Từ tháng 1/2019 đến ngày 30/6/2019, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình xuất hiện 40 ca mắc bệnh sởi, rải rác ở hầu khắp các huyện, thành phố trong tỉnh. Riêng trong tháng 6/2019, toàn tỉnh ghi nhận 20 trường hợp nghi mắc bệnh sởi. So với cùng kỳ, số ca mắc sởi tăng gấp 10 lần (6 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn tỉnh chỉ xuất hiện 4 ca bệnh sởi).
Tổng số trường hợp mắc được chẩn đoán xác định dương tính với bệnh sởi là 40 trường hợp, không có trường hợp nào tử vong. ở tất cả các địa phương đều đã xuất hiện bệnh nhân sởi, trong đó, nhiều nhất là thành phố Ninh Bình với 9 trường hợp, tiếp đến là huyện Yên Khánh và Kim Sơn, mỗi huyện 7 trường hợp, Nho Quan và thành phố Tam Điệp 6 trường hợp...
Hầu hết bệnh nhân mắc do chưa đến độ tuổi tiêm phòng sởi hoặc không tiêm phòng vắc xin sởi, chỉ có 1 trường hợp tại xã Yên Lộc (Kim Sơn), bệnh nhân đã tiêm 2 mũi vắc xin phòng bệnh sởi nhưng vẫn mắc bệnh. Như vậy cho thấy, tiêm phòng vắc xin có vai trò quan trọng trong việc phòng, chống các bệnh truyền nhiễm như sởi, quai bị, ho gà, cúm các loại...
Theo các bác sĩ, bệnh sởi thường xuất hiện ở trẻ nhỏ, là đối tượng có miễn dịch kém, đặc biệt những trẻ không được tiêm phòng vắc xin phòng sởi hoặc những trẻ được sinh ra ở những bà mẹ chưa có miễn dịch với sởi trước đó. Do hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu với sởi nên việc điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng và các biến chứng do sởi.
Để phòng bệnh sởi, các bác sĩ khuyến cáo cách phòng bệnh hữu hiệu nhất là tiêm vắc xin sởi, nhất là với trẻ em, phụ nữ chuẩn bị mang thai. Với những bệnh nhân đã mắc bệnh, cần cách ly để bệnh không lây lan ra cộng đồng bằng cách đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với người bệnh.
Hạnh Chi