Gia Thắng và Gia Tiến là 2 xã có nghề trồng dưa từ nhiều năm nay, trung bình mỗi xã trồng từ 50 đến 70 ha dưa mỗi vụ. Qua thực tế sản xuất nhiều năm cho thấy, chi phí tiền giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ... chỉ mất khoảng vài trăm nghìn đồng, nhưng năng suất bình quân dưa đạt từ 700-800 kg/sào, với giá bán 3-3,5 nghìn đồng/kg, trừ chi phí còn thu lãi 1,2 đến 1,5 triệu đồng, có hộ thâm canh cao đạt tới 1,7 triệu đồng. So với trồng lúa tăng 1,5-2 lần.
Năm nay, diện tích dưa bở của huyện Gia Viễn có gần 170ha. Đầu vụ, do thời tiết không thuận lợi, rét đậm đã ảnh hưởng tới sự sinh trưởng và phát triển của dưa, gần đến thời kỳ thu hoạch cây dưa lại bị mưa lớn, song do có kinh nghiệm trong thâm canh nên năng suất, sản lượng và thu nhập của bà con vẫn tương đương với năm trước.
Theo kinh nghiệm của bà con nơi đây, để cây dưa có năng suất cao, chất lượng tốt, cần chú trọng đến khâu phòng trừ sâu bệnh. Bệnh dưa bở thường gặp là héo rũ, do đó cần chăm sóc tốt để cây dưa khỏe mạnh, kháng bệnh. Và để dưa có quả đẹp, chất lượng ngon, dễ tiêu thụ thì mỗi cây chỉ để 3-5 quả.
Sau 4 tháng chăm sóc, giờ đây bên luống dưa "lúc nhúc" quả, anh Phạm Văn Thắng - xã Gia Tiến rất vui mừng, cho biết: "Gia đình anh và bà con trong xã nhiều năm nay đã trồng cây dưa bở, vì dưa chăm sóc đơn giản, không mất nhiều công lao động và đầu ra có tư thương về mua tận đầu bờ, thu hoạch đến đâu, cân ngay đến đó, "tiền tươi", không phải đi bán lẻ như trước". |
Xuất bán dưa ngay tại đầu bờ. Ảnh: P.V |
Đầu vụ dưa to, đẹp được xuất bán 3.500-4.000 đồng/kg, giờ dưa chín rộ và quả nhỏ hơn cũng bán 2.300 đồng/kg. Trừ mọi chi phí, bà con thu lãi 1-1,3 triệu đồng/sào. Nếu gần đây không gặp trận mưa lớn thì thu nhập sẽ đạt cao hơn.
Cây dưa bở sinh trưởng và phát triển phù hợp nhất ở chân đất vàn cao, do đó khắc phục khó khăn cho diện tích không chủ động được nước tưới và những diện tích đất cấy lúa kém hiệu quả. Với ưu điểm đó, khi xây dựng cánh đồng đạt giá trị 50 triệu đồng/ha/năm, huyện Gia Viễn đã khuyến khích các địa phương trong huyện chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng dưa bở.
Ông Trần Đình Toàn - Phó chủ tịch UBND huyện Gia Viễn cho biết: "Ngoài 2 xã Gia Tiến và Gia Thắng, hiện nay Gia Viễn có thêm các xã Gia Hòa, Gia Lập, Gia Phú, Gia Vượng, Gia Vân đã đưa dưa bở vào trồng. Nhiều địa phương áp dụng công thức thâm canh : 2 vụ dưa bở, 1 vụ lúa cho thu nhập bình quân từ 80-100 triệu đồng/ha/năm".
Hiệu quả kinh tế từ cây dưa bở là rất khả quan, mở ra cho nông dân vùng chiêm trũng hướng đi mới, khắc phục được khó khăn do địa hình canh tác phức tạp. Huyện Gia Viễn cũng chú trọng tới chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cấp hệ thống thủy lợi, khuyến khích mở rộng diện tích cây trồng có hiệu quả như cây dưa bở, đồng thời đẩy mạnh công tác chuyển giao KHKT để hộ nông dân áp dụng, nâng cao chất lượng, sản lượng cây trồng, hướng tới xuất khẩu, nâng cao giá trị thu nhập trên diện tích canh tác.
Hiện nay, bà con nông dân trong huyện Gia Viễn đang tập trung thu hoạch nốt diện tích dưa bở vụ đông xuân, giải phóng đất tiếp tục trồng dưa vụ hè.
Mỹ Hạnh