Thời tiết mùa đông diễn biến thất thường, đặc biệt là những đợt lạnh kéo dài rất dễ xảy ra đột quỵ đối với người cao tuổi. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi đang có xu hướng tăng lên. Đòi hỏi mỗi người cần nắm bắt được tình hình sức khỏe của bản thân, không chủ quan dẫn đến nhập viện muộn, mất đi cơ hội cứu sống trong "giờ vàng".
Cảnh báo nguy cơ đột quỵ ở người trẻ
Chị Trần Thị Chi, 42 tuổi, xã Kim Mỹ (huyện Kim Sơn) có tiền sử cao huyết áp, nhập viện do đột quỵ não. Rất may, bệnh nhân được đưa đến bệnh viện cấp cứu kịp thời, vì vậy đã qua cơn nguy kịch, tình hình sức khỏe cải thiện dần.
Anh Nguyễn Văn Bảy, chồng bệnh nhân Trần Thị Chi cho biết: Buổi sáng, vợ tôi vào nhà tắm, bị ngã và liệt nửa người, méo miệng. Trước đó, vợ tôi bị cao huyết áp, nhưng nghĩ còn trẻ, khỏe nên chủ quan không uống thuốc đều đặn...
Đối với bệnh nhân Đinh Văn Phái, phường Ninh Phong (thành phố Ninh Bình), là trường hợp nam bệnh nhân mới gần 50 tuổi, được đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng đau ngực, khó chịu, người lơ mơ.
Người nhà cho biết, như thường lệ, vào các buổi sáng, bệnh nhân thường ra ngoài tập thể dục từ lúc 5h sáng. Mấy ngày trời chuyển rét đậm, nhiệt độ ngoài trời chỉ ở mức 10-12 độ C, ông Phái vẫn đi bộ như bình thường. Tuy nhiên, sau vài vòng đi bộ, ông Phái thở gấp, co giật chân tay rồi xỉu dần. Ông nhanh chóng được đưa vào bệnh viện cấp cứu kịp thời, hiện đã qua cơn nguy kịch, với chẩn đoán bị đột quỵ.
Bác sỹ Trương Thị Thùy Linh, Khoa Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình cho biết: Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não, thường xảy ra ở những bệnh nhân cao tuổi, khoảng từ 60 tuổi trở lên. Tuy nhiên, hiện nay, tỷ lệ bệnh nhân đang trẻ hóa và tăng dần qua các năm.
Bệnh nhân đột quỵ, tại Khoa Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Tại Khoa Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, mỗi tháng tiếp nhận khoảng 130 bệnh nhân, trong đó, độ tuổi từ 18 đến 55 chiếm 55%. Vào những ngày trời rét đậm, số bệnh nhân điều trị tại khoa tăng vọt, từ 150-200%. Đã có những trường hợp đáng tiếc xảy ra, nguyên nhân là do người trẻ tuổi thường có tâm lý chủ quan, không nhận diện rõ các dấu hiệu điển hình của đột quỵ. Hơn nữa, người trẻ thường bị đột quỵ nhiều hơn do bẩm sinh, do thói quen thiếu lành mạnh, dùng chất kích thích rượu, bia... Từ đó, nhiều người mất đi "giờ vàng" để phục hồi và để lại hệ lụy đáng tiếc về sức khỏe, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Theo các bác sĩ, đột quỵ còn được gọi là tai biến mạch máu não. Đây là tình trạng não bộ bị tổn thương nghiêm trọng do quá trình cấp máu não bị gián đoạn hoặc giảm đáng kể, khiến não bộ bị thiếu oxy, không đủ dinh dưỡng để nuôi các tế bào. Trong vòng vài phút, nếu không được cung cấp đủ máu, các tế bào não sẽ bắt đầu chết. Theo thống kê, bệnh nhân đột quỵ để lại di chứng nặng nề chiếm 90%, tỷ lệ tự phục vụ là 10%.
