Nếu tiếp tục vi phạm thì xử lý thu hồi dự án theo quy địnhĐồng chí Đinh Chung Phụng, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh mở đầu phiên chất vấn với việc trả lời về nội dung 36 dự án ngoài khu công nghiệp triển khai chậm, không đúng quy mô hoặc không triển khai; 20 dự án triển khai chậm tiến độ nhưng không có giấy phép xây dựng. Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết, đến nay có 16 dự án cơ bản hoàn thành đưa vào hoạt động sản xuất, kinh doanh; có 11 dự án chậm tiến độ nhưng các nhà đầu tư cam kết sẽ tiếp tục triển khai thực hiện. Nguyên nhân do khó khăn về vốn, một số dự án do công tác giải phóng mặt bằng gặp khó khăn, ảnh hưởng của quy hoạch. UBND tỉnh đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các ngành liên quan hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc từng nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh dự án, bổ sung về tiến độ và các nội dung khác của dự án để tiến hành cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh và tiếp tục thực hiện dự án. Nếu hết năm 2015, các nhà đầu tư không thực hiện hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để cấp phép đầu tư theo quy định thì Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ báo cáo UBND tỉnh thu hồi hoặc bãi bỏ chủ trương đầu tư của dự án theo quy định. Có 5 dự án chưa được UBND tỉnh cấp đất tại Khu dịch vụ du lịch thị trấn Thiên Tôn, nguyên nhân thời điểm năm 2013 các dự án trên chưa có quy hoạch sử dụng đất. UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng bổ sung quy hoạch sử dụng đất cho các dự án này, đến nay có 2 dự án được giao đất, các dự án khác đang tiếp tục được hướng dẫn, hoàn thiện hồ sơ. Có 3 dự án đã thu hồi và đề nghị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư. Đối với 20 dự án chậm tiến độ nhưng không có giấy phép xây dựng, đến nay đã có 1 dự án được cấp phép. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổ chức kiểm tra, đôn đốc đối với các dự án này. Đồng thời chỉ đạo UBND các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được phân cấp tổ chức kiểm tra giấy phép xây dựng đối với các dự án mới triển khai xây dựng trên địa bàn, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định. Đối với Dự án xây dựng Nhà máy xi măng Phú Sơn đã được UBND tỉnh chấp thuận cho khởi công xây dựng từ năm 2007 trên địa bàn xã Phú Sơn, huyện Nho Quan, song hiện nay đang dừng triển khai, gây lãng phí đất đai của nhân dân trong vùng. Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết, ngày 15-9-2015, chủ đầu tư đã làm việc với Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, báo cáo giải trình một số nội dung như: nguyên nhân dự án chậm tiến độ dẫn đến phải gia hạn tiến độ do khó khăn về mặt tài chính; đề xuất kế hoạch thi công phần còn lại của dự án và mốc thời gian hoàn thành; hoàn tất nghĩa vụ thuế VAT hàng hóa nhập khẩu; thủ tục cần thiết trong hoạt động xin cấp phép khai thác mỏ nguyên liệu. Hiện tại chủ đầu tư đang xin gia hạn để tiếp tục triển khai dự án. UBND tỉnh đã yêu cầu chủ đầu tư phải sớm có mặt tại địa phương để thảo luận, thống nhất nội dung tháo gỡ khó khăn cho dự án và chỉ cấp phép điều chỉnh cho dự án khi chủ đầu tư có kế hoạch cụ thể, chi tiết về triển khai dự án và cam kết thực hiện đúng kế hoạch, nếu tiếp tục vi phạm thì xử lý thu hồi dự án theo quy định.
Cam kết đảm bảo tỷ lệ nợ thuế dưới 5% trên tổng thu ở các kỳ họp cuối năm, vấn đề về thuế, về thu ngân sách luôn được các cử tri quan tâm. Tại kỳ họp này, ý kiến chất vấn nêu rõ, trong thời gian qua, tình trạng kê khai thuế không đúng, nợ đọng thuế kéo dài của một số tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã gây ra tình trạng mất công bằng giữa các đối tượng nộp thuế cũng như làm thất thoát nguồn thu của ngân sách Nhà nước. Đề nghị Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết nguyên nhân, trách nhiệm cũng như giải pháp khắc phục tình trạng trên?Ông Đỗ Văn Hoan, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết: Tính đến 30-10-2015, tổng số nợ thuế là 360 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng thu là 233 tỷ đồng, nợ khó thu là 127 tỷ đồng. Nguyên nhân là do hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục khó khăn, một bộ phận doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh thua lỗ, phá sản, vay nợ ngân hàng lớn, dẫn đến không chấp hành nghiêm nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, cũng có trường hợp chây ỳ nợ thuế cố tình chiếm dụng tiền thuế của Nhà nước. Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cũng đánh giá, tình trạng kê khai thuế không đúng trước hết là do ý thức, trách nhiệm chấp hành pháp luật thuế của người nộp thuế chưa tốt; hệ thống pháp luật của nước ta còn chưa đồng bộ... Mặt khác, còn có cơ quan thuế, cán bộ thuế chưa thực hiện hết chức trách, nhiệm vụ.Để khắc phục tình trạng kê khai không đúng, nợ thuế, gian lận thuế và hạn chế phát sinh số nợ mới, ngành Thuế đã tập trung triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó kiểm soát chặt chẽ hồ sơ khai thuế của người nộp thuế, tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có rủi ro về thuế, để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật về thuế. Tăng cường kỷ cương, trách nhiệm của cán bộ thuế; xử lý nghiêm minh, đúng quy định các trường hợp cán bộ thuế vi phạm…Trong phần trả lời chất vấn của mình, ông Đỗ Văn Hoan cũng đưa ra những giải pháp khắc phục tình trạng nợ thuế như: Xây dựng kế hoạch thu tiền nợ thuế theo từng tháng, từng quý và đề ra các giải pháp cụ thể triển khai thực hiện hiệu quả; Giao chỉ tiêu thu nợ cho từng đơn vị để tổ chức triển khai thực hiện, chi tiết đối với từng người nợ thuế, từng cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ quản lý nợ thuế; phối hợp cưỡng chế nợ thuế theo đúng quy định của Luật quản lý thuế; công khai thông tin đối với những doanh nghiệp nợ thuế trên Đài, Báo, trang thông tin điện tử. Đặc biệt, ông Đỗ Văn Hoan cam kết đến ngày 31-12-2015 sẽ thu hồi cơ bản hết số nợ có khả năng thu, đảm bảo tỷ lệ nợ thuế dưới 5% trên tổng thu.
