Cậu bé Đoàn Quốc Trung, sinh năm 2021 tại thôn Đoài, xã Yên Sơn, thành phố Tam Điệp là một trong số nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn mắc bệnh tim bẩm sinh được hỗ trợ kinh phí phẫu thuật tim từ ngân sách của tỉnh và sự chung tay, góp sức của cộng đồng.
Anh Đoàn Quốc Hội, bố bé Trung cho biết: Quốc Trung là con đầu lòng của vợ chồng tôi. Từ khi sinh ra, cháu đã ốm yếu hơn những đứa trẻ cùng trang lứa. Khi có chương trình khám bệnh miễn phí, vợ chồng tôi mới đưa con đi khám, bác sĩ kết luận cháu bị mắc bệnh tim bẩm sinh, có chỉ định phẫu thuật. Nhưng khi ấy cháu còn quá nhỏ, bác sĩ hẹn khi cháu được 6 tháng tuổi mới có thể làm phẫu thuật.
"Ca phẫu thuật cho con có tổng kinh phí trên 100 triệu đồng. Đây là khoản tiền quá lớn so với điều kiện kinh tế của một hộ cận nghèo như gia đình tôi. Rất may mắn là cháu đã được BHYT thanh toán trên 58 triệu đồng, nguồn ngân sách của tỉnh hỗ trợ 40 triệu đồng, còn lại là gia đình tự túc trên 1 triệu đồng. Ca phẫu thuật được các bác sĩ thực hiện thành công vào đầu năm 2022 đã cải thiện sức khỏe cho cháu rất nhiều. Hiện nay, cháu ăn ngủ tốt, chơi ngoan. Thỉnh thoảng, tôi đưa cháu đi khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ, rất phấn khởi khi các đợt tái khám đều khẳng định sức khỏe của con tiến triển tốt. Với gia đình tôi, đây là điều kỳ diệu nhất. Điều kỳ diệu đến từ sự quan tâm thiết thực của tỉnh, của những tấm lòng hảo tâm"- anh Hội xúc động nói.
Bé Đoàn Quốc Trung là 1 trong số 6 trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh được hỗ trợ kinh phí phẫu thuật kể từ đầu năm 2022 tới nay với tổng kinh phí hỗ trợ trên 200 triệu đồng, nâng tổng số trẻ em được hỗ trợ phẫu thuật trong giai đoạn từ năm 2013 đến nay lên gần 120 trẻ.
Cùng với đó, cũng với sự hỗ trợ kinh phí từ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh, ngân sách địa phương, Tổ chức SAP-VN, Công ty Bảo hiểm nhân thọ, Công ty cổ phần sữa Việt Nam Vinamilk… và nhiều doanh nghiệp, cá nhân khác tài trợ, từ năm 2013 đến nay, toàn tỉnh có trên 540 trẻ khuyết tật vận động; hàng trăm trẻ bị sứt môi, hở vòm họng; trao trên 630 suất học bổng và 10 suất học bổng tài trợ dài hạn; tặng 451 xe đạp; tặng trên 109 nghìn hộp sữa tươi, 30 xe lăn, 10 máy giặt… với tổng số tiền trên 8,5 tỷ đồng.
Bên cạnh việc hỗ trợ phẫu thuật tim, phẫu thuật vận động; tặng quà, học bổng, xe đạp… giúp các em khắc phục khó khăn, vững bước tới trường, các cấp, các ngành cũng quan tâm tới những trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, với các hình thức phù hợp như: đưa vào chăm sóc, nuôi dưỡng ở Trung tâm Bảo trợ và công tác xã hội tỉnh; vận động các tổ chức, cá nhân nhận đỡ đầu, chăm sóc, nuôi dưỡng tại gia đình, cộng đồng… Các ngành chức năng cũng kiên quyết xử lý nghiêm hành vi buôn bán, xâm hại trẻ em, tạo điều kiện cho trẻ em hoàn cảnh đặc biệt có cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản để sớm hòa nhập cộng đồng.
Bà Lê Thị Lựu, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội khẳng định: Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 20-CT/TW ngày 5/11/2012 của Bộ Chính trị về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới" đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp về công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Các nội dung về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em được quán triệt tới từng chi bộ, từng đảng viên theo chuyên đề độc lập và lồng ghép. Công tác tuyên truyền được thực hiện thường xuyên nhằm phổ biến chính sách của Nhà nước dành cho trẻ em đến các đơn vị, địa phương, gia đình, qua đó, thu được nhiều kết quả tích cực.
Hệ thống y tế ở cơ sở được mở rộng và nâng cấp. Hệ thống y tế học đường được quan tâm, tạo điều kiện cho trẻ được chăm sóc tốt hơn. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi, thể thấp còi; tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi đều giảm đáng kể. Quy mô trường lớp các cấp học được duy trì ổn định, đáp ứng nhu cầu học tập của trẻ. Chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được củng cố vững chắc và nâng cao; cơ sở vật chất, trang thiết bị ngày càng được tăng cường, đáp ứng yêu cầu dạy và học.
Các địa phương trong tỉnh đã chú trọng đầu tư các công trình công cộng, xây dựng các thiết chế văn hóa để phục vụ hoạt động cho các địa phương; đầu tư xây dựng các khu vui chơi, giải trí, đầu tư sách báo cho thư viện… đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của trẻ.
Hiện toàn tỉnh có 1 Trung tâm thanh, thiếu nhi do tỉnh quản lý, 3 nhà thiếu nhi cấp huyện, 142/143 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa với 1.599/1.679 thôn, xóm, phố có nhà văn hóa; 148 khu thể thao được sử dụng ở 140 xã, phường, thị trấn, tạo sân chơi an toàn, lành mạnh và bổ ích cho trẻ, nhất là vào dịp hè.
Hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em ngày càng được tăng cường về số lượng và hoàn chỉnh về chất lượng. Toàn tỉnh hiện có 7 cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em. Công tác phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ được quan tâm thực hiện bằng nhiều hoạt động cụ thể như: dạy bơi cho trẻ, tổ chức thi vẽ tranh với chủ đề phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ; hỗ trợ xây dựng biển cảnh báo nguy hiểm ở nơi đường giao thông không an toàn, nơi nước nguy hiểm; vận động các tổ chức, đơn vị, cá nhân ký cam kết thực hiện "ngôi nhà an toàn", trường học an toàn, cộng đồng an toàn…
Đào Hằng-Minh Quang