Chị Nguyệt tâm sự: "Tôi sinh được 2 cô con gái nên đã có lúc tôi nảy ra ý định "liều" sinh thêm đứa con trai để nối dõi tông đường và cũng là để ông xã "mở mày, mở mặt" với bạn bè. Thế nhưng, qua các buổi sinh hoạt ở Chi hội phụ nữ xóm, hiểu được chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân số - KHHGĐ, đặc biệt là tôi nhận được sự động viên, phân tích thấu tình, đạt lý của chị Chi hội trưởng Hội phụ nữ xóm, tôi quyết tâm dừng lại ở hai con để có điều kiện phát triển kinh tế, nuôi dạy các con đến nơi, đến chốn"…Thấm thoắt cũng đã hơn 10 năm trôi qua kể từ khi chị bỏ ý định sinh cậu quý tử, giờ đây, gia đình chị đã có "của ăn, của để". Đặc biệt, hai cô con gái "rượu" không phụ lòng cha mẹ đã nỗ lực đạt thành tích cao trong học tập, trở thành niềm tự hào của gia đình. Chị Nguyệt cười vui: Gia đình tôi cũng chưa phải tiêu biểu đâu. ở xóm tôi, tư tưởng "trọng nam, khinh nữ" giờ đã bị xem là lạc hậu. Xóm tôi có cụ già sinh được 3 người con trai. Đến nay, 3 người con của cụ đều sinh con một bề, song cụ vẫn động viên các con sinh đẻ có kế hoạch để có điều kiện nuôi con ăn học.
Bà Phạm Thị Sót, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ xóm 3, đồng thời cũng là cộng tác viên dân số của xóm tâm sự: Tôi gắn bó với công tác dân số đã vài chục năm rồi. Trong quá trình đi tuyên truyền, vận động người dân thực hiện KHHGĐ, tôi đã phần nào thấu hiểu được những vất vả, khó khăn của các gia đình sinh nhiều con. Trong công tác Hội, chúng tôi xác định công tác dân số-KHHGĐ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi. Làm tốt công tác này sẽ là "lực đẩy" để các phong trào thi đua khác phát triển. Chi hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Pháp lệnh dân số cho các hội viên thông qua các buổi sinh hoạt định kỳ và lồng ghép vào các buổi họp thôn, xóm. Đặc biệt, những nội dung của Pháp lệnh dân số đã được "mềm hóa" thông qua các vở kịch, những tiết mục văn nghệ "cây nhà lá vườn" do chính các hội viên tự biên, tự diễn nên tạo được sức hấp dẫn, thu hút đông đảo chị em tham gia. Trong các buổi sinh hoạt, lao động tập thể, các hội viên chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển kinh tế, bí quyết xây dựng hạnh phúc gia đình. Bên cạnh đó, các hội viên còn đoàn kết, giúp đỡ nhau về giống, vốn để phát triển kinh tế gia đình. Trong chi hội hiện không còn hội viên nghèo. Cả xóm có 37 cháu đang theo học các cấp học thì có 35 cháu đạt danh hiệu học sinh tiên tiến.
Không chỉ chăm lo xây dựng hạnh phúc cho gia đình mình, các hội viên phụ nữ xóm 3 còn là những tuyên truyền viên về dân số-KHHGĐ tích cực nhất.
Không chỉ tập trung vào đối tượng là phụ nữ, Chi hội phụ nữ xóm 3 còn "kéo" cả các đấng "mày râu" vào cuộc. Bà Phạm Thị Sót cho biết thêm: Từ trước tới nay, nói tới việc thực hiện KHHGĐ không ít người nghĩ ngay rằng đó là việc của chị em. Vai trò của người đàn ông dường như mờ nhạt, thậm chí nhiều người nghĩ họ vô can. Song trên thực tế, với cương vị là trụ cột gia đình, nam giới có vai trò đặc biệt quan trọng. Do đó, công tác dân số-KHHGĐ chỉ thành công và thành công một cách bền vững khi những "trụ cột" thay đổi nhận thức và quan niệm cho rằng đây chỉ là việc của chị em. Với quan điểm đó, trong hoạt động, Chi hội hướng tới vận động các ông chồng tham gia các phong trào của hội, các buổi truyền thông lồng ghép chăm sóc sức khỏe sinh sản. Nhờ đó, đã nâng cao được vai trò, trách nhiệm và sự cảm thông chia sẻ của người chồng đối với vợ trong việc thực hiện KHHGĐ.
Với những nỗ lực của Chi hội cũng như hội viên, Chi hội phụ nữ xóm 3 đã được tặng nhiều bằng khen của UBND tỉnh, góp phần quan trọng vào thành tích chung của xã Gia Thịnh - 18 năm liền không có người sinh con thứ 3.
Nguyễn Hùng