Các đại biểu dự lớp cập nhật kiến thức.
Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Trần Hồng Quảng, TVTU, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy qua các thời kỳ; lãnh đạo các cơ quan Đảng, các đoàn thể chính trị - xã hội của tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành và tương đương của tỉnh; lãnh đạo các huyện, thành phố; cán bộ khoa học thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh, một số doanh nghiệp trên địa bàn.
Hội nghị được nghe Giáo sư, Viện sỹ, Tiến sỹ khoa học Đinh Văn Nhã, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Đào tạo Omega, Ủy viên Hội đồng Trung ương Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trình bày nội dung, tập trung vào các chuyên đề: Chiến lược phát triển công nghệ cao, tự động hóa; Những đặc trưng cơ bản của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; Chiến lược tìm kiếm, phát triển năng lượng sạch cho phát triển bền vững; Xu hướng phát triển bền vững, thực trạng và định hướng phát triển kinh tế bền vững tỉnh Ninh Bình.
Giáo sư, Viện sỹ, Tiến sỹ khoa học Đinh Văn Nhã, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Đào tạo Omega, Ủy viên Hội đồng Trung ương Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trình bày nội dung các chuyên đề.
Giáo sư, Viện sỹ, Tiến sỹ khoa học Đinh Văn Nhã nhấn mạnh: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư có quy mô và tốc độ phát triển chưa từng có tiền lệ trong lịch sử nhân loại, đột phá công nghệ diễn ra trong nhiều lĩnh vực. Nó tác động toàn diện đến thế giới, làm suy giảm lợi thế lao động giá rẻ. Việt Nam sẽ là quốc gia chịu tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng này.
Đối với tỉnh Ninh Bình, theo Giáo sư Đinh Văn Nhã, để tranh thủ phát huy tối đa và hiệu quả các tác động tích cực của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cần tập trung phát triển du lịch bền vững, tạo nên các sản phẩm du lịch hấp dẫn để giữ chân khách trong thời gian dài.
Tăng cường đào tạo nguồn lực công nghệ cao, công nghệ thích hợp nhằm nâng cao kỹ năng và hiệu quả làm việc phục vụ quốc kế dân sinh và xuất khẩu lao động có trình độ và tay nghề cao.
Xây dựng nền công nông nghiệp công nghệ cao, sử dụng các công nghệ mới để nuôi trồng các sản phẩm nông nghiệp, thủy hải sản sạch, bền vững. Nghiên cứu, phát triển nguồn năng lượng sạch, nguồn than bionas từ phụ phẩm nông nghiệp.
Phát triển các loại vật liệu xây dựng không nung thay thế cho gạch truyền thống để giải quyết ô nhiễm môi trường. Tích cực áp dụng và đưa vào hệ thống quản lý vĩ mô hiện đại.
Tại lớp bồi dưỡng, Giáo sư Đinh Văn Nhã cũng đã trực tiếp giải đáp nhiều câu hỏi của các đại biểu, tập trung vào các nội dung: Yêu cầu của nguồn nhân lực ở Việt Nam nói chung, tỉnh Ninh Bình nói riêng trong việc thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Vai trò của nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong việc thực hiện cuộc cách mạng này; Giải pháp nào để xử lý phụ phẩm nông nghiệp, rác thải sinh hoạt; Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ áp dụng như thế nào để xử lý được tình trạng ô nhiễm môi trường…
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Thanh, UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh khẳng định, việc bổ sung cập nhật kiến thức phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của đội ngũ cán bộ được Ninh Bình đặc biệt quan tâm.
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh, UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu tại lớp cập nhật kiến thức.
Trong những năm vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã cố gắng lựa chọn các đề tài bổ ích, phù hợp với thực tế bồi dưỡng nâng cao trình độ của cán bộ, lớp bồi dưỡng này là một ví dụ cụ thể.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, xã hội thông tin, kinh tế tri thức tạo ra những thách thức cũng thời cơ mới cho Việt Nam nói riêng và Ninh Bình nói chung. Chính vì thế, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các doanh nghiệp cần phải có tư duy mới, có kiến thức đầy đủ hơn, sâu sắc hơn để tiếp nhận.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu: Trên cơ sở những nội dung được lĩnh hội tại lớp bồi dưỡng, cấp ủy các cấp, các đồng chí cán bộchủ chốt và mỗi cán bộ, đảng viên, các doanh nhân cần tiếp tục tự nghiên cứu, trau dồi, tìm hiểu gắn lý luận với kiến thức được cập nhật vào thực tiễn một cách có hiệu quả, thiết thực; góp phần tạo những bước đột phá cho kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, quan tâm đẩy mạnh hơn nữa công tác bồi dưỡng nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng, cập nhật kiến thức theo quy định 164 của Bộ Chính trị, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Tăng cường công tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thực tiễn một cách hiệu quả, thiết thực, nhất là vào các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, du lịch để phát triển kinh tế bền vững.
Đồng chí đề nghị UBND tỉnh giao cho cơ quan chuyên môn nghiên cứu Chỉ thị 16 của Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để triển khai trên địa bàn tỉnh một cách phù hợp, hiệu quả.
Hà Phương-Đức Lam