Theo lãnh đạo chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT huyện Kim Sơn, để triển khai có hiệu quả Nghị quyết 41, chi nhánh Ngân hàng đã thành lập Ban chỉ đạo và triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trên cơ sở Nghị định và các văn bản hướng dẫn. Ban chỉ đạo đã kịp thời triển khai đến toàn thể cán bộ, nhân viên trong cơ quan. Phân công cụ thể các đồng chí trong Ban chỉ đạo triển khai nội dung Nghị định 41 tới cấp ủy, chính quyền địa phương, các đoàn thể và các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong toàn huyện. Công tác tuyên truyền về cơ chế, chính sách, đối tượng, nguồn vốn, cơ chế bảo đảm tiền vay… được Chi nhánh đẩy mạnh bằng nhiều hình thức như: thông qua đài truyền thanh; cán bộ tín dụng xuống tận xã, cụm dân cư, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ vay trên địa bàn để tuyên truyền về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời xây dựng mô hình đầu tư cụ thể theo nhóm đối tượng, phục vụ cho chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Về tổ chức kiểm tra, rà soát các khoản cho vay, chi nhánh đã quán triệt cụ thể tới từng cán bộ về cơ chế, chính sách, đối tượng… cho vay theo Nghị định 41 của Thủ tướng Chính phủ, kiểm tra giám sát món vay theo đúng quy định. Kiên quyết loại bỏ những món vay không thuộc đối tượng cho vay theo Nghị định 41 thì chuyển sang cho vay thông thường đảm bảo đúng quy định của ngành. Chi nhánh đã phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát, lập hồ sơ kinh tế địa bàn, nắm bắt tiến độ cấp "sổ đỏ" của từng xã, nhằm tìm kiếm, phân loại khách hàng. Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng tín dụng, đảm bảo nợ xấu ở mức thấp nhất, Chi nhánh đã tăng cường công tác tự kiểm tra tín dụng, kịp thời chấn chỉnh những sai sót, cũng như nâng cao kiến thức thẩm định các dự án vay vốn.
Sau 3 năm triển khai Nghị định 41, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT Kim Sơn đã tập trung huy động tối đa nguồn vốn tại chỗ để tạo nguồn vốn cho vay. Cuối năm 2010, nguồn vốn huy động trên địa bàn huyện mới đạt 312 tỷ đồng thì đến nay đạt 458 tỷ đồng (trong đó tiền gửi dân cư chiếm 84%), tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 16%/năm. Nhờ thực hiện tốt công tác huy động vốn, Chi nhánh đã cho 13.525 lượt hộ được vay vốn với tổng doanh số cho vay đạt 1.520 tỷ đồng. Dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 395 tỷ đồng, chiếm trên 98% tổng dư nợ, trong đó có 42 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn có dư nợ 107 tỷ đồng, còn lại là các hộ dân trong toàn huyện.
Thông qua chương trình, đã tạo điều kiện cho các hộ, các doanh nghiệp vay vốn trên địa bàn nông thôn giảm bớt một phần áp lực về lãi suất trong sản xuất, kinh doanh hiện gặp nhiều khó khăn do điều kiện suy thoái kinh tế. Tạo điều kiện thông thoáng hơn trong cơ chế bảo đảm tiền vay đối với các hộ ở địa bàn nông thôn. Từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, xây dựng cơ sở hạ tầng, xóa đói, giảm nghèo và nâng cao đời sống của nhân dân. Chương trình này đã giúp nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực trồng và chế biến cói, chăn nuôi… có vốn tái đầu tư mở rộng sản xuất như Doanh nghiệp tư nhân Quỳnh Vân, Doanh nghiệp chiếu cói Quang Minh… Chương trình cũng giúp cho nhiều hộ nghèo có vốn vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Điển hình như hộ chị Đinh Thị Vui, xóm 12, xã Lai Thành là hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chồng mất sớm, một mình nuôi các con ăn học. Nhờ có vốn vay từ Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT huyện Kim Sơn, chị Vui đã mạnh dạn đầu tư mua máy dệt chiếu, chỉ sau 2 năm chị đã trả hết cả vốn lẫn lãi cho Ngân hàng và có vốn mua thêm 5 chiếc máy dệt chiếu nữa. Đến nay, gia đình chị đã trở thành một trong những hộ khá trong xã. Không những tạo việc làm và mức thu nhập cao, có tiền cho con tiếp tục theo học đại học, chị Vui còn giải quyết việc làm thường xuyên cho 13 lao động địa phương với mức lương từ 2-2,5 triệu đồng/người/tháng.
Bài, ảnh: Giáng Hương