Ông Nguyễn Văn Dương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Tổng diện tích rừng của tỉnh khoảng 27.445,8 ha; trong đó rừng tự nhiên có 23.374,9 ha, rừng trồng 4.065,9 ha, rừng sản xuất có 3.783,2 ha được phân bố chủ yếu ở các địa phương: Nho Quan, Gia Viễn, Hoa Lư, thành phố Tam Điệp. Ngoài ra còn có diện tích rừng thuộc Vườn Quốc gia Cúc Phương do Bộ Nông nghiệp & PTNT quản lý với diện tích khoảng 22.200 ha. Các vùng được xác định là trọng điểm, dễ xảy ra cháy rừng gồ các xã: Ninh Hải, Trường Yên, Ninh Xuân (Hoa Lư); Gia Hòa, Gia Sinh, Gia Hưng (Gia Viễn); Xích Thổ, Thạch Bình, Kỳ Phú, Cúc Phương, Phú Long, Quảng Lạc, Quỳnh Lưu, Phúc Lộc (Nho Quan) và Vườn Quốc gia Cúc Phương; Đông Sơn, Yên Sơn, Quang Sơn, phường Nam Sơn (thành phố Tam Điệp). Nắng nóng gay gắt khiến nhiệt độ những ngày qua trên địa bàn tỉnh luôn ở mức 39oC - 40oC, không chỉ gây khó khăn cho sinh hoạt, sản xuất của nhân dân mà còn gây nguy cơ cháy rừng luôn thường trực.
Mới đây, ngày 3/7/2018, UBND tỉnh Ninh Bình đã có công điện số 14/CĐ-UBND về việc tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) với tinh thần lấy "phòng" là chính và tập trung làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền; tăng cường kiểm tra, đôn đốc các chủ rừng nghiêm túc thực hiện công tác PCCCR; rà soát lại các phương án PCCCR, nhất là ở cơ sở.
Theo ông Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm: Trong những ngày qua, nắng nóng gay gắt; trong khi đó lá rụng, cành khô nhiều, thảm thực bì dày rất dễ bắt lửa, cảnh báo nguy cơ cháy rừng cao và khi đã cháy thì lớn và lan nhanh. Đã có 15 tỉnh trong cả nước, trong đó có Ninh Bình nằm ở cấp 5 nguy cơ cháy rừng cấp cực kỳ nguy hiểm.
Do vậy, các cấp ủy, chính quyền địa phương, chủ rừng và lực lượng kiểm lâm đã chủ động các phương án cụ thể theo phương châm "4 tại chỗ". Tại xã Yên Sơn (thành phố Tam Điệp) mỗi thôn có rừng thành lập 1 tổ đội quần chúng bảo vệ rừng gồm 25 người, cùng các dụng cụ chữa cháy thô sơ như: Dao, liềm. Các cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn, các hộ nhận khoán chủ động, sẵn sàng tham gia chữa cháy rừng khi có tình huống xảy ra theo kế hoạch đã hiệp đồng.
Xã cũng đã thành lập 2 tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng gồm 30 người, chuẩn bị 50 chiếc dao phát các loại. Khi cần thiết, đề nghị Hạt kiểm lâm Tam Điệp và Chi cục Kiểm lâm Ninh Bình hỗ trợ lực lượng và phương tiện ứng cứu như: Bình CO2 chữa cháy, máy bơm nước chữa cháy...
Cùng với đó, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh tới người dân, nhất là vấn đề không được mang lửa và các vật dụng dễ cháy vào rừng, không đốt ở gần rừng khi thu dọn trong quá trình sản xuất, đặc biệt là những hộ sinh sống, sản xuất ở ven rừng. Ở xã Gia Hòa (Gia Viễn) hiện có trên 2.280 ha đất lâm nghiệp, trong đó chủ yếu là rừng đặc dụng với diện tích 1.040 ha, còn lại là rừng phòng hộ với 85 ha.
Tuy diện tích rừng lớn, đa dạng, phong phú (rừng khoanh nuôi núi đá, rừng keo, rừng thông...) nhưng số hộ nhận trông coi rừng còn ít, địa hình phức tạp, hiểm trở nhiều cánh rừng có độ dốc cao, ở xa nguồn nước; kinh phí đầu tư cho trang thiết bị còn hạn chế, dụng cụ chữa cháy thô sơ chủ yếu là dao phát, cuốc xẻng...
Để nâng cao trách nhiệm của chủ rừng, Ban lâm nghiệp xã đã tổ chức các Trạm phòng, chống cháy rừng tại các thôn; chủ rừng cũng luôn trong tư thế trực sẵn sàng, thường xuyên kiểm tra, nắm bắt tình hình, phát hiện và ngăn chặn các hành vi có nguy cơ gây cháy rừng.
Để đối phó với nguy cơ cháy rừng, hiện nay việc kiểm soát lửa rừng chưa được chính quyền, các chủ rừng, người dân chưa quan tâm, tuân thủ đúng mức. Do đó các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát người không có phận sự vào rừng; triệt tiêu "mồi lửa" ngay từ cửa rừng mà nguyên nhân của mọi nguyên nhân gây cháy rừng là do người đưa lửa vào rừng, người đốt lửa trong rừng khi chưa được phép của lực lượng chức năng.
Đinh Chúc