Chị Bùi Thị Tám cho biết: Xuất phát từ tình hình thực tế của địa phương, hàng năm, sau mỗi mùa thu hoạch lúa, một lượng lớn rơm rạ bị đốt gây ô nhiễm môi trường, trong khi đây là nguồn nguyên liệu chính, dễ kiếm và chi phí rẻ để trồng nấm hiệu quả. Theo đó, từ năm 2007, gia đình chị tích cực tìm hiểu và học làm nấm từ một số hộ gia đình trên địa bàn xã. Lúc đầu, chị Tám chỉ trồng 2 loại nấm rơm và nấm mỡ với quy trình kỹ thuật đơn giản, dễ thực hiện.
Từ hiệu quả mang lại cao gấp 2 - 3 lần so với trồng lúa, năm 2010, gia đình chị quyết định vay thêm vốn để mở rộng quy mô trồng nấm lên 1.000m2 trên diện tích đất vườn của gia đình; đồng thời học hỏi thêm kinh nghiệm trồng nấm linh chi và nhiều loại nấm khác có giá trị kinh tế cao, thị trường rộng mở. Hiện nay, mỗi năm gia đình chị thu được trên 30 tấn nấm các loại, doanh thu hàng tỷ đồng.
Cùng với đầu tư trồng nấm, để tận dụng triệt để các sản phẩm phụ sau khi trồng nấm có thể làm phân bón an toàn cho cây trồng, chị Tám bàn với gia đình chuyển đổi 7.000m2 đất trồng lúa của gia đình sang trồng một số cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn.
Sau khi được UBND xã đồng ý, gia đình chị đã chuyển sang trồng ớt xuất khẩu, bí xanh, bí ngô Nhật và một số loại rau xanh. Được Hội phụ nữ tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, tham quan một số mô hình phát triển kinh tế đa canh, đa cây ở nhiều địa phương khác, chị Tám nhanh chóng học hỏi, áp dụng tại gia đình nên việc trồng các loại cây mới, rau màu gặp nhiều thuận lợi.
Phát triển kinh tế bằng trồng rau quả và nấm ổn định, ngày càng khấm khá, chị Tám tiếp tục nghĩ đến việc mở rộng thêm mô hình phát triển kinh tế. Theo đó, năm 2015, gia đình chị Tám đấu thầu thêm 3,7 mẫu đất cấy lúa của xã Khánh Cường để cải tạo và đưa cây dưa Kim Hoàng Hậu vào trồng thử nghiệm. Qua tham khảo chị Tám nhận thấy, đây là loại cây dễ trồng, cho thu nhập khá cao. Để nâng cao giá trị thu được, chị Tám chia nhỏ các lứa trồng để gối vụ, đồng thời trồng thêm các cây trồng khác như cà chua, dưa chuột, bí xanh, mướp đắng, bí đỏ... Trong 1 năm, diện tích này thu hàng chục tấn dưa kim Hoàng Hậu và hàng tấn rau củ các loại, cho thu nhập 700-800 triệu đồng.
Chị Tám cho biết: Với kinh nghiệm hàng chục năm trồng các loại cây trồng như nấm, rau, dưa…, việc tận dụng rơm, rạ, phụ phẩm nông nghiệp vào trồng cây là cần thiết, cho hiệu quả kinh tế và an toàn cho cây trồng. Ví dụ như, rơm, rạ sau khi trồng nấm đã oai mục có thể dùng để sản xuất cây rau màu, tái tạo chất mùn từ hữu cơ, làm cho đất tơi xốp, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng.
"Qua các giai đoạn phát triển kinh tế với việc đưa vào trồng các loại cây trồng khác nhau, trong đó có nhiều cây trồng mới, tôi nhận thấy, cần chú trọng lựa chọn những giống tốt và rõ nguồn gốc. Đồng thời tất cả quy trình chăm sóc từ khi cải tạo đất, xuống giống, bón phân... đến khi thu hoạch đều phải được thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật, sự hướng dẫn của các cán bộ kỹ thuật, như thế mới đạt năng suất, chất lượng cao và không bị mất mùa, thua lỗ." - Chị Tám chia sẻ thêm.
Hiện hầu hết các sản phẩm nông sản của gia đình chị Tám, từ các loại nấm đến rau củ quả, dưa các loại theo mùa đều được các thương lái trong và ngoài tỉnh đến thu mua tận vườn. Với các loại cây trồng được quay vòng theo mùa vụ, chú trọng đưa vào các cây trồng mới, trái mùa, rau củ đặc sản nhằm cho giá trị kinh tế cao hơn, mỗi năm, doanh thu từ các loại cây trồng đạt trên 1 tỷ đồng, trừ các loại chi phí sản xuất, gia đình chị Tám thu lãi hơn 400 triệu đồng, tạo được nguồn thu ổn định, bền vững trong phát triển kinh tế gia đình.
Không chỉ làm giàu cho mình, trở thành tấm gương phát triển kinh tế tiêu biểu của thôn, của xã, chị Bùi Thị Tám còn tích cực trao đổi kinh nghiệm sản xuất cho những chị em phụ nữ trong chi hội có nhu cầu, chung sức cùng địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Trong quá trình phát triển mô hình kinh tế đa canh, gia đình chị Tám đã tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương với mức thu nhập từ 3 triệu đồng/người/tháng trở lên.
Hạnh Chi