Câu chuyện xúc động của người thu giữ con dấu tướng Cao Văn Viên
Thứ Ba, 22/04/2025, 15:33
Zalo
Ông là người đã trực tiếp chỉ huy một mũi thọc sâu quan trọng đánh chiếm Bộ Tổng Tham mưu ngụy quyền Sài Gòn vào ngày 30/4/1975, thu giữ con dấu tướng Cao Văn Viên.
Cựu chiến binh Lê Xuân Yến (người đứng đầu bên trái) chia sẻ với đồng đội về kỷ niệm trong thực hiện nhiệm vụ đánh Bộ Tổng tham mưu nguỵ, thu con dấu của tướng Cao Văn Viên. Ảnh: Trường Giang
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi đến thăm cựu chiến binh Lê Xuân Yến, Đại tá, nguyên Phó Chủ nhiệm chính trị Quân đoàn 1 (nay là Quân đoàn 12), người đã trực tiếp chỉ huy một mũi thọc sâu quan trọng đánh chiếm Bộ Tổng Tham mưu ngụy quyền Sài Gòn vào ngày 30/4/1975, thu giữ con dấu tướng Cao Văn Viên.
Ông hiện sinh sống tại phường Bắc Sơn (thành phố Tam Điệp). Câu chuyện của ông không chỉ là ký ức về một thời hoa lửa mà còn là bài học sâu sắc về lòng dũng cảm, trí tuệ và tinh thần quyết thắng của Bộ đội Cụ Hồ. Ở tuổi 85, Đại tá Lê Xuân Yến vẫn rất minh mẫn và tràn đầy nhiệt huyết khi kể về những năm tháng binh nghiệp.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Khánh Thượng, Yên Mô giàu truyền thống cách mạng, năm 19 tuổi (năm 1959), chàng thanh niên Lê Xuân Yến đã tình nguyện lên đường nhập ngũ, mang theo hoài bão cống hiến cho Tổ quốc. Cuộc đời quân ngũ đã tôi luyện ông thành một người chỉ huy bản lĩnh, mưu trí. Từng tham gia nhiều trận chiến “vào sinh, ra tử” và mỗi trận đánh là một kỷ niệm, nhưng với CCB Lê Xuân Yến thì được tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là một vinh dự và khó phai trong ký ức.
Tháng 3 năm 1975, khi ông đang cùng cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 48 đắp đê ở huyện Yên Khánh (lúc đó ông là Chính uỷ Trung đoàn 48, Sư đoàn 320B (Sư đoàn Đồng Bằng)-PV) thì nhận được lệnh cùng các lực lượng của Quân đoàn 1 hành quân thần tốc vào Nam tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. "Nhận được lệnh, tất cả anh em trong toàn Trung đoàn đều rất vui sướng, phấn khởi, không chút do dự. Với tinh thần "Thần tốc, thần tốc hơn nữa! Táo bạo, táo bạo hơn nữa!", cả Trung đoàn hành quân bộ hơn 10km ra ga Cầu Yên, rồi tiếp tục hành trình không nghỉ, vượt hàng ngàn cây số để có mặt tại Đồng Xoài. Khí thế sục sôi, quyết tâm thực hiện lời Bác dạy "đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào" lan tỏa trong từng cán bộ, chiến sĩ” - ông Yến nhớ lại.
Sau 12 ngày đêm hành quân không nghỉ, đơn vị đã có mặt tại Đồng Xoài và nhận nhiệm vụ đặc biệt quan trọng: Trở thành mũi thọc sâu, đánh chiếm Bộ Tổng Tham mưu ngụy-một trong 5 mục tiêu quan trọng, có ý nghĩa chiến lược để giải phóng Sài Gòn-Gia Định. Xác định rõ vinh dự và trách nhiệm lớn lao, Chính ủy Lê Xuân Yến cùng Đảng ủy Trung đoàn đã quán triệt nhiệm vụ, xây dựng ý chí quyết tâm sắt đá cho cán bộ, chiến sĩ: Bằng mọi giá phải chiếm được Bộ Tổng Tham mưu nguỵ. Rạng sáng ngày 30/4/1975, Trung đoàn 48 tiến vào đến cầu Bình Triệu (cách trung tâm Sài Gòn khoảng hơn 10km) thì tiếp tục vấp phải sự phản kháng mạnh mẽ của địch. Với tinh thần quyết chiến quyết thắng, Trung đoàn nhanh chóng tổ chức đội hình tấn công. Trận đánh diễn ra chớp nhoáng, quân địch hoảng loạn tháo chạy, bỏ lại cả xe tăng và vũ khí. Trong lúc Trung đoàn cử lực lượng công binh vào gỡ bom mìn thông cầu, ông Yến đã cho gọi loa yêu cầu tàn quân ngụy quay nòng pháo, quay đầu xe tăng, đưa bộ đội ta sang xe tăng của địch để chúng dẫn Quân giải phóng vào Bộ Tổng Tham mưu ngụy. Nhờ sách lược này, đơn vị đã nhanh chóng tiếp cận mục tiêu.
