Tôm hùm đất hay còn gọi tôm hùm nước ngọt (tên khoa học Procambarus clarkii). Năm 2012, từng được Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I nuôi thử nghiệm tại tỉnh Phú Thọ.
Các nhà khoa học nhận thấy chúng rất nguy hiểm cho hệ sinh thái nên đã dừng lại và đề nghị không nhân giống phát triển. Tôm hùm đất nếu lọt ra ngoài môi trường như ốc bươu vàng hoàn toàn có thể gây ra cuộc tàn phá mới với nông nghiệp.
Chúng sống trong môi trường nước ngọt ấm, thở qua mang lông nên có thể sống được cả dưới nước, thậm chí bò lên cạn. Có khả năng chịu được khô hạn (có thể chịu được tình trạng khô hạn lên đến bốn tháng).
Bề ngoài loài tôm này nhìn giống như tôm hùm, toàn thân chúng có màu đỏ và nâu sẫm, vòng đời trung bình 5 năm. Kích thước trung bình từ 5,5-12 cm, trọng lượng hơn 50g, chỉ to bằng hai ngón tay.
Chúng có sức chống chịu và khả năng thích nghi rất tốt với môi trường, do có ngưỡng ôxy hòa tan tương đối thấp, ngưỡng nhiệt độ rộng từ 0 đến 38oC, chúng có thể sống trong môi trường ô nhiễm, thậm chí sống được cả trong cống rãnh.
Là loài sống bò dưới đáy, hoạt động về đêm, di chuyển nhanh dưới đáy ao hồ, sông suối, đặc biệt có hai càng to như càng cua, ưa đào hang, có thể đào sâu đến 2m nên là mối họa cho các công trình thủy lợi, công trình công cộng có nguy cơ phá hỏng hệ thống đê điều, hệ thống tưới tiêu nông nghiệp.
Chúng còn là vật chủ lây truyền, phát tán nhiều loại bệnh dịch ra môi trường, lan truyền virus gây bệnh đốm trắng, gây thiệt hại nặng nề trên tôm nuôi. Chúng ăn tạp, thiên về động vật, chúng ăn cả động vật sống lẫn động vật chết.
Với đôi càng màu đỏ to khỏe, chúng có thể cắt ngang thân lúa cứng, ăn tất cả loại búp cây non, tấn công các loài tôm, cá nhỏ. Loài tôm hùm này có hai càng to, rất hung dữ tấn công như cua biển.
Chính vì chúng rất hung hăng nên khi thoát ra ngoài môi trường tự nhiên, chúng sẽ tiêu diệt loài tôm bản địa để tranh giành thức ăn để đấu tranh sinh tồn. Những loài tôm cá đặc trưng của Việt Nam có thể biến mất khi tôm hùm đất xâm lấn.
Chu kỳ sinh sản nhanh, vào mùa sinh sản, chúng đào hang đẻ con giống như cua. Chúng sinh sôi nảy nở rất nhanh nên cạnh tranh nguồn thức ăn với sinh vật bản địa, nếu không đủ thức ăn chúng sẽ ăn sang hoa màu, tiêu diệt các loài tôm, cá nhỏ, làm biến dạng môi trường sống.
Điều này sẽ làm giảm sự đa dạng của các loài thực vật thủy sinh bậc cao, dẫn đến thay đổi chất lượng nước và đặc điểm trầm tích, tích lũy kim loại nặng. Chúng tương tác với các loài xâm lấn khác làm giảm các quần thể động vật không xương sống, động vật thân mềm và động vật lưỡng cư thông qua mối quan hệ ăn thịt và cạnh tranh.
Do đó, để bảo vệ môi trường và tránh tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp, bà con cần tích cực tham gia tuyên truyền, phổ biến về tác hại của tôm hùm đất cho người thân, không sử dụng làm thực phẩm, không nuôi, không kinh doanh hay phát tán loài tôm này ra ngoài môi trường.
Theo điều 246, Bộ luật Hình sự năm 2015, người nào nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại sẽ bị phạt tiền từ một trăm triệu đồng đến một tỷ đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm; hoặc phạt tù từ 3 đến 7 năm tùy mức độ phạm tội.
Khi phát hiện có tôm hùm đất xuất hiện trên địa bàn hoặc phát tán ra môi trường cần báo ngay cho cơ quan chức năng để có biện pháp khoanh vùng, cô lập và tiêu diệt tôm hùm đất theo quy định về đa dạng sinh học.
Đặc biệt, cần tăng cường tuyên truyền cho người dân hiểu rõ về đối tượng gây hại này, nguy cơ của nó đối với môi trường và sản xuất nông nghiệp. Những trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật theo Nghị định 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản và các văn bản pháp luật liên quan.
KS. Nguyễn Minh Huệ(Chi cục Thủy sản)