Lập nghiệp bằng nghề thợ xây Sinh năm 1991, đến nay anh thợ trẻ Phạm Văn Linh đã trở thành giáo viên môn Xây dựng dân dụng của Trường Cao đẳng nghề Cơ điện, Xây dựng Việt Xô. Hàng ngày, trong xưởng thực hành, Linh vẫn miệt mài truyền dạy cho học sinh những kiến thức, kỹ năng nghề và đặc biệt là truyền cho các em cảm hứng, niềm đam mê trong chính cái nghề tưởng chừng như giản đơn này.
Tạm dừng tiết thực hành với học sinh để dành chút thời gian tâm sự cùng chúng tôi, Linh kể, anh sinh ra ở xã Yên Đồng, huyện Yên Mô. Tốt nghiệp THPT, khác với bè bạn cùng trang lứa, mặc dù có lực học khá song Linh không thi đại học mà chọn Trường Cao đẳng nghề Cơ điện, Xây dựng Việt Xô là nơi bắt đầu thực hiện ước mơ. Đặc biệt, Linh lại chọn ngay nghề thợ xây để theo học. "Quê tôi vốn đã rất nổi tiếng với nghề thợ xây. Bố tôi cũng làm nghề ấy. Bao nhiêu thế hệ biết cầm bay, cầm thước mà chẳng cần phải theo học trường, lớp nào, vậy mà ai cũng giỏi nghề cả. Bởi thế, khi biết tôi theo học nghề xây dựng thì ai cũng ngăn cản. Tuy nhiên, tôi lại nghĩ khác. Khi theo học nghề một cách chuyên nghiệp thì mình sẽ được trang bị kỹ năng làm việc, khả năng tính toán vật liệu hay đơn giản như cách đặt viên gạch sao cho đảm bảo độ chính xác thay vì chỉ dựa vào cảm tính, dựa vào sự "quen tay", kinh nghiệm như những người thợ khác vẫn làm. Vì vậy, bỏ qua những lời khuyên ngăn, tôi quyết tâm học nghề xây dựng dân dụng".
Lợi thế của Linh khi bước vào học tập ở trường đó là đã có kiến thức cơ bản về nghề thợ xây. Ngoài những bài giảng của thầy giáo, Linh tìm tòi tài liệu về nghề để nâng cao kiến thức. Ngoài giờ học lý thuyết, Linh miệt mài ở xưởng thực hành. "Nhiều lần xây một bức tường đơn giản nhưng xây đi rồi lại phải phá làm lại vì chưa ưng ý. Nhiều lúc cũng thật nản, cái nghề tưởng chừng như không học cũng làm được ấy sao cũng có lúc gây khó khăn cho mình. Rồi tôi lại cầm gạch lên xây tiếp"- Linh nói. Và những miệt mài ấy đã mang lại cho Linh thành công trong học tập. Linh luôn là học sinh xuất sắc của nhà trường. Đặc biệt, trong năm 2012, với thành tích xuất sắc trong kỳ thi tay nghề quốc gia, Linh được lựa chọn làm đại diện của Việt Nam tham gia Hội thi tay nghề ASEAN môn ốp lát tường và sàn, Linh đã giành Huy chương Vàng. Tiếp đó, Linh nhận được chứng chỉ nghề xuất sắc thế giới tại Cộng hòa liên bang Đức. Với thành tích xuất sắc trong học tập, Nguyễn Văn Linh được Trường Cao đẳng nghề Cơ điện, Xây dựng Việt Xô giữ lại làm giáo viên. Nhà trường tạo mọi điều kiện thuận lợi để Linh được học lên Đại học, hoàn thiện các yêu cầu để trở thành giáo viên cơ hữu của nhà trường.
Cử nhân về làng... nuôi cá
Chúng tôi tìm về mảnh đất Gia Phương của huyện Gia Viễn để gặp một người rất đặc biệt- một cử nhân giỏi làm nông nghiệp.
Anh Hoàng Thanh Liêm (giữa) giới thiệu mô hình nuôi cá ao nổi. Ảnh: Trường Giang
Năm 2013, Hoàng Thanh Liêm tốt nghiệp Đại học Tài chính - Kế toán, với tấm bằng ấy, Liêm có thể tìm kiếm được những việc làm khá an nhàn và có thu nhập ở Hà Nội hay ở tỉnh. Vậy nhưng anh lại muốn thử sức ở những công việc tự do hơn, mới mẻ hơn bởi vậy anh quyết định trở về quê tìm cách làm giàu. Hoàng Thanh Liêm tâm sự: Thời gian ấy, quê tôi nở rộ phong trào làm ao nuôi cá. Tôi thấy đây cũng là một cách để thực hiện ước mơ của mình". Nghĩ rồi mạnh dạn bắt tay vào làm, Thanh Liêm thầu hơn 3ha ruộng trũng của vài hộ dân trong xã để xây dựng mô hình nuôi cá trong ao nổi. Chưa có kiến thức, Liêm phải mày mò các loại sách, báo, tài liệu nói về cách nuôi này. Là cách nuôi mới, chưa có nhiều người trong tỉnh thực hiện nên Liêm cất công đi tỉnh ngoài, tìm đến những mô hình nuôi cá trong ao nổi lớn để học hỏi. Thấy Liêm lăn lộn với các công việc làm ao thả cá, quần áo lúc nào cũng lấm lem bùn đất, người thân trong gia đình đều xót xa, hàng xóm thì cho là…dở hơi. Nhưng những lúc như vậy, Liêm tự nhủ càng phải cố gắng hơn nữa để chứng minh rằng sự lựa chọn của mình là đúng.
Liêm chia sẻ, nuôi cá trong ao nước nổi có nhiều ưu điểm hơn so với nuôi cá trong ao truyền thống. Do không cần đào toàn bộ ao mà chỉ đào xung quanh lấy đất đắp tạo bờ nên chi phí giảm. Khi cá nhỏ, chỉ cần nuôi ở phần ao được đào. Đến thời kỳ cá lớn, bơm nước vào ao và giữ nước trong thời gian nuôi cá đến xuất bán từ 1- 2 tháng. Để đảm bảo cá sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh, hệ thống ao nuôi được anh Liêm bố trí đảm bảo quy trình khép kín, từ ao lắng, ao ương đến ao nuôi, ngoài ra anh còn đầu tư lắp đặt cống cấp thoát nước rồi giàn sục khí ôxy rất hiện đại.
Cá giống cũng được anh đặt mua từ Viện Thủy sản với số lượng lớn, chủ yếu là cá trắm ốc, trắm cỏ, còn các loại cá khác như cá mè, cá trắm, cá chép nuôi cùng với tác dụng lọc nước để không có rêu xanh trong ao. Ngoài chế độ cho ăn cám hợp lý, anh Liêm còn tận dụng diện tích đất quanh ao để trồng cỏ làm thức ăn tươi cho cá vừa giảm bớt chi phí thức ăn mà chất lượng thịt lại đảm bảo. Hiện tại, cá trong ao nổi của anh Liêm đã đạt trọng lượng bình quân hơn 4kg/con, dự kiến sẽ xuất ao vào dịp Tết Nguyên đán với sản lượng cá gần 15 tấn các loại, ước sẽ thu về từ 600-700 triệu đồng.
Nguyễn Hùng