Mới đây, trường hợp bé trai V.P.L, 8 tuổi, ở huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai bất tỉnh trong tư thế treo lơ lửng trên tường nhà vệ sinh bằng áo thun. Nạn nhân được đưa đi cấp cứu, song không qua khỏi. Theo người thân của em, tối 21/11, bé L vào nhà vệ sinh để tắm. 30 phút sau, mẹ và anh trai không thấy bé trở ra, gọi vào thì không thấy trả lời.
Mọi người phá cửa xông vào thì phát hiện L trong tình trạng treo lơ lửng ở sát tường bằng áo thun màu xanh dương đang mặc, cổ áo treo trên móc treo quần áo trong nhà vệ sinh. Gia đình lập tức đưa em đi cấp cứu, nhưng các bác sĩ kết luận, em đã tử vong trước đó do bị ngạt, chết não, ngưng tim. Người thân cho biết, L. hay xem mấy clip trên YouTube và đã có hành động làm theo, để xảy ra vụ việc đau lòng....
Cuối tháng 10/2020, trường hợp một bé gái 12 tuổi, ở huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội đang học lớp 7 cũng được gia đình phát hiện tử vong trong tư thế treo cổ, bên cạnh là chiếc điện thoại em hay dùng. Kiểm tra điện thoại cho thấy, nạn nhân đã vào trang mạng nước ngoài xem video hướng dẫn tự tử rồi làm theo.
Cũng trong tháng 11/2020, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP Hồ Chí Minh tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân nam Đ.T.K, 8 tuổi, ở huyện Nhà Bè trong tình trạng hôn mê nặng. K được người nhà phát hiện khi dùng khăn quàng đỏ treo cổ trên dây phơi đồ, chân cách mặt đất 20cm, môi tím, hôn mê... Bệnh nhân này được đưa vào bệnh viện kịp thời, được các bác sĩ cho thở máy, chống phù não, dùng kháng sinh. Sau 7 ngày điều trị tích cực, sức khỏe K. mới qua cơn nguy kịch. Hỏi chuyện mới biết, K. xem clip và học theo trò "thắt cổ nhưng vẫn thở được" trên YouTube rồi làm theo.
Riêng trong tháng 11/2020, có 2 bệnh nhi học theo trò treo cổ trên mạng, được Bệnh viện Nhi đồng 2 cứu sống. Tuy nhiên, vào tháng 9/2020, tại Bệnh viện Nhi đồng 1, một bé gái đã không thể cứu được khi học theo trò treo cổ trên mạng...
Chị Trần Hương Anh, phường Nam Bình (thành phố Ninh Bình) chia sẻ: Tôi thực sự lo lắng khi thời gian qua, thông tin về tình trạng trẻ em học và làm theo các clip nguy hiểm, độc hại trên mạng xã hội và đã xảy ra những vụ việc đau lòng. Nhà tôi có 2 cháu trai, đều mới đang trên dưới 10 tuổi. Các cháu khi học xong bài cũng thường xuyên mượn điện thoại, ipat của bố, mẹ xem các video, clip trên mạng...
"Thực sự, các con xem chương trình, nội dung gì, ở kênh nào thì vợ, chồng tôi không để ý và không hề biết. Chỉ nghĩ, chắc là xem mấy các clip trên kênh YouTube hay Tik Tok vui vẻ, hài hước, vô thưởng vô phạt... Nay thấy những vụ việc như thế này, quả thật rất đáng sợ. Chắc chúng tôi phải ngay lập tức có biện pháp quản lý, giáo dục, hướng dẫn các cháu, nếu không rất dễ xảy ra những vụ việc không thể cứu vãn..." - chị Hương Anh lo ngại chia sẻ.
Cô giáo Đinh Thị Thanh Hằng, giáo viên tâm lý học, Trung tâm Thanh thiếu nhi tỉnh Ninh Bình cho biết: Môi trường mạng Internet luôn đa dạng các nguồn thông tin, trong đó đối với trẻ em, phần nhiều thông tin vừa không phù hợp lứa tuổi, vừa tiềm ẩn nguy cơ phạm pháp hoặc gây nguy hiểm mà trẻ dễ dàng học theo, đặc biệt bằng các video, clip qua mạng YouTube.
