Để có được cơ ngơi như ngày hôm nay, chị Lan không quên những năm tháng vượt qua gian khó, chị kể: Tôi sinh ra trong gia đình nghèo, đông anh em ở thôn Tiền Phương 2, xã Văn Phương. Lớn lên, lập gia đình, cuộc sống có nhiều vất vả vì cả hai vợ chồng đều không có nghề nghiệp, ngoài làm ruộng, không biết làm thêm nghề phụ gì để nâng cao đời sống. Mặc dù đã cố gắng, chăm chỉ nấu rượu, nuôi lợn, nuôi gà… nhưng hiệu quả chăn nuôi không cao do dịch bệnh ở gia cầm thường xuyên xảy ra, lại bị tư thương ép giá...
Làm thế nào để thoát nghèo luôn là mối trăn trở của cả hai vợ chồng. Thế rồi, qua đọc báo, nghe đài, tôi được biết một số xã lân cận trên địa bàn huyện có nhiều hộ giàu lên từ phát triển mô hình kinh tế gia trại tổng hợp như: nuôi lợn, nuôi vịt, thả cá và đặc biệt là nuôi con đặc sản như nhím, lợn cắp nách… tôi tìm đến tận nơi để tham khảo và học hỏi kinh nghiệm. Ban đầu, vợ chồng tôi mạnh dạn đầu tư 12 triệu đồng mua 1 cặp nhím sinh sản và 3 triệu đồng mua 1 con lợn cắp nách sinh sản. Nguồn thức ăn của các con nuôi đặc sản này được gia đình tận dụng từ sản phẩm nông nghiệp như cám ngô, cám gạo, rau, củ quả các loại…
Từ 1 cặp nhím ban đầu, đến nay gia đình chị Lan đã có 10 cặp nhím và 7 con lợn cắp nách sinh sản. Riêng trong năm nay, gia đình chị đã bán được 3 cặp nhím và 50 kg lợn cắp nách, cho thu nhập trên 60 triệu đồng. Ngoài nuôi con đặc sản, hiện nay gia đình chị Lan còn nuôi thêm trên 30 con lợn thịt và 20 con gà đẻ trứng.
Theo chị Lan, nuôi con đặc sản như nhím, lợn cắp nách không mất thời gian mà cho thu nhập cao. Hàng ngày chị chỉ cần tranh thủ 30 phút đến 1 tiếng vào buổi sáng hoặc chiều tối để cho nhím, lợn ăn và vệ sinh truồng trại. Nhím từ khi sinh ra đến lúc trưởng thành qua 12 tháng, khi đạt trọng lượng 10-12kg/con chúng bắt đầu sinh sản. Hiện nay, giá một đôi nhím 2 tháng tuổi là 7-8 triệu đồng, giá thịt lợn cắp nách là 150-180ngàn đồng/kg, trung bình mỗi năm gia đình chị thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Sau 3 năm, mô hình nuôi con đặc sản nhím và lợn cắp nách của gia đình chị Lan đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, khẳng định đây là hướng đi đúng cần được nhân rộng. Không dừng lại ở thành công ban đầu, chị Lan dự định mở rộng quy mô nuôi nhím từ 10-15 cặp nhím sinh sản và tiếp tục đầu tư giống vốn, kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh để hạn chế thấp nhất những rủi ro trong chăn nuôi.
Mai Lan