Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Vũ Trần Kiên, Trưởng Chi nhánh cho biết: Huyện Yên Khánh là huyện gần biển, có nhiều sông ngòi nên hệ thống công trình thủy lợi ở Yên Khánh đa dạng, gồm nhiều công trình động lực, trọng lực và các cống qua đê để lợi dụng thủy triều. Hiện tại, Chi nhánh đang quản lý và khai thác 18 trạm bơm, trong đó 14 trạm tưới và tưới tiêu kết hợp với tổng số 58 máy, công suất mỗi máy từ 1.000 - 4.000 m3/h; 29 cống tuyến đê; 17 km kênh tưới Cánh Diều dẫn nước từ Nhà máy nhiệt điện Ninh Bình tưới cho các xã phía Bắc huyện Yên Khánh. Hiện trạng các công trình đầu mối xây dựng đã lâu, sửa chữa nhiều lần nên không đồng bộ, hiệu suất giảm. Hệ thống kênh dẫn, cửa cống lấy nước, bể hút các trạm bơm bị bồi lắng, tuy đã được đầu tư nạo vét nhưng chưa đầy đủ, do vậy nhiều nơi còn khó khăn trong việc dẫn và tạo nguồn nước.
Nếu diễn biến khí tượng thủy văn năm 2012 diễn ra theo chiều hướng đã dự báo, tình hình thiếu nước, khô hạn có khả năng diễn ra trên diện rộng và kéo dài trong mùa khô năm 2011-2012 ở nhiều khu vực trong cả nước, tình trạng xâm nhập mặn xảy ra sớm hơn, độ mặn cao và lấn sâu vào đất liền.
Vụ đông xuân năm nay, huyện Yên Khánh có thể gặp phải những khó khăn về nguồn nước, đặc biệt là những khu vực tưới tự chảy bằng thủy triều, bơm điện. Để đảm bảo công tác tưới tiêu cho vụ sản xuất đông xuân, Chi nhánh KTCTTL Yên Khánh đã xây dựng kế hoạch sửa chữa các công trình, nạo vét kênh mương, bể hút, kênh dẫn, kênh tưới trạm bơm, các cống tuyến đê. Phối hợp với các HTX nông nghiệp trên địa bàn đẩy mạnh công tác thủy lợi nội đồng, đắp bờ vùng giữ nước mặt ruộng, kiểm tra, sửa chữa máy móc thiết bị, chuẩn bị các phương tiện bơm dầu, gầu, guồng để chống hạn khi cần thiết; đã tiến hành sửa chữa máy móc, thiết bị, nạo vét các tuyến sông, kênh dẫn vào trạm bơm tưới như trạm Đồng Trâu, Vân Bòng…; kiên cố hóa một số kênh tưới như kênh Khánh Ninh. Đến thời điểm này, 100% máy móc, thiết bị đã đảm bảo sẵn sàng vận hành cho việc tưới và chống hạn vụ đông xuân. Để đảm bảo chất lượng nước đưa vào đồng ruộng, Công ty đã tổ chức lớp tập huấn đo độ mặn, kiểm tra chất lượng nước, chuẩn bị đầy đủ phương tiện, hóa chất, dụng cụ đo và kiểm tra chặt chẽ giờ mở cửa lấy nước.
Về phương án chống hạn, Chi nhánh phối hợp với Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Yên Khánh xây dựng phương án chống hạn chi tiết cho từng vùng, từng đơn vị. Đối với vùng thủy triều, nếu độ mặn thấp hơn hoặc bằng độ mặn cho phép thì 100% diện tích sẽ được tưới bằng thủy triều. Nếu độ mặn đo được lớn hơn độ mặn cho phép thì phải trực kiểm tra độ mặn liên tục đến khi độ mặn cho phép mới mở cửa lấy nước vào đồng. Trường hợp độ mặn quá cao, thời gian mặn quá dài, không lấy nước vào đồng được thì mở rộng diện tích tưới của các trạm bơm quốc doanh và huy động mọi phương tiện của địa phương như bơm điện, bơm dầu dã chiến, gầu, guồng của các HTX để bơm, tát hỗ trợ. Đối với vùng bơm điện, các trạm bơm tranh thủ lúc triều cường, kênh trục đang chứa nước để vận hành bơm nước. Đặc biệt, đối với vùng kênh Cánh Diều, trong thời gian tới nếu Nhà máy nhiệt điện Ninh Bình hoạt động ít thì sẽ tập trung bơm bổ sung vào các trạm bơm Khánh An, Vân Bòng, Khánh Vân, đảm bảo các HTX đủ nước tưới từ nguồn nước trạm bơm Cánh Diều.
Bài, ảnh: Hương Giang