Phát biểu với báo giới tại Singapore (Xin-ga-po), sau khi ký kết một thỏa thuận thương mại kỹ thuật số giữa EU và nước này, người đứng đầu về thương mại của EU cho rằng đàm phán với Mỹ là ưu tiên nhưng không phải "bằng mọi giá".
Theo ông Sefcovic, EU đang đẩy nhanh đàm phán song phương với Indonesia (In-đô-nê-xi-a), Philippines (Phi-líp-pin), Thái Lan và Malaysia (Ma-lai-xi-a), ngoài ra khối này cũng đang tăng cường hợp tác với Ấn Độ khi vừa kết thúc một vòng đàm phán mới vào tuần trước.
EU là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Malaysia, với kim ngạch thương mại hàng hóa đạt 45 tỷ euro (khoảng 50 tỷ USD) vào năm 2023 và thương mại dịch vụ đạt 11 tỷ euro vào năm 2022. Thống kê cho thấy trong số các nước thành viên EU, Đức hiện là đối tác thương mại lớn của Malaysia kể từ năm 2000 trong khi Malaysia là đối tác thương mại lớn nhất của Đức trong số các nước châu Á. Năm 2023, kim ngạch thương mại giữa hai nước đã tăng 5,9% lên 13,56 tỷ USD, cao hơn so mức 12,79 tỷ USD trong năm 2022. Hiện có hơn 700 doanh nghiệp Đức đặt trụ sở ở Malaysia, tạo ra khoảng 65.000 việc làm.
Theo EU, mối quan hệ thương mại sâu rộng hơn với Malaysia sẽ thúc đẩy tính cạnh tranh và an ninh kinh tế của EU với các cơ hội kinh doanh mới và chuỗi cung ứng mạnh mẽ hơn, mở ra khả năng xuất khẩu mới và cải thiện khả năng tiếp cận nguồn nguyên liệu. Hiệp định thương mại tự do giữa hai bên sẽ hướng tới việc xây dựng mối quan hệ đối tác EU-Malaysia dựa trên cam kết mạnh mẽ về quyền lao động, bảo vệ khí hậu và môi trường, đồng thời thúc đẩy sự tham gia chiến lược của EU vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang phát triển nhanh chóng.
Ông Sefcovic cho biết thêm EU cũng đang xem xét "khả năng tăng cường hợp tác" với các thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Theo quan chức này, mục tiêu của EU là rất rõ ràng với việc tiếp tục ký các thỏa thuận và duy trì vai trò là đối tác đáng tin cậy trong một bối cảnh toàn cầu liên tục biến động.