Với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, ngành nông nghiệp xác định là hướng đi quan trọng, có tính đột phá nhằm thực hiện đề án tái cơ cấu ngành. Do vậy, nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản đã được các địa phương, đơn vị triển khai, thực hiện. Trong đó việc chuyển đổi ruộng trũng, cấy lúa kém hiệu quả sang sản xuất lúa-cá là một hướng đi phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế ở các huyện Nho Quan, Gia Viễn, Yên Mô.
Đồng chí Phạm Trọng Nguyên, Trưởng Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Yên Mô cho biết: Trước tình hình thực tế ở một số xã vùng đất trũng chỉ cấy được 1 vụ lúa (vụ đông xuân), còn vụ mùa thì bỏ hoang, nếu có cấy thì năng suất thấp, đôi khi còn không được thu hoạch do ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu và sâu bệnh..., huyện đã cho phép các địa phương chuyển đổi sang mô hình sản xuất lúa-cá (cấy lúa vụ đông xuân, nuôi thả cá trong vụ mùa). Đến năm 2017, toàn huyện đã chuyển đổi lên 491,24 ha sang sản xuất theo công thức lúa-cá; trong đó có 40,28 ha chuyển đổi gọn vùng quy mô từ 5 ha trở lên. Diện tích ruộng trũng chuyển đổi sang mô hình lúa-cá tập trung chủ yếu ở các xã: Yên Thái, Yên Đồng, Yên Thắng.
Tổng hợp của ngành nông nghiệp cho thấy: Đến hết năm 2016, toàn tỉnh có 3.650 ha ruộng trũng có nuôi trồng thủy sản, tăng 5,4% so với năm trước. Hiệu quả của mô hình sản xuất này là: ở cùng một đơn vị diện tích cho thu nhập cao hơn từ 3-5 lần so với chỉ cấy lúa; doanh thu đạt từ 45-100 triệu đồng/ha tùy điều kiện từng nơi về khả năng đầu tư và hình thức nuôi thả. Dưới sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cơ quan chuyên môn thuộc Sở, nhiều địa phương cũng đã thực hiện chuyển đổi một số diện tích từ nuôi quảng canh sang nuôi chuyên canh, thâm canh với các loại cá rô phi, trắm đen, trắm cỏ, chép lai, cá diêu hồng...; xây dựng hệ thống ao nuôi, ao nổi có hệ thống giám sát và xử lý nước thải mang lại hiệu quả cao; năng suất đạt từ 15-18 tấn/ha, lợi nhuận đạt từ 200-300 triệu đồng/ha/năm; trong khi đó nếu nuôi quảng canh chỉ đạt năng suất 3-5 tấn/ha, lợi nhuận từ 70-100 triệu đồng/ha/năm.
Ngành nông nghiệp cũng đã triển khai và xây dựng thành công mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trong nhà lưới với quy mô 7 ha với 20 ao nuôi, trong đó có 11 ao nhà lưới tại thị trấn Bình Minh (Kim Sơn). Mô hình có hệ thống nhà lưới phù hợp với vùng khí hậu ven biển, thích nghi và chống chịu được khi có gió bão; có hệ thống quản lý tự động và điều khiển từ xa và có thể nuôi 3 vụ/năm ở cả mùa hè và mùa đông; năng suất tôm thương phẩm có thể đạt 45 tấn/ha... Ngoài ra, ở lĩnh vực thủy sản còn có các mô hình: Nuôi cá chim biển vây vàng, quy mô 0,3 ha, năng suất đạt 7,8 tấn/ha, thu nhập 213 triệu đồng/ha. Nuôi ngao, năng suất đạt 15-20 tấn/ha, thu nhập 180-200 triệu đồng/ha. Nuôi cá rô phi đơn tính tại Tam Điệp, Yên Mô, năng suất 9,6 tấn/ha, thu nhập 67,8 triệu đồng/ha...
Chăn nuôi được xác định là lĩnh vực sản xuất tạo ra giá trị lớn của ngành nông nghiệp nên được chú trọng chuyển đổi từ chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi gia trại, trang trại. Các đối tượng nuôi là lợn, dê, bò, gia cầm và con nuôi đặc sản. Đồng chí Đỗ Văn Miền, Phó Giám đốc Sở Nông Nghiệp & PTNT cho biết: Trong cơ cấu nội bộ ngành, chăn nuôi tăng từ 28% (năm 2014) lên 31,4% (năm 2016); tốc độ tăng trưởng bình quân trong 3 năm (2014-2016) đạt 2,4%. Giá trị sản xuất năm 2016 đạt 2.072,3 tỷ đồng, tăng 10,4% so với năm 2014 (năm đầu thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp).
Nhìn chung trong 2 năm gần đây, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển tương đối ổn định và toàn diện, dịch bệnh lớn không xảy ra. 6 tháng đầu năm 2017, chăn nuôi lại gặp khó khăn khi thị trường tiêu thụ thịt lợn từ Trung Quốc đóng lại; trong khi thị trường trong nước cung vượt quá cầu nên người chăn nuôi bị thua lỗ nặng, kéo dài. Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc của các cấp, các ngành, người chăn nuôi đã được giải cứu. Phương thức chăn nuôi đang có những bước chuyển mạnh mẽ từ nhỏ lẻ sang gia trại, trang trại với quy mô lớn và từng bước được đầu tư trang thiết bị, hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Đã có nhiều mô hình mới, hiệu quả được triển khai thực hiện và nhân rộng, như: Nuôi dê sinh sản; nâng cao năng suất, chất lượng thịt dê được triển khai tại thành phố Tam Điệp, Nho Quan, Gia Viễn; cải tạo đàn bò theo hướng chuyên thịt (bò BBB) tại Yên Mô, Gia Viễn; nuôi vịt biển ở vùng bãi bồi (Kim Sơn); nuôi vịt trời ở Yên Khánh, Yên Mô; nuôi hươu, lợn rừng tại Nho Quan; ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi gà (Yên Sơn-thành phố Tam Điệp) và chăn nuôi lợn (Kim Sơn, Yên Khánh, Yên Mô) với chuồng nuôi khép kín có khả năng điều chỉnh được nhiệt độ, thức ăn nước uống được cấp tự động, xử lý chất thải được điều khiển theo dây chuyền...
Điểm chung của các mô hình thuộc lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản là tạo ra hiệu quả cao, giá trị lớn...nhưng lại khó triển khai ra đại trà do suất đầu tư ban đầu lớn (giống, thức ăn, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị....); thị trường tiêu thụ lại bấp bênh, dễ dẫn đến tình trạng "Được mùa thì mất giá" và ngược lại.
Đinh Chúc