Trong đó, có hoạt động hướng dẫn trẻ lập tài khoản, dẫn dụ trẻ thực hiện vượt qua các thử thách, rồi khuyến khích, ép buộc hoặc kích động trẻ làm nhiều việc nguy hiểm... Những tai nạn, chấn thương, những cái chết đau lòng vừa qua đã gióng thêm hồi chuông cảnh báo về những hiểm họa khôn lường từ mạng xã hội, nhất là những clip trên kênh YouTube.
Trước thực tế đó, theo cô giáo Đinh Thị Thanh Hằng, rất cần thiết phải trang bị cho trẻ những kỹ năng sống. Mà kỹ năng sống không phải là những kiến thức xa vời, cứng nhắc, lạ lẫm nào đó, mà trái lại, những bài học về kỹ năng sống vẫn hiện hữu hàng ngày, hàng giờ, bao gồm nhận thức, hiểu biết, thái độ... Tứ đó tác động có mục đích, có kế hoạch đến học sinh, giúp các em có những kiến thức về cuộc sống, có hành vi ứng xử đúng mực trong các mối quan hệ xã hội, phát triển nhân cách đúng đắn, từ đó thích ứng tốt nhất với môi trường sống...
Hiện nay, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh tại các trường học là việc làm cần thiết và cấp bách, cần được coi là một trong những nội dung giáo dục quan trọng. Cô giáo Vũ Thị Tuyết Trinh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Lý Tự Trọng (thành phố Ninh Bình) cho biết: Nhà trường nhận thức rõ, cùng với giảng dạy văn hóa, rất cần thiết việc giáo dục kỹ năng sống cho các em. Hiện nhà trường đang áp dụng chương trình giáo dục kỹ năng sống do Công ty cổ phần kết nối trường học Việt Nam Poki chuyển giao.
Mỗi khối lớp được học theo 16 chủ đề, chủ điểm, tập trung vào các chủ đề: Kỹ năng hòa nhập và thích nghi; kỹ năng kết bạn; kỹ năng tự phục vụ, giữ gìn vệ sinh cơ thể; nghe và làm theo lời cha mẹ, thầy cô; vấn đề sử dụng thang máy, gọi điện thoại; việc sử dụng điện thoại và các thiết bị điện tử; ứng xử khi gặp người lạ... Đồng thời, tùy vào từng thời điểm cụ thể, nhà trường sẽ tổ chức các buổi ngoại khóa với quy mô lớn trong phạm vi toàn trường, giúp các em hình thành và có hiểu biết về các kỹ năng trong học tập và cuộc sống, phát triển toàn diện cả trí tuệ và thể chất.
Cũng theo cô giáo tâm lý học Đinh Thị Thanh Hằng, với việc phát triển mạnh mẽ của Internet như hiện nay, việc cấm hoàn toàn trẻ em dùng thiết bị công nghệ số là điều không nên, vì sẽ đi ngược lại với xu thế phát triển của thế giới. Hơn nữa, nếu biết cách, mạng xã hội còn rất tốt để phát huy tinh thần tự học cho trẻ.
Để không xảy ra những vụ việc đau lòng khi trẻ học làm theo những video độc hại và để trẻ dùng thiết bị công nghệ một cách an toàn, điều quan trọng là sự định hướng của phụ huynh. Cha mẹ cần đưa ra quy định thời gian dùng, hướng dẫn trẻ không vào, tránh khai thác những nội dung không phù hợp với lứa tuổi... Đồng thời, lựa chọn và đồng hành cùng con trong các trò chơi, hoạt động bổ ích ngoài trời, giảm thời gian vào mạng, hạn chế sở thích ham mê các thiết bị điện tử của trẻ...
Bài, ảnh: Hạnh Chi