Hàng xách tay được hiểu là hàng nhập về Việt Nam qua những tiếp viên hàng không. Điểm chung của các cửa hàng bán hàng xách tay là đều giới thiệu có người nhà là tiếp viên hàng không hoặc người nhà ở nước ngoài gửi về. Chị Nhi, chủ một shop bán hàng xách tay cho biết: do thị trường sữa trong nước khó kiểm soát về chất lượng và giá cả nên người tiêu dùng hiện nay luôn tìm kiếm những sản phẩm tốt nhất cho con mình. Nhà mình có đứa em là tiếp viên nên khi nào bay sẽ tranh thủ mang hàng về cho mình bán. Mặc dù giá có cao hơn các đại lý sữa trên địa bàn nhưng vì là hàng xách tay nên người tiêu dùng vẫn yên tâm, tin tưởng. Có thời điểm chúng tôi chỉ quảng cáo qua hình ảnh các mẹ vào đặt hàng nhiều đến mức không đủ sữa bán.
Chị Hoa (Hoa Lư), đang nuôi con nhỏ 18 tháng, cho biết: Theo lời khuyên của bạn bè chị cho con ăn loại sữa Nhật từ khi 6 tháng tuổi vì sữa mát, giúp trẻ tiêu hóa tốt, tăng cân đều. Có một lần, do nghi ngại về nguồn gốc sữa xách tay nên chị Hoa đổi sang loại hàng nhập. Sau lại nghe nhiều người nói rằng, hàng nhập không tốt bằng xách tay vì phải sản xuất theo tiêu chuẩn của Việt Nam, bà mẹ này quay về và "trung thành" với hàng xách tay dù biết nguồn gốc, chất lượng của sản phẩm không được kiểm chứng. Bên cạnh đó, toàn bộ mặt hàng xách tay đều không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, do đó, ngay về cách sử dụng, bảo quản, người tiêu dùng đa số làm theo hướng dẫn của người bán hoặc tham khảo "truyền miệng" trên mạng.
Chưa bao giờ hàng xách tay lại được mua bán thông dụng trên mạng như hiện nay. Trong đó sữa bột xách tay thường được người tiêu dùng tìm kiếm trên mạng và sử dụng khá nhiều. Điều này cũng tạo ra làn sóng mạnh mẽ trong giới kinh doanh. Thậm chí trên mạng cũng rất nhiều quảng cáo giao bán và dạy cách kinh doanh hàng sữa xách tay qua mạng. Đồng thời qua đó, người bán hàng cũng có nhiều cách để tiếp cận được với nguồn hàng tiềm năng.
Thực mục sở thị tại facebook của gian hàng kinh doanh hàng "Nhật nội địa" chúng tôi nhận thấy chủ gian hàng liên tục đăng tải các sản phẩm mới với lời chào mời "Tiếp viên nhà em hôm nay đi Nhật, ngày mai đi Hàn Quốc… ai có nhu cầu mua gì thì đăng ký" với những hình ảnh kệ sữa được niêm yết giá bằng tiền Yên (Nhật Bản) hoặc USD, hay "sữa aptamit nội địa của Đức giá chuẩn, có bill tươi, em chỉ tính lãi tí thôi"…Những lời mời chào như thế rất dễ gây cảm tình với người tiêu dùng dễ tính.
Cũng theo một số chủ cửa hàng cho biết, sữa xách tay thường sẽ được bán với giá cao hơn sữa chính hãng trong nước. Với lý do là với mỗi loại sữa, ở mỗi nước được sản xuất với công nghệ, dây truyền khác nhau và đương nhiên, sữa sản xuất tại nước Nhật sẽ có chất lượng tốt hơn sữa của Nhật mà sản xuất tại Việt Nam. Chính vì suy nghĩ này của phần lớn người tiêu dùng đã làm cho những sản phẩm xách tay giả có nhiều cơ hội để lây lan rộng rãi. Cùng một loại sữa Glico của Nhật nhưng giá các cửa hàng khác nhau. Tại các đại lý sữa giá trung bình khoảng 450.000, tuy nhiên giá ở các cửa hàng bán hàng xách tay khoảng 580.000-600.000 tùy thời điểm.
Để giải thích cho việc mức giá cao chủ cửa hàng thường đưa ra những lập luận nhằm ám chỉ sữa các cửa hàng khác là sữa đểu hoặc hết hạn sử dụng kiểu như "không hiểu sao sữa glico trong nước lại có giá rẻ như vậy chứ ngay tại kệ siêu thị của Nhật đã có giá hơn 500.000 tiền Việt" hay "sữa nhà mình đi đường hàng không nên đắt hơn các đại lý nhập qua đường thủy đi qua cửa khẩu Trung Quốc" hoặc "Sữa xách tay được sản xuất theo tiêu chuẩn dành cho trẻ em nước ngoài nên tốt và đắt hơn là đương nhiên. Chính vì thế, cùng một nhà sản xuất nhưng sữa xách tay được nhiều người tin dùng hơn"…chính những câu nói này mà nhiều người tiêu dùng đã nghi ngờ sản phẩm sữa được phân phối trong nước, chấp nhận mua sữa hàng nội địa với giá cao hơn rất nhiều.
Tuy nhiên theo một người chuyên kinh doanh hàng xách tay qua mạng tiết lộ. Thực ra họ cũng chẳng quen tiếp viên nào cả mà đều móc nối với nhau ở trên mạng và những lời mời chào qua mạng, những hình ảnh đó được lấy từ các gian hàng online khác cùng hệ thống.
Trên thực tế không phải tất cả các nguồn hàng này đều đảm bảo chất lượng là hàng xách tay chuẩn 100%. Trong thời gian vừa qua, có không ít các cơ sở sản xuất sữa xách tay giả, nhập lậu trong nước bị phanh phui khiến người tiêu dùng hoang mang. Đại diện Chi cục Quản lý thị trường tỉnh cũng cho biết: Đối với mặt hàng sữa dành cho trẻ em, Chi cục Quản lý thị trường đã thường xuyên kiểm tra, kiểm soát về giá cả, nguồn gốc xuất xứ. Qua kiểm tra đã phát hiện và xử lý một số trường hợp kinh doanh mặt hàng sữa không chứng minh được nguồn gốc hàng hóa, không có phụ đề tiếng Việt. Tuy nhiên, đối với các gian hàng online, kinh doanh qua mạng thì hiện vẫn rất khó kiểm soát cho các cơ quan Nhà nước.
Bên cạnh đó, vị này cũng khuyến cáo, người tiêu dùng không nên quá sính ngoại vì không thể khẳng định sữa xách tay hoàn toàn là sữa thật. "Không loại trừ khả năng sữa giả trà trộn để bày bán dưới mác xách tay. Hoặc thậm chí người xách mặt hàng sữa đó từ nước ngoài về chọn mua những sản phẩm kém chất lượng, giảm giá, hết hạn sử dụng về bán kiếm lời".
Thiết nghĩ để tránh mua phải hàng kém chất lượng, người tiêu dùng không nên quá dễ dãi tin những lời giao bán trên mạng. Khi lựa chọn sản phẩm sữa cho con phải tìm hiểu kỹ về xuất xứ nguồn gốc, hạn sử dụng. Sản phẩm phải có phụ đề tiếng Việt, có tem nhãn mác nhập khẩu của công ty nhập khẩu và phân phối tại Việt Nam.
Bài, ảnh: Nguyễn Thơm