Ở thôn Trung Chính, ai cũng khâm phục chị Lúa bởi đức tính cần cù,ham học hỏi,không quản ngại khó khăn từ một hộ khó khăn của thôn nay đã từng bước thoát khỏi cái nghèo, vươn lên trở thành hộ kinh tế khá giả. Mô hình kinh tế trang trại tổng hợp chăn nuôi lợn, lúa-cá của gia đình chị cho thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm.
Khi mới chăn nuôi, gia đình chị Lúa chỉ có vài con lợn thịt. Nhưng qua nhiều năm tích lũy vốn, kinh nghiệm, chị đã xây dựng thêm chuồng trại mở rộng quy mô, vừa chăn nuôi lợn nái lấy giống vừa chăn nuôi lợn thịt. Đến nay, gia đình chị đã có 23 con lợn sinh sản giống ngoại và 7 ô chuồng nuôi lợn thịt với quy mô 130-140 con. Mỗi năm gia đình chi cung cấp cho thị trường khoảng 300 con lợn giống và hàng trăm tấn lợn thịt. Để duy trì phát triển chăn nuôi hiệu quả thì phải áp dụng các tiến bộ khoa học kĩ thuật vào chăn nuôi, đặc biệt là phải chú ý đến khâu phòng trừ dịch bệnh. Hơn nữa, giá thức ăn trên thị trường ngày càng tăng cao nên để có thể chăn nuôi có hiệu quả, quay vòng vốn nhanh, có thu nhập ổn định hàng tháng, chị phải tính toán chăn nuôi sao cho hợp lý, các lứa lợn thịt nuôi gối nhau.
Nói về kinh nghiệm làm giàu, chị Lúa cho biết: muốn nuôi lợn thịt hiệu quả, đạt lợi nhuận cao trước hết không mua giống trôi nổi, cần phải lựa chọn con giống tốt, khỏe mạnh từ các hộ dân tự gây nuôi hoặc các trại lợn giống có uy tín. Khi nuôi với quy mô lớn cần thường xuyên kiểm tra, chăm sóc tốt đàn lợn. Đặc biệt phải tiêm phòng vắc xin định kỳ đầy đủ nhằm chủ động phòng ngừa các loại bệnh lợn hay mắc phải, nhất là phòng bệnh tai xanh và lở mồm long móng. Bên cạnh đó, phải thực hiện tốt công tác vệ sinh thú y, giữ cho nhiệt độ chuồng nuôi hợp lý theo điều kiện thời tiết. Tránh trường hợp để chuồng trại chăn nuôi ẩm thấp, lợn bị muỗi đốt, mưa ngập dễ phát sinh mầm bệnh.
Không chỉ đầu tư chăn nuôi lợn, từ năm 2014, gia đình chị Lúa đấu thầu thêm diện tích ruộng trũng của xã để phát triển mô hình lúa-cá với các loại cá trắm, chép. Với mô hình này, chị không phải đầu tư nhiều về giống, thức ăn. Tuy nhiên để mô hình thực sự phát huy hiệu quả, chị cũng mong muốn được tạo điều kiện thuê đất về lâu dài để có thể đầu tư, cải tạo ruộng. Bên cạnh đó, chị Lúa cũng rất mong được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn về vốn và kỹ thuật để mô hình kinh tế trang trại của chị đạt hiệu quả cao nhất.
Đánh giá về mô hình phát triển kinh tế của gia đình chị Lúa, chị Bùi Thị Hải, Phó chủ tịch Hội phụ nữ xã nói: nhờ tính chuyên cần, không ngại khó mà kinh tế gia đình của chị Vũ Thí Lúa nay đã khá giả. Chị được xem là một điển hình tiêu biểu cho tinh thần dám nghĩ, dám làm, ý chí vượt khó của phụ nữ nông thôn. Trong quá trình thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, chính quyền xã Xích Thổ đã khuyến khích người dân học hỏi, áp dụng các mô hình chăn nuôi tổng hợp, phát huy được lợi thế ở địa phương để nâng cao thu nhập góp phần đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Nguyễn Thơm