Bà Nguyễn Thị Chiến, Phó Chi cục trưởng cho biết: Thời điểm số nợ đọng cao nhất của người nộp thuế trên địa bàn thị xã Tam Điệp là năm 2007, lên đến 20% trên tổng số dự toán thu. Để giải quyết tình trạng này, Chi cục thuế đề ra nhiều biện pháp thu nợ thuế như: Thực hiện rà soát, phân loại nợ theo đúng quy định tại Quy trình quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, đồng thời tích cực đôn đốc thu hồi nợ. Đến hết tháng 7-2011 số nợ thuế còn 5,9 tỷ đồng, chiếm 6% trên tổng dự toán thu năm 2011, là đơn vị có số nợ thấp nhất tỉnh, trong đó thuế giá trị gia tăng là 4,9 tỷ đồng, còn lại là thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường, chủ yếu là số nợ thuế thông thường của trên 20 doanh nghiệp.
Đứng trước thực trạng khó khăn trong công tác quản lý nợ thuế, Chi cục Thuế đã đề ra nhiều giải pháp thu hồi nợ trên cơ sở bám sát Luật Quản lý thuế. Bằng kinh nghiệm quản lý, cán bộ quản lý nợ thường xuyên khai thác, cập nhật thông tin của các doanh nghiệp có số nợ tiền thuế, tiền phạt để phân tích, phân loại nợ một cách chính xác. Tập trung rà soát, phân tích nguyên nhân tình trạng nợ đọng của từng đối tượng, từ đó lựa chọn biện pháp thu hồi nợ phù hợp; tuyên truyền và công khai những doanh nghiệp nợ thuế cố tình chây ỳ trên hệ thống truyền thanh 3 cấp ở địa phương; lập biên bản cam kết thanh toán nợ thuế với doanh nghiệp; tăng cường cán bộ ở các bộ phận khác tập trung cho công tác thu nợ, trên cơ sở đó có biện pháp xử lý thu nợ, đồng thời giao chỉ tiêu thu nợ đến từng cán bộ, gắn việc thực hiện kết quả thu nợ với xét thi đua- khen thưởng.
Đối với khoản nợ thông thường, hàng tháng cán bộ quản lý nợ lập danh sách các đối tượng nợ có số thuế nợ đọng kéo dài, đặc biệt là các đối tượng có số nợ phát sinh lớn. Lập kế hoạch mời đối tượng đến làm việc tại cơ quan Thuế hoặc làm việc trực tiếp tại doanh nghiệp để nắm tình hình sản xuất, kinh doanh và khả năng thanh toán nợ; yêu cầu đối tượng phải có cam kết kế hoạch thanh toán số nợ tiền thuế, tiền phạt cụ thể, đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm. Phối hợp chặt chẽ với Kho bạc, Ngân hàng và các tổ chức tín dụng trích tiền từ tài khoản tiền gửi của đối tượng bị cưỡng chế để thu hồi tiền thuế, tiền phạt qua hoàn thuế. Tiến hành áp dụng các biện pháp như đình chỉ sử dụng hóa đơn, thu tiền tài sản của đối tượng bị cưỡng chế do tổ chức, cá nhân khác đang giữ sau khi đã áp dụng các biện pháp trên không hiệu quả.
Đối với khoản nợ khó thu, nhất là những khoản nợ của các doanh nghiệp đã chuyển đổi hình thức sở hữu đến nay hoạt động kém hiệu quả, cán bộ quản lý nợ trực tiếp làm việc với từng doanh nghiệp. Thống nhất lại số nợ, vừa đôn đốc, vừa động viên doanh nghiệp thanh toán dần số nợ tiền thuế, tiền phạt. Hướng dẫn kịp thời trình tự, thủ tục, lập hồ sơ trình cấp trên xem xét xóa nợ cho các doanh nghiệp thuộc đối tượng theo quy định.
Đối với khoản nợ chờ xử lý, Chi cục xử lý kịp thời các khoản nợ ảo của các doanh nghiệp kê khai sai, hạch toán sai, các khoản nợ do chứng từ luân chuyển chậm, vì vậy đến nay trên sổ thuế các khoản nợ ảo hầu như không còn.
Mạnh Huy