Bệnh LSĐ do virus LSĐ phương Nam gây ra và rầy lưng trắng là môi giới truyền bệnh. Về triệu chứng, điển hình là rễ kém phát triển, ngắn và sau đó chết, thân thấp lùn, lá xanh đậm hơn so với bình thường. Từ giai đoạn làm đòng và khi lúa có lóng, cây bị bệnh thường nảy chồi trên đốt thân và mọc nhiều rễ bất định. Trên bẹ và lóng thân xuất hiện nhiều u sáp và sọc đen. Khi bị bệnh nặng, cây lúa không trỗ bông được hoặc trỗ không thoát và hạt thường bị đen.
Bệnh LSĐ xuất hiện lần đầu tiên tại Ninh Bình và bùng phát thành dịch trong vụ mùa năm 2009. Liên tiếp trong hai năm 2009 và 2010, toàn tỉnh có trên dưới 4.000 ha lúa bị ảnh hưởng bởi bệnh này. Sau đó, nhờ sự vào cuộc tích cực, quyết liệt, tập trung phòng trừ bằng nhiều cách nên từ năm 2011-2016 bệnh chỉ xuất hiện rải rác, mức độ gây hại nhẹ, diện tích nhiễm bệnh chỉ từ 100-600 ha.
Tuy nhiên, chính vì nhiều năm không thấy bệnh xuất hiện đã hình thành tư tưởng chủ quan trong nhân dân, vấn đề xử lý giống, cây mạ trước khi cấy ít được quan tâm cộng với những diễn biến bất lợi về thời tiết, bệnh LSĐ đã bùng phát mạnh trở lại vào vụ mùa năm 2017. Toàn tỉnh khi ấy có tới gần 1.600 ha lúa bị nhiễm LSĐ, trong đó có những diện tích bị thiệt hại đến 70% năng suất.
Bà Vũ Thị Kim Dung, Phó trưởng phòng BVTV, Chi cục Trồng trọt & BVTV cho biết: Mặc dù trong mấy năm gần đây bệnh LSĐ đã được kiểm soát, không gây thiệt hại nghiêm trọng nhưng đây vẫn là loại bệnh nguy hiểm bậc nhất đối với cây lúa. Các địa phương và bà con nông dân tuyệt đối không nên lơ là, chủ quan trong công tác phòng, chống bệnh hại nguy hiểm này.
Đặc biệt, mới đây, qua kết quả điều tra, lấy mẫu lúa, rầy gửi đi giám định, Chi cục đã phát hiện có 21 mẫu dương tính với virus LSĐ (chiếm 8,6% số mẫu giám định). Xã có mẫu rầy dương tính với virus LSĐ là: Khánh Nhạc của huyện Yên Khánh và Yên Quang của huyện Nho Quan.
Trong thời gian tới, mật độ rầy lưng trắng mang virus tiếp tục tăng trên các trà lúa kết hợp với nguồn bệnh sẵn có trên đồng ruộng, nguy cơ gây hại của bệnh LSĐ ở vụ mùa 2021 này là rất lớn, nếu không có biện pháp phòng chống kịp thời bệnh sẽ lây lan và gây hại nặng ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất của vụ. Để hạn chế đến mức thấp nhất khả năng lây lan và gây hại của bệnh, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đề nghị: Các địa phương đẩy nhanh tiến độ làm đất, lấy đủ nước, phục vụ sản xuất kịp thời. Tập trung gieo cấy lúa mùa kết thúc trước ngày 20/7/2021.
Đối với diện tích lúa đã gieo cấy cần đảm bảo nước tưới dưỡng, bón thúc sớm, bón tập trung, cân đối để tạo điều kiện cho cây lúa khỏe, tăng cường khả năng chống chịu các đối tượng dịch hại. Đối với những vùng có mẫu rầy dương tính với virus gây bệnh LSĐ cần phải phun thuốc trừ rầy ngay để tiêu diệt nguồn rầy mang virus nhằm hạn chế lan truyền bệnh. Những vùng bị bệnh ở vụ trước hoặc có nguy cơ bị bệnh cao cần tiến hành phun trừ rầy môi giới khi lúa gieo sạ được 4-5 lá và trên mạ gieo trước khi đưa ra cấy từ 3 - 4 ngày, bằng một trong các loại thuốc nội hấp: Sutin 5EC, Penalty 40 WP, Chess 50WG, Midan 10WP, Cytoc 250WP…
Đối với ruộng lúa xuất hiện bệnh, phải tiến hành nhổ vùi cây bị bệnh và cấy dặm lại bằng cây lúa khỏe, phun thuốc trừ rầy kịp thời để hạn chế nguồn bệnh lây lan trên đồng ruộng. Nếu ruộng có trên 30% số dảnh lúa bị bệnh thì tiến hành tiêu hủy ngay cả ruộng bằng cách cày vùi diệt mầm bệnh; trước khi cày vùi phải phun thuốc trừ rầy lưng trắng để ngăn chặn nguồn bệnh phát tán sang ruộng khác.
Các Phòng Nông nghiệp và PTNT, Phòng Kinh tế; Trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố tăng cường cán bộ điều tra, giám sát biến động mật độ rầy trưởng thành lưng trắng di trú; thu mẫu rầy lưng trắng, mẫu lúa bị bệnh gửi về Chi cục Trồng trọt & BVTV tỉnh để giám định virus gây bệnh LSĐ; tham mưu kịp thời cho UBND các huyện, thành phố, chỉ đạo, hướng dẫn các xã, HTX và bà con nông dân các biện pháp phòng chống kịp thời, hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do dịch hại gây ra.
Bài, ảnh: Nguyễn Lựu