Đồng chí Lê Thị Bích Ngọc, Trưởng Ban Nữ công (LĐLĐ tỉnh) cho biết: Hiện nay, cùng với các chế độ, chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước, công tác chăm sóc, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho lao động nữ được các cấp công đoàn quan tâm, thực hiện tốt. Công đoàn các cấp đã tích cực vận động người sử dụng lao động tham gia chương trình chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe sinh sản cho lao động nữ như: xây dựng nhà vệ sinh, phòng thay quần áo, cải tạo môi trường và điều kiện lao động, khám sức khỏe định kỳ, khám phụ khoa; trích quỹ phúc lợi chi cho công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe bà mẹ, phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em.
9 tháng đầu năm 2014, có trên 13 nghìn chị em được khám sức khỏe định kỳ, trên 4 nghìn chị em được khám phụ khoa. Đồng thời, các cấp công đoàn phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức gần 100 cuộc thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động tại các doanh nghiệp. Tổ chức hàng trăm cuộc giao lưu-đối thoại với sự tham gia của hàng chục nghìn CNVCLĐ, qua đó, đánh giá được việc thực hiện các chế độ, chính sách liên quan đến người lao động, đặc biệt là lao động nữ, hiểu được tâm tư, nguyện vọng, đời sống, việc làm của CNLĐ nữ, kịp thời phản ánh, tham mưu với cấp ủy, chuyên môn đưa ra những biện pháp nhằm nâng cao ý thức chấp hành của người lao động nói chung, lao động nữ nói riêng và trách nhiệm của người sử dụng lao động trong thực hiện pháp luật lao động, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.
Nhân dịp các ngày lễ, Tết, "Tháng Công nhân", LĐLĐ tỉnh trích Quỹ "Ngày vì người nghèo", Quỹ "Mái ấm công đoàn, tiếp nhận Quỹ Tấm lòng vàng Báo Lao động… tặng hàng trăm suất quà trị giá trên 500 triệu đồng cho nữ CNVCLĐ. Đồng thời, Ban nữ công công đoàn các cấp đã có nhiều biện pháp giúp chị em có vốn phát triển kinh tế gia đình, làm giàu chính đáng. Thông qua việc duy trì, phát triển và sử dụng có hiệu quả các quỹ "Vì nữ CNLĐ nghèo", "Quỹ phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình", "Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm"..., Ban nữ công các đơn vị đã tham mưu cho Ban chấp hành Công đoàn tín chấp cho chị em vay vốn ngân hàng, các dự án, để phát triển kinh tế gia đình.
Tiêu biểu như Công đoàn cơ sở (CĐCS) thuộc LĐLĐ thị xã Tam Điệp cho chị em vay số tiền trên 500 triệu đồng; CĐCS thuộc LĐLĐ huyện Gia Viễn gần 1 tỷ đồng; CĐCS thuộc LĐLĐ huyện Yên Khánh gần 600 triệu đồng; CĐCS thuộc ngành Giáo dục hơn 1,2 tỷ đồng... Đa số chị em được vay vốn đã phát huy hiệu quả đồng vốn vay, đầu tư chủ yếu vào trồng trọt, chăn nuôi, tăng thu nhập mỗi tháng từ 2 - 2,2 triệu đồng… LĐLĐ tỉnh tiếp tục quản lý 11 dự án, giúp 77 hộ CNLĐ được vay vốn từ Quỹ Quốc gia hỗ trợ giải quyết việc làm..., góp phần giải quyết việc làm cho gần 200 lao động, tạo việc làm mới cho 94 lao động (trong đó có 40 lao động nữ), tăng thu nhập cho mỗi hộ CNLĐ được vay vốn từ 1 - 1,5 triệu đồng/tháng…
Cùng với đó, công tác bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác công đoàn luôn được quan tâm, trong đó có cán bộ nữ. Các cấp công đoàn phối hợp với chuyên môn tạo điều kiện cho nữ CNVCLĐ tham gia các lớp học nâng cao về chuyên môn, lý luận chính trị, tay nghề. Hiện nay, có trên 4 nghìn chị đang tham gia các lớp học; trong đó 90 chị học cao học, trên 2,5 nghìn chị theo học các lớp đại học, cao đẳng tại chức, đại học từ xa; gần 400 chị học cử nhân, cao cấp lý luận chính trị, trung cấp chính trị... Trình độ chị em có tay nghề thợ bậc cao cũng được nâng lên, với 1.900 chị, trong đó có gần 1 nghìn chị tay nghề thợ bậc 3-4, thợ bậc 5-6 là 279 chị.
Hiện toàn tỉnh có 24 Ban nữ công quần chúng cấp trên cơ sở và 467 Ban nữ công quần chúng cấp cơ sở với trên 1.400 ủy viên. Tỷ lệ cán bộ nữ là cán bộ chủ chốt trong các cơ quan công đoàn tương đối cao: có 798/1.487 đồng chí là Chủ tịch, Phó chủ tịch công đoàn các cấp, chiếm 53,6%; 117/195 đồng chí là ủy viên Ban Thường vụ công đoàn các cấp, chiếm 60%; 2.215/4.079 đồng chí là ủy viên BCH công đoàn các cấp, chiếm 54,3%... Từ đầu năm đến nay, các cấp công đoàn đã tổ chức 18 lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho trên 2.000 lượt cán bộ CĐCS, trong đó có hơn 50% là nữ...
Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực hiện một số chính sách liên quan tới lao động nữ vẫn còn nhiều khó khăn: Nhiều doanh nghiệp chưa phân loại nghề, công việc theo danh mục nghề, công việc nặng nhọc, chưa thực hiện được việc khám chuyên khoa cho lao động nữ…; vẫn còn tình trạng nợ đọng hoặc chậm đóng BHXH cho lao động nữ; công tác tuyên truyền, kiểm tra ATTP, VSLĐ còn bất cập; hoạt động công đoàn ở một số doanh nghiệp còn hạn chế, chưa tạo điều kiện thời gian để sinh hoạt công đoàn, sinh hoạt nữ công….
Để nâng cao đời sống, việc làm và thực hiện chế độ, chính sách đối với lao động nữ, các tổ chức công đoàn-cầu nối giữa người lao động và người sử dụng lao động, giữa người lao động và các cơ quan nhà nước cần làm tốt vai trò hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện chế độ, chính sách đối với lao động nữ; thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát giúp cho các đơn vị, doanh nghiệp làm tốt hơn, kịp thời trong giải quyết các chế độ, chính sách cho người lao động. Nâng cao chất lượng hoạt động của Ban nữ công, tổ chức Công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp để nắm bắt kịp thời tình hình đời sống của lao động nữ.
Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho lao động nữ, thành lập các CLB nữ, thăm khám sức khỏe, truyền thông tư vấn về SKSS/KHHGĐ, kỹ năng làm mẹ... Đối với người lao động cũng phải có những hiểu biết nhất định về pháp luật lao động và những chính sách đối với lao động nữ; có ý thức nâng cao trình độ học vấn để nhận thức đúng và thực hiện quyền của mình theo quy định của pháp luật…
Hạnh Chi