Bản báo cáo kêu gọi cần sớm có những biện pháp để tránh chứng béo phì. Theo đó, thực phẩm phải có nhãn minh bạch, các trường học, nhà trẻ cần có nguồn cung cấp thực phẩm chất lượng tốt hơn và một điều khá quan trọng là cần ra lệnh cấm quảng cáo các thực phẩm không tốt cho sức khỏe của trẻ em.
Báo cáo cũng gợi ý một phương pháp đồng bộ, có nhiều cấp độ trong việc chống béo phì- một chứng bệnh về thể chất có thể dẫn đến nhiều căn bệnh khác.
Theo báo cáo của Nghị viện châu Âu, béo phì hiện đang chiếm trực tiếp 6% chi phí chăm sóc sức khỏe; tuy nhiên, trên thực tế, số chi phí không trực tiếp còn lớn hơn rất nhiều.
Thông cáo báo chí của Nghị viện nêu rõ: Béo phì là vấn nạn nghiêm trọng nhất trong các vấn nạn về sức khỏe mà châu Âu đang phải đối mặt. Béo phì làm tăng đáng kể nguy cơ mắc các căn bệnh mạn tính chẳng hạn như các bệnh tim mạch, bệnh tiểu đường túyp 2 và một số căn bệnh ung thư.
Có một sự liên quan chặt chẽ giữa hiện tượng béo phì thời thơ ấu với béo phì khi trưởng thành. Chính vì vậy, cơ quan chức năng và các đơn vị có liên quan cần làm hết sức mình để chống lại căn bệnh béo phì.
Thông cáo báo chí của Ủy ban cũng nhấn mạnh: chương trình học của nhà trường phải được xây dựng sao cho các hoạt động thể chất cũng như chế độ ăn uống cân bằng trở thành thói quen của trẻ.
Ủy ban Môi trường, Sức khỏe cộng đồng và An toàn thực phẩm cũng lên tiếng kêu gọi thực thi một số tiêu chuẩn khác để tránh béo phì, trong đó có một lệnh cấm trên phạm vi rộng các a-xít béo chuyển hóa nhân tạo. Theo một số nghiên cứu, sự tiêu thụ rộng rãi các a-xít béo này có liên quan rõ rệt đến nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
Theo NDĐT