Là bệnh viện tuyến huyện nhưng những ngày giữa tháng 11, Bệnh viện đa khoa huyện Yên Mô luôn có khá đông bệnh nhân đến khám và điều trị. Trung bình mỗi ngày khoa có trên 300 lượt bệnh nhân, ngày cao điểm có hơn 500 bệnh nhân; trong đó chiếm 40-50% bệnh nhân là người già và trẻ em với khoảng 35-40% mắc các bệnh về hô hấp, bệnh mãn tính về xương khớp, huyết áp… Theo bác sĩ Đỗ Đức Quân, Phụ trách Khoa Khám bệnh, thời tiết giao mùa thu - đông làm cho sức đề kháng ở trẻ và người già giảm, tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh hô hấp, các bệnh viêm nhiễm mãn tính bùng phát. Bệnh nhân vào viện chủ yếu là trẻ dưới 3 tuổi, đa số bị nhiễm trùng đường hô hấp, gây viêm tiểu phế quản hoặc viêm phế quản phổi. Đặc biệt, trẻ càng nhỏ thì bệnh có diễn tiến càng nhanh, nên việc điều trị thường mất thời gian, bệnh dễ tái phát và phức tạp hơn. Do số bệnh nhân tăng nên khi cần bệnh viện sẽ kê thêm số giường nội trú nhằm đảm bảo phục vụ đủ nhu cầu của người bệnh và hạn chế nguy cơ lây nhiễm chéo. Đặc biệt, khoa y học cổ truyền - phục hồi chức năng của bệnh viện được phát huy hết công suất phục vụ chữa các bệnh mãn tính người già thường gặp khi thời điểm giao mùa như cơ xương khớp, tim mạch, huyết áp, biến chứng tiểu đường… bằng phương pháp châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt và cấy chỉ, giảm đau đớn và di chứng cho người bệnh.
Những ngày tháng 11 cũng là thời điểm Bệnh viện sản nhi tỉnh có số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh tăng. Mỗi ngày khoa khám bệnh tiếp nhận từ 300-500 bệnh nhân đến khám và nhập viện, trong đó có khoảng 2/3 số trẻ vào khám là do bị viêm phổi, viêm phế quản. Theo bác sĩ Phạm Hồng Kiều, Trưởng khoa nội nhi 1, thời điểm cuối tháng 10, tháng 11 là giai đoạn đỉnh điểm của bệnh hô hấp ở trẻ. Kiểu thời tiết ngày nắng nóng, sáng và đêm se lạnh, độ ẩm trong không khí tăng khiến sức đề kháng của trẻ giảm, số trẻ mắc bệnh hô hấp gia tăng. Mỗi ngày có từ 40-50 trẻ nhập viện vào điều trị tại khoa. Có trẻ vừa điều trị viêm phổi được một tuần, chuẩn bị xuất viện thì lại bị viêm tiểu phế quản phổi…
Cũng theo bác sĩ Kiều, với thời tiết thay đổi liên tục như hiện nay, cùng với việc môi trường sống và nguồn bệnh lây trung gian mạnh hơn, đòi hỏi người dân, đặc biệt là cha mẹ có con nhỏ cần quan tâm chăm sóc trẻ em kỹ hơn. Ngoài việc bổ sung chế độ dinh dưỡng hợp lý nhằm tăng sức đề kháng cho trẻ, cần chú ý đến chất liệu và số lượng quần áo phù hợp với thời tiết; đặc biệt có ý thức phòng tránh hiện tượng nhiễm chéo bệnh ngay trong cùng một gia đình, bởi hầu hết các bệnh lý này đều lây qua đường hô hấp, khi trong gia đình có người bị hắt hơi, xổ mũi cần có ý thức phòng tránh bằng cách che chắn khi ho, hắt hơi, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang… Bên cạnh các bệnh lý liên quan đến hô hấp, bệnh viện cũng ghi nhận những ca mắc tay chân miệng, sởi, tiêu chảy. Các bác sĩ cảnh báo, thời điểm giao mùa, các bệnh này đang có chiều hướng tăng cao nên phụ huynh không được lơ là với con trẻ, nhất là khi nhiều loại bệnh chưa có vắc xin phòng và thuốc điều trị đặc hiệu.
Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, tính đến cuối tháng 11/2016, trên địa bàn tỉnh không có dịch bệnh lớn xảy ra, đa số các bệnh truyền nhiễm có chiều hướng giảm so với cùng kỳ năm trước. Toàn tỉnh có trên 12 nghìn ca cúm, hơn 5 nghìn ca tiêu chảy, riêng bệnh quai bị tăng mạnh với gần 600 ca mắc (tăng gấp 5 lần so với năm 2015), trên 400 ca lỵ trực trùng, lỵ amíp, gần 200 ca thủy đậu… tập trung tại tất cả các khu vực trên địa bàn tỉnh. Các bệnh truyền nhiễm như: quai bị, sởi/rubella, sốt xuất huyết… vẫn xuất hiện rải rác trong cộng đồng.
Bác sỹ Lê Hoàng Nam, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết, hiện có một số bệnh có nguy cơ xâm nhập, bùng phát, đặc biệt là dịch mới nổi và dịch bệnh giao mùa thu-đông, do vậy, người dân không nên chủ quan với bất kỳ loại bệnh nào vì kể cả bệnh cúm thường - căn bệnh rất dễ mắc trong giai đoạn chuyển mùa. Riêng với bệnh do vi rút Zika, hiện Việt Nam đang gia tăng liên tiếp các ca mắc tại một số tỉnh trong miền Nam, tuy nhiên, người dân không nên quá hoang mang. Lý do là bệnh do vi rút Zika thường ở mức độ nhẹ, còn nhẹ hơn cả bệnh sốt xuất huyết. Người lớn nhiễm Zika có thể khỏi sau 4-5 ngày điều trị. Đối với tỉnh Ninh Bình, mặc dù đến thời điểm này chưa ghi nhận trường hợp nào mắc vi rút Zika, nhưng UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Y tế tổ chức phát động chiến dịch vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết. Các địa phương cũng tiến hành ra quân diệt muỗi, loăng quăng, khơi thông cống rãnh, vệ sinh khu vực sinh sống…
Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cũng đã chỉ đạo các cơ sở y tế tuyến dưới thường xuyên nắm bắt thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn để chỉ đạo kịp thời, huy động tối đa mọi nguồn lực của địa phương tập trung cho công tác phòng, chống dịch. Đồng thời thường xuyên giám sát các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là các bệnh nguy hiểm, bệnh mới nổi như vi rút Zika, sốt xuất huyết, tay - chân - miệng, viêm màng não do não mô cầu... Cùng với đó, phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền các biện pháp phòng bệnh, đưa tin kịp thời các hoạt động triển khai phòng, chống dịch bệnh theo mùa trên địa bàn để người dân biết và chủ động tham gia.
Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Lê Hoàng Nam cũng cho rằng, mọi nỗ lực của Ngành Y tế, chính quyền địa phương đối với công tác phòng, chống các dịch bệnh lúc giao mùa là chưa đủ nếu thiếu sự tham gia tích cực của người dân. Vì vậy, để phòng bệnh, mỗi người cần thực hiện đầy đủ những khuyến cáo mà Ngành Y tế đưa ra. Cụ thể là thực hiện vệ sinh sạch sẽ môi trường sống, mặc đủ ấm, ăn chín, uống sôi, sử dụng nguồn nước sạch, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi ăn. Chú ý lựa chọn các loại thực phẩm bảo đảm đầy đủ dinh dưỡng nhằm nâng cao sức đề kháng cho cơ thể. Riêng đối với trẻ nhỏ, phụ huynh cần cho con tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch, tránh cho trẻ tiếp xúc với người ốm. Mọi người cần thường xuyên theo dõi sức khỏe, khi bị bệnh thì cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Người dân tuyệt đối không được tự ý mua thuốc để điều trị tại nhà, nhất là với thuốc kháng sinh.
Mỹ Hạnh