Đã nhiều ngày trôi qua, nhưng nhiều hộ dân sống gần ngôi nhà số 38 đường Trương Hán Siêu, phường Phúc Thành (thành phố Ninh Bình) nơi xảy ra vụ cháy vào rạng sáng ngày 10/5/2018 vẫn chưa vơi nỗi sợ hãi. Bà Phạm Thị Bích, một hộ kinh doanh gần đó cho biết, sau khi vụ cháy xảy ra, bà và những người dân xung quanh đã nâng cao ý thức và tìm hiểu thêm nhiều kiến thức để phòng cháy nổ xảy ra trong gia đình. Theo đó, gia đình bà thường xuyên kiểm tra các thiết bị điện; không để vật dụng dễ cháy gần nguồn điện; khi đun nấu luôn canh lửa và khóa bình gas cẩn thận sau khi sử dụng xong.
Trực tiếp chỉ huy công tác chữa cháy tại ngôi nhà số 38, đường Trương Hán Siêu, Đại tá Đặng Văn Linh, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu hộ, cứu nạn- Công an tỉnh cho biết: Sau 30 phút tích cực triển khai các phương án chữa cháy của ngành chức năng, ngọn lửa được khống chế, dập tắt kịp thời nên không gây thương vong về người, tuy nhiên thiệt hại về tài sản thì khá nặng nề. Qua điều tra hiện trường phát hiện nguyên nhân gây cháy là do chập điện từ chiếc xe máy dựng ở tầng 1. Gia đình làm nghề và kinh doanh hàng mã, toàn bộ tầng một là nơi chứa và bán hàng mã, vì vậy, khi xảy ra cháy, hàng mã bén lửa nhanh thiêu rụi toàn bộ tầng 1, có 3 người trong gia đình bị mắc kẹt ở phòng tắm tầng 1 may mắn đã được lực lượng chức năng giải cứu kịp thời.
Vụ cháy tại ngôi nhà số 38, đường Trương Hán Siêu là một trong 6 vụ cháy ở khu dân cư kể từ đầu năm 2018 đến nay. Nguyên nhân của các vụ cháy chủ yếu là do chập điện, sự cố kỹ thuật, hàn cắt kim loại, sơ xuất trong sử dụng lửa… Mặc dù các vụ cháy đều được phát hiện và khống chế kịp thời nên không gây thiệt hại về người, nhưng đã thiệt hại lớn về tài sản. Qua các vụ cháy cho thấy, ý thức và kiến thức của người dân về công tác phòng ngừa nguy cơ cháy nổ còn nhiều hạn chế.
Theo Đại tá Đặng Văn Linh, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu hộ, cứu nạn- Công an tỉnh, hiện nay ở khu dân cư còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ do khu dân cư là nơi tập trung nhiều nhà liền kề, đặc biệt là có nhiều hộ sử dụng nhà ở để sản xuất, kinh doanh các vật liệu dễ gây cháy nổ. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay toàn tỉnh có khoảng 70 cơ sở thu mua phế liệu, 20 cơ sở tập kết phế liệu và nhiều cơ sở kinh doanh hàng mã nằm rải rác trong các khu dân cư. Qua các đợt kiểm tra của Phòng Cảnh sát PCCC và cứu hộ, cứu nạn, thì những cơ sở mua bán phế liệu đều có đặc điểm chung là tận dụng nơi ở của gia đình để làm bãi tập kết phế liệu. Tuy phế liệu được phân loại và chuyển đi trong ngày, song vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ. Bởi trong các loại phế liệu, có nhiều loại dễ gây cháy như gỗ, vải, sợi, thiết bị điện bị hỏng… trong khi đó, khuôn viên nhà ở chật chội, chỉ cần sơ suất một chút là có thể xảy ra các vụ cháy gây hậu quả khôn lường. Khi xảy ra sự cố cháy nổ trong các khu dân cư thì công tác chữa cháy của lực lượng chức năng gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân là do hiện nay, hệ thống đường giao thông vào các khu dân cư rất phức tạp, hầu hết là đường nhỏ và dài, lại bị các vật kiến trúc do người dân xây dựng tự phát cản trở nên phương tiện chữa cháy khó tiếp cận. Mặt khác, lực lượng PCCC tại chỗ, đặc biệt là tại các khu dân cư ở cách xa địa bàn trung tâm thành phố, thị trấn chưa được tập huấn nghiệp vụ thường xuyên; trang thiết bị chữa cháy còn thiếu…
Bởi vậy, với phương châm phòng là chính, thời gian qua, lực lượng PCCC đã tăng cường công tác tuyên truyền về PCCC xuống tận các khu dân cư. Theo đó, Phòng cảnh sát PCCC và cứu hộ, cứu nạn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng, Phòng PX15, Công an tỉnh đổi mới và đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền về công tác PCCC. Trong năm vừa qua, Phòng cảnh sát PCCC đã sử dụng xe chữa cháy tuyên truyền lưu động 24 ngày liên tục trong dịp Tết Nguyên đán. Trong ngày toàn dân PCCC, đã in ấn và cấp phát 2.500 bộ tranh tuyên truyền, khuyến cáo, cảnh báo về nguy cơ, thiệt hại do cháy nổ gây ra và hướng dẫn các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC đối với các hộ gia đình… vận động gần 3 nghìn cơ sở và các hộ kinh doanh các mặt hàng có tính chất nguy hiểm cháy nổ cao ký cam kết đảm bảo an toàn PCCC trong dịp Tết Nguyên đán và Tháng cao điểm về đảm bảo an toàn PCCC. Phòng cũng mở 137 lớp huấn luyện nghiệp vụ về PCCC và cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng PCCC cơ sở, dân phòng và chuyên ngành với trên 7 nghìn lượt người tham gia… Đặc biệt, đối với các cơ sở thu mua phế liệu và kinh doanh vàng mã, Phòng cảnh sát PCCC và cứu hộ, cứu nạn đã thường xuyên đến vận động và hướng dẫn các cơ sở về công tác đảm bảo an toàn, phòng chống cháy nổ.
Bên cạnh công tác tuyên truyền, trong năm 2017, Phòng cảnh sát PCCC và cứu hộ, cứu nạn cũng tích cực tham gia Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh về công tác PCCC trước, trong và sau Tết Nguyên đán; phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh kiểm tra 6 chuyên đề, chuyên ngành trọng điểm như: chợ, trung tâm thương mại; cơ sở vật liệu nổ công nghiệp; xăng dầu, cơ sở kinh doanh khí đốt hóa lỏng; nhà cao tầng…. Qua các đợt kiểm tra, ngành chức năng đã lập 55 biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC và xử lý đối với 55 trường hợp, trong đó phạt tiền 53 trường hợp, quyết định tạm đình chỉnh hoạt động với 1 cơ sở kinh doanh karaoke.
Đào Hằng