đạo tỉnh đi kiểm tra dịch bệnh, rồi sau đó đảm nhiệm luôn tin họp báo của Sở Y tế do có ca bệnh mới....
Sở dĩ tôi phải quay cuồng như vậy cũng có lý do, thứ nhất, hầu hết các nhiệm vụ thời dịch bệnh là đột xuất, bất ngờ; thứ nữa là, khi nhận được thông tin, nếu dành quá nhiều thời gian cho việc xin ý kiến, cử người, phân công nhiệm vụ, thì rất dễ xảy ra tình trạng chậm, muộn... trong tác nghiệp.
Cùng với đó, vẫn còn anh em có tâm lý e ngại khi tác nghiệp tại vùng dịch, rồi không kịp sắp xếp công việc khi không được báo trước về thời gian...
Công việc nhiều, trong khi thời điểm dịch bệnh, cần nhất là thông tin nhanh nhạy, chính thống, chính xác. Có những ngày nghỉ, tôi làm việc trên máy tính từ 10-12h/24h, đến khi mắt mỏi, vằn đỏ, tay và lưng đau mỏi rã rời, ăn uống thất thường và cũng không thấy ngon miệng do chưa yên tâm vì công việc chưa xong... Thực sự, nếu không có sức khỏe, với lịch làm việc dày đặc trong thời gian nhiều ngày như vậy, chắc chắn sẽ ốm hoặc không thể kéo dài cường độ làm việc như vậy sau đó nữa...
Hơn 20 năm làm báo, tình yêu với nghề có thể vẫn vẹn nguyên, nhưng tuổi tác, sức khỏe và trách nhiệm, sự quan tâm, chăm sóc cho người thân không cho phép tôi coi nhẹ, lơ là. Việc xây dựng kế hoạch làm việc, bố trí công việc phù hợp, các hình thức tác nghiệp đối với mỗi phóng viên có vai trò quan trọng, để mỗi người hoàn thành tốt nhiệm vụ, duy trì tình yêu, trách nhiệm với nghề, nhưng cũng là đảm bảo cho sức khỏe của bản thân, trong đó có việc duy trì hạnh phúc gia đình, chăm lo cho những người thân yêu của mình.
Suy cho cùng, đối với mỗi người, được đào tạo chuyên môn và chọn đúng công việc mình yêu thích sẽ quyết định khoảng 70% sự thành công nghề nghiệp, còn 30% chính là cần có một sức khỏe tốt để duy trì niềm yêu thích ấy lâu dài và trọn vẹn.
Hạnh Chi