Chăn nuôi an toàn sinh học (ATSH) là phương thức chăn nuôi áp dụng tổng hợp và đồng bộ các biện pháp kỹ thuật nhằm quản lý, ngăn ngừa sự tiếp xúc giữa vật nuôi với mầm bệnh, tạo ra sản phẩm an toàn với sức khỏe cộng đồng và đảm bảo lợi ích kinh tế cho người chăn nuôi. Những nguyên tắc cơ bản của chăn nuôi ATSH đều có thể áp dụng trong chăn nuôi quy mô nhỏ và lớn. Do đó, chăn nuôi ATSH là giải pháp căn bản, hướng phát triển bền vững cho chăn nuôi. Đặc biệt là ở tỉnh ta, cung cách chăn nuôi phần lớn vẫn ở mức nhỏ lẻ, mang nặng tính tự cấp, tự túc, phục vụ trong gia đình là chính. Nguồn thức ăn là các phụ phẩm của trồng trọt. Bên cạnh đó, hình thức chăn thả gia súc, gia cầm tự do với chuồng nuôi tạm bợ.
Ngoài tập quán chăn nuôi lạc hậu, tỉnh ta còn có tuyến Quốc lộ 1A chạy qua nên động vật, các sản phẩm từ động vật được vận chuyển qua lại với số lượng lớn, rất khó kiểm soát, khống chế nếu như có dịch bệnh xảy ra. Đây là mối nguy hiểm tiềm ẩn đe dọa đến nền chăn nuôi trong tỉnh. Hiện nay, tỉnh ta có tổng đàn gia cầm gần 2,9 triệu con, đàn trâu, bò trên 72 nghìn con và đàn lợn xấp xỉ 362 nghìn con. Tuy nhiên mức độ áp dụng hình thức chăn nuôi ATSH trong các gia đình vẫn còn rất hạn chế.
Đồng chí Hà Quốc Thịnh, Chi cục phó Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Chăn nuôi ATSH là một giải pháp thông minh để khống chế dịch bệnh. Ngay tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cũng có thể khắc phục và áp dụng tốt hình thức này, có một số nguyên tắc rất đơn giản như: Không nuôi nhiều loại gia súc, gia cầm trong cùng một trại, nuôi riêng biệt từng giai đoạn sản xuất hoặc theo nguồn gốc, cùng nhập cùng xuất, quét dọn vệ sinh khử trùng, tiêu độc thường xuyên, tiêm phòng định kỳ… Trên thực tế đây là những vấn đề mà nhân dân chưa quan tâm lắm.
Anh Nguyễn Văn Mừng, tổ 8, phường Bắc Sơn, thị xã Tam Điệp nói: "Nhà tôi nuôi chưa đến 100 con gà, thả ngoài đồi, công việc nhiều nên không có nhiều thời gian để chú ý đến phun thuốc khử trùng hay cách ly". Trao đổi với một số hộ khác, tôi cũng nhận được những câu trả lời tương tự, nhiều người còn không hiểu chăn nuôi ATSH là như thế nào, họ không biết những điều cần thiết về ATSH. Phải chăng việc cung cấp thông tin giữa các cấp chính quyền, các ngành chuyên môn và những người chăn nuôi vẫn còn hạn chế.
Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, muốn phát triển chăn nuôi thì nhất thiết phải có kiểm soát về vệ sinh thú y và tiêm phòng nghiêm ngặt, điều này phù hợp với xu thế phát triển của một nền nông nghiệp hiện đại. Đã có nhiều hộ chăn nuôi với quy mô lớn ở tỉnh ta áp dụng hình thức chăn nuôi ATSH cho hiệu quả tốt, trong đó có gia đình anh Đoàn Văn Nam, thôn Trinh Phú, xã Gia Thịnh. Anh Nam cho biết, việc vệ sinh phòng dịch được anh hết sức chú trọng bởi chỉ sơ sẩy một chút là có thể mất hàng trăm triệu đồng. Đàn lợn nhà anh luôn được tiêm phòng vắc xin đầy đủ theo đúng quy trình. Ngoài ra mỗi tuần anh còn phun thuốc khử trùng, tiêu độc một lần, rắc vôi bột lối đi, riêng con giống nhà anh tự sản xuất nên rất yên tâm, mọi biểu hiện thay đổi của đàn lợn đều được anh ghi chép cẩn thận từng ngày… Vì vậy, nhiều năm nay đàn lợn của anh không bị bệnh dịch. Với trên 100 con lợn thịt và hơn 20 con nái đẻ, hàng năm gia đình anh đã thu lãi trên 50 triệu đồng.
Để chăn nuôi ATSH phát triển rộng khắp, cần có sự phối hợp giữa các cấp, các ngành chức năng, các tổ chức, đoàn thể xã hội trong việc tuyên truyền, vận động người chăn nuôi thay đổi tập quán chăn nuôi nhằm đáp ứng các điều kiện tiêu chuẩn, chất lượng và giá thành trong thời kỳ hội nhập hiện nay. Chăn nuôi ATSH là tiền đề tạo cho ngành Nông nghiệp nói chung và ngành chăn nuôi phát triển bền vững.
Nguyễn Lựu