Một bộ phận cán bộ quản lý nhận thức chưa đầy đủ về các khoản thu trong trường họcPhiên chất vấn tiếp tục được quan tâm với phần trả lời của lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo về một số trường học trên địa bàn tỉnh có tình trạng thu một số khoản của người học hoặc gia đình người học chưa đúng quy định ở đầu năm học 2015 - 2016. Ông Vũ Văn Kiểm, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo phân tích rõ các nguyên nhân thực hiện chưa đúng các khoản thu trong trường học, trong đó do nguồn kinh phí ngân sách nhà nước cấp cho các trường học ở mức rất thấp, tỷ lệ chi công việc năm 2014 đối với các trường học mầm non, tiểu học, THCS khối huyện quản lý bình quân chỉ đạt 4,78%, trong khi quy định của Chính phủ tại Quyết định số 59/2010/QĐ-TTg mức chi khác tối thiểu phải đạt 20%; quy định của HĐND tỉnh tại Nghị quyết số 22/2010/NQ-HĐND mức chi khác tối thiểu phải đạt 11%. Với mức kinh phí chi khác được cấp hiện nay, các cơ sở giáo dục rất khó khăn, kinh phí không đủ để đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ. Mặt khác, cấp tiểu học không được thu học phí theo quy định của Nhà nước nên càng khó khăn về kinh phí hoạt động. Trong khi đó, việc huy động xã hội hóa từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tài trợ, ủng hộ cho trường học là rất hạn chế, chủ yếu huy động từ đối tượng phụ huynh học sinh.Ngoài các nguyên nhân khách quan, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cũng thẳng thắn thừa nhận thực tế có một bộ phận cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục nhận thức còn chưa đầy đủ theo đúng các văn bản hướng dẫn về các khoản thu trong trường học, đặc biệt là hoạt động xã hội hóa giáo dục. Để giải quyết tình trạng này, ngoài những giải pháp đã triển khai trong thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo cam kết sẽ tăng cường tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý tài chính trường học, đặc biệt là công tác xã hội hóa cho đội ngũ cán bộ quản lý tại các trường học. Tăng cường phối hợp giữa Sở Giáo dục - Đào tạo và các huyện, thành phố trong tỉnh để chỉ đạo, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, giám sát các trường học về tình hình triển khai thực hiện các khoản thu trong trường học theo định kỳ hoặc đột xuất, xử lý nghiêm tập thể, cá nhân có vi phạm. Sở cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện quan tâm, bố trí đủ kinh phí chi khác cho các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS thuộc phạm vi quản lý đảm bảo tỷ lệ chi khác tối thiểu là 11% theo đúng quy định tại Nghị quyết số 22/2010/NQ-HĐND; đề nghị với Bộ Tài chính cân đối ngân sách cho địa phương đảm bảo tỷ lệ chi khác cho các cơ sở giáo dục tối thiểu là 20% theo quy định tại Quyết định số 59/2010/QĐ-TTg.Phiên chất vấn cũng diễn ra sôi nổi với phần trả lời về các vấn đề khác như chỉ tiêu biên chế cho ngành Y tế. Theo đó, trong 2 năm (2012-2013), UBND tỉnh đã giao ngành Y tế 145 chỉ tiêu biên chế viên chức làm công tác Dân số-KHHGĐ ở cấp xã. Tuy nhiên, sau 4 năm, đến nay Sở Nội vụ vẫn chưa thực hiện tuyển dụng (nội dung này đã được đại biểu HĐND tỉnh chất vấn tại kỳ họp thứ 6 và kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XIII). Về việc thực hiện Đề án mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2013-2020, tầm nhìn đến năm 2030 còn chậm, một số nội dung chưa được triển khai, thực hiện còn khó khăn. Các giải pháp chỉ đạo thu nợ tiền thuế đất và giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện nghĩa vụ nộp tiền thuế đất của các đơn vị...Theo đánh giá của Chủ tọa kỳ họp, phần chất vấn, lãnh đạo UBND tỉnh, thủ trưởng các sở, ngành đã đối thoại thẳng thắn, nghiêm túc và trách nhiệm. Tuy nhiên, một số nội dung mà cử tri bức xúc, đại biểu HĐND tỉnh đã chất vấn, tái chất vấn nhiều lần qua các kỳ họp HĐND tỉnh vẫn chưa đạt được kết quả rõ nét, hiệu quả còn hạn chế. HĐND tỉnh yêu cầu UBND tỉnh, thủ trưởng các sở, ngành rà soát toàn bộ các cam kết khi trả lời chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến nay; trên cơ sở đó có những giải pháp tích cực, quyết liệt hơn đảm bảo hoạt động chất vấn thực sự có hiệu lực, hiệu quả.
Hạnh Chi-Đào Duy