Do đó, người bị đột quỵ cần được cấp cứu ngay lập tức, thời gian càng kéo dài thì số lượng tế bào não chết càng nhiều, ảnh hưởng lớn tới khả năng vận động và tư duy của cơ thể, thậm chí là tử vong. Hầu hết những người sống sót sau cơn đột quỵ đều có sức khỏe suy yếu hoặc mắc các di chứng như tê liệt hoặc cử động yếu một phần cơ thể, rối loạn cảm xúc, thị giác suy giảm... Do vậy, mỗi người cần có những kiến thức cơ bản để phòng tránh đột quỵ cho bản thân và gia đình trong thời điểm thời tiết diễn biến phức tạp như quá nóng, quá lạnh, cơ thể không ổn định...
Hiện nay, tại các tỉnh miền Bắc đang ở mùa đông rét lạnh. Người cao tuổi sức đề kháng suy giảm, thường mắc các bệnh mãn tính, dễ xảy ra đột quỵ. Trong đó, nguyên nhân đột quỵ thường liên quan đến bệnh tăng huyết áp. Do vậy, trong mùa lạnh, người cao tuổi nên kiểm soát huyết áp thường xuyên và duy trì thuốc tăng huyết áp đều đặn hàng ngày, theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, tránh bỏ thuốc. Còn đối với những người trung và trẻ tuổi, căn bệnh này cũng rất nguy hiểm nếu mắc các bệnh về huyết áp, tim mạch, hoặc thường xuyên uống rượu bia, hút thuốc lá, tắm khuya, làm việc quá sức...
Cũng theo bác sĩ Trương Thị Thùy Linh, Khoa Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, những triệu chứng, biểu hiện rõ nhất của bệnh đột quỵ là: Đột ngột có cảm giác tê hay yếu liệt ở mặt, tay hoặc chân (các triệu chứng thường xảy ra ở một bên của cơ thể - nửa người); Đột ngột không nói được, giọng nói bị méo hoặc bệnh nhân bị nói nhảm, vô nghĩa, không hiểu được lời nói; Đột ngột mất thị lực, đặc biệt khi triệu chứng xuất hiện ở một bên mắt; Đột ngột đau đầu dữ dội; Chóng mặt, cơ thể bị mất thăng bằng hoặc không thể thực hiện vận động theo ý muốn…
Nếu người thân có bất cứ biểu hiện triệu chứng nào như trên, thậm chí không rõ ràng, ngay lập tức gọi cấp cứu 115, vận chuyển an toàn tới bệnh viện gần nhất tìm cơ hội điều trị trong giờ vàng để "cứu não". Còn đối với người trẻ, để giảm nguy cơ đột quỵ, cần khám sức khỏe định kỳ để tầm soát các yếu tố nguy cơ, nếu có cần điều trị sớm. Đồng thời, cần có cuộc sống, sinh hoạt khoa học, bỏ thuốc lá, bỏ rượu bia, không làm việc quá sức.... Hình thành thói quen sống lành mạnh, thường xuyên vận động, luyện tập nâng cao sức khỏe, kiểm tra sức khỏe định kỳ...
Để phòng ngừa cơn đột quỵ, nhất là khi có sự thay đổi đột ngột của thời tiết, bác sĩ Trương Thị Thùy Linh khuyến cáo những người có nguy cơ đột quỵ cao không nên tắm ngay sau khi vận động thể lực đổ mồ hôi nhiều. Vào mùa đông giá lạnh, nên ngủ trong phòng kín gió, đủ ấm. Buổi sáng thức dậy không nên ra khỏi chăn và xuống giường quá đột ngột, cần có vài động tác thể dục để cơ thể thích ứng với điều kiện bên ngoài. Không nên uống rượu nhiều khi trời lạnh, dễ dẫn tới tăng huyết áp và xảy ra tai biến mạch máu não...