Trở lại xã Yên Lâm, vùng đất thuần nông với nhiều khó khăn trước đây, chúng tôi đều có chung một cảm nhận địa phương này đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong phát triển kinh tế. Trước mắt chúng tôi là những ngôi nhà cao tầng, những mô hình ao nổi, trồng cây ăn quả tổng hợp có hiệu quả cao, đặc biệt là những vườn na xanh tốt đang vào kỳ thu hoạch. Qua trao đổi, người dân cho biết trước đây vùng đất này được phủ bởi màu xanh của các cây trồng truyền thống như ngô, đậu, lạc... nhưng có hiệu quả không cao. Những năm gần đây, thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, người dân đã mạnh dạn chuyển đổi sản xuất từ những cây trồng kém hiệu quả sang trồng na và nhiều loại cây ăn quả khác. Cùng chúng tôi đi thăm vườn na trĩu quả, ông Nguyễn Văn úy, một trong những hộ tiên phong đưa cây na vào sản xuất ở Yên Lâm phấn khởi cho biết: "Sau khi tham quan các mô hình cây ăn quả trong và ngoài tỉnh, năm 2006 tôi bàn với gia đình cải tạo đất vườn trồng thử nghiệm 150 cây na dai. Sau 2 năm trồng và chăm sóc, cây cho quả bói đầu tiên, trừ chi phí gia đình tôi thu lãi 30 triệu đồng. Nhận thấy đây là cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai và khí hậu của địa phương, năm 2016 tôi tiếp tục đưa trên 300 cây na vào trồng trên diện tích hơn 1 mẫu. Loại na dai này chỉ hơn 3 năm là cho thu hoạch, giá cả lại ổn định. Nhờ vườn na, tôi đã có thu nhập ổn định, có điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống và đầu tư mở rộng sản xuất…"
Chia sẻ về kinh nghiệm trồng na, ông úy cho biết: Cây na dai rất phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai nơi đây nên sinh trưởng, phát triển tốt. Kỹ thuật chăm sóc cũng rất đơn giản, ngoài yếu tố thuận lợi của tự nhiên, người trồng cần bón thêm lượng phân cho cây trồng và bón tùy vào độ tuổi, từng giai đoạn phát triển của cây. Đặc biệt, cần bón nhiều phân chuồng ủ hoai mục, bổ sung nước đầy đủ cho cây. Bên cạnh đó, người trồng cũng phải nắm chắc kỹ thuật tỉa cành và vặt lá đúng thời điểm để na có thể ra hoa, đậu quả. Đặc điểm của cây na dai ra nhiều hoa nhưng tỷ lệ đậu quả thấp vì nhị đực và nhụy cái nở lệch pha nhau nên rất khó tự thụ phấn. Nếu hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên thì hiệu quả, năng suất thấp. Vì vậy, người trồng na cần nắm chắc kỹ thuật thụ phấn nhân tạo cho hoa để khắc phục được những hạn chế này.
Không chỉ gia đình ông úy, nhiều hộ khác như ông Phạm Hồng Tứ cũng đang sở hữu vườn na có thu nhập ổn định. Nhận thấy cây na dễ trồng, lại cho hiệu quả cao, phù hợp với diện tích ven núi sỏi đá, năm 2015 ông Tứ mua gần 500 cây na về trồng, đến nay cây đã cho thu hái, trừ chi phí thu lãi trên 70 triệu đồng/năm. Ông Tứ kể, từ khi trồng đến năm thứ 3 na dai cho bói quả và từ các năm sau là vào thời kỳ khai thác quả. Vì đặc điểm của na chín rải rác trong khoảng vài tháng nên người trồng na không bị áp lực về nhân lực mà còn tránh bị thương lái ép giá.
Đồng chí Tống Văn Cương, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Lâm cho biết: Xã Yên Lâm hiện có trên 50 hộ trồng na dai, với tổng diện tích gần 20ha, chủ yếu tập trung ở thôn Nhân Phẩm. Để nâng cao giá trị cây na, những năm trở lại đây, nhân dân trong xã đã ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất như: cắt, tỉa cành, tạo tán, thụ phấn nhân tạo để cây ra quả và thu hoạch theo ý muốn. Với cách này, sau chính vụ, bà con vẫn có mùa na gối vụ với giá cao. Ước tính mỗi năm, bà con trong xã cung ứng ra thị trường hàng trăm tấn quả với giá cả ổn định. Hiệu quả kinh tế từ cây na đem lại đã góp phần nâng giá trị thu nhập bình quân trên một ha canh tác của xã lên 140 triệu đồng/năm. Hiện nay, xã Yên Lâm đang quy hoạch vùng trồng cây ăn quả tập trung ở các thôn, chủ yếu ở những chân ruộng cao cấy lúa kém hiệu quả, ven núi với tổng diện tích 60ha. Đồng thời vận động nhân dân nắm bắt tín hiệu của thị trường, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các giống cây, con có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất.
Bài, ảnh: Hồng Giang