Ông Yến hồi tưởng: Bước vào tòa nhà, tôi gặp một người đàn ông mặc thường phục. Tôi hỏi: Làm gì ở đây? Người đàn ông đó rất sợ hãi, không dám nhận mình làm gì và trả lời: Con ở đây! - Cao Văn Viên ở đâu? - Ông ấy chạy rồi, chạy sang Mỹ rồi. - Đưa tôi lên phòng làm việc của Cao Văn Viên! Khi tới phòng làm việc của Cao Văn Viên, trên bàn làm việc còn ngổn ngang giấy tờ. Ông Yến hỏi người đàn ông đi cùng về con dấu của Tổng Tham mưu trưởng và được anh ta đưa cho ông một con dấu.
Với sự cẩn trọng của người chỉ huy, ông Yến lấy sổ công tác, đóng thử lên giấy. Dòng chữ "Đại tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham mưu trưởng Quân lực Việt Nam Cộng hòa" hiện ra rõ nét. Ông bình tĩnh yêu cầu người đó đóng dấu tên và chức danh xuống dưới con dấu vừa thử. Sau khi xác nhận đó là con dấu thật, ông Yến cẩn trọng cất con dấu vào túi.
Con dấu của Cao Văn Viên, Tổng Tham mưu trưởng Quân lực Việt Nam Cộng hòa.
Cũng thời khắc đó, đồng đội của ông đã cắm được lá cờ Giải phóng lên nóc nhà trụ sở Bộ Tổng Tham mưu ngụy trong tiếng hò reo của cán bộ, chiến sĩ. Sau đó, ông báo cáo và trao lại con dấu cho cấp trên. Riêng tờ giấy có đóng dấu của tướng Cao Văn Viên vẫn được ông gìn giữ cẩn thận như một kỷ vật vô giá cho đến ngày nay.
Đại tá Lê Xuân Yến tâm sự: Đến tận bây giờ, trong tôi vẫn vẹn nguyên cảm xúc của ngày thu giữ được con dấu của Cao Văn Viên, Tổng Tham mưu trưởng Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Đó không chỉ là sự hồi hộp, sung sướng tột độ khi hoàn thành nhiệm vụ được giao, mà còn là niềm xúc động trước ý nghĩa lịch sử của thời khắc ấy. Nó đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của chế độ cũ, hiện thực hóa khát vọng thống nhất non sông của dân tộc. Niềm vui càng trọn vẹn khi tôi thấy đồng đội mình còn sống bình an trong ngày đất nước hoà bình, thống nhất. Lời di chúc thiêng liêng của Bác Hồ kính yêu "đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào" đã được thực hiện. Với tôi, đó là niềm tự hào dân tộc, là niềm hạnh phúc khi được góp một phần nhỏ bé vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc.
Câu chuyện về Đại tá Lê Xuân Yến và đồng đội Trung đoàn 48 trong ngày 30/4/1975, thu dấu tướng Cao Văn Viên không chỉ là một trang sử hào hùng, một chứng tích về sự sụp đổ của kẻ thù, mà còn là một câu chuyện đẹp về lòng yêu nước, tinh thần quả cảm, sự mưu trí, sáng tạo và ý chí quyết tâm sắt đá của người lính Cụ Hồ. Ký ức và kỷ vật của ông là nguồn cảm hứng, nhắc nhở thế hệ hôm nay và mai sau về giá trị của hòa bình, độc lập, tự do và về những người anh hùng đã làm nên lịch sử.