Lâu nay, mỗi khi ốm, mệt với các triệu chứng đơn giản như: sốt, đau đầu, đau bụng…nhiều người vẫn có thói quen tìm đến các hiệu thuốc để mua thuốc về điều trị hơn là tìm đến các cơ sở y tế để được bác sỹ tư vấn, khám và điều trị kịp thời. Thói quen này lâu nay vẫn được nhiều người duy trì, xem đó là việc hết sức bình thường mặc dù trong tay có sẵn chiếc thẻ bảo hiểm y tế…
Có mặt tại một hiệu thuốc gần nhà, tôi được chứng kiến vô số các tình huống người dân khi có bệnh tìm đến mua thuốc về tự điều trị. Chỉ trong khoảng một tiếng đồng hồ, người bệnh đến mua thuốc vô cùng đa dạng: Nào là con trẻ ở nhà bị sốt, ho, viêm họng- ra mua thuốc về theo sự tư vấn của người bán thuốc; Bị đau xương, khớp, cũng tìm hiệu thuốc để hỏi tên thuốc về điều trị; Bụng đau, đi ngoài, tìm luôn người bán thuốc… Một lần vào làm việc tại Bệnh viện đa khoa huyện Yên Khánh, chúng tôi gặp nhiều trường hợp bệnh nhi đến điều trị sau khi đã tự điều trị ở nhà không khỏi. Chị Tạ Thị Thoa (xã Khánh Thiện) là mẹ của bệnh nhi Hoàng Yến Nhi, 15 tháng tuổi đang điều trị ở Khoa Cấp cứu cho biết: Con gái bị tiêu chảy, gia đình tôi đã mua thuốc về cho con uống nhưng tình trạng tiêu chảy của cháu không chấm dứt mà vẫn kéo dài. Thấy điều trị ở nhà không khỏi, vợ chồng tôi vội đưa con vào viện. Theo bác sỹ cho biết, để con tiêu chảy kéo dài dẫn đến mất nước, nguy hiểm đến tính mạng… Trong rất nhiều người đến mua thuốc về điều trị, qua tìm hiểu được biết phần lớn trong số họ đều có thẻ bảo hiểm y tế. Con cái của họ cũng đều có thẻ bảo hiểm y tế học sinh. Nhưng lý do để họ không tìm đến các cơ sở y tế khi có dấu hiệu bệnh tật mà lại đến các hiệu thuốc lại từ lý do rất đơn giản: ốm đau như cảm cúm, sốt, đau bụng…diễn ra thường xuyên, nếu lần nào cũng đi viện sẽ rất mất thời gian. Do đó, hiệu thuốc là giải pháp hữu hiệu để đáp ứng nhu cầu cần được chữa bệnh. Với nhiều người, mặc dù biết rằng ra hiệu thuốc là tốn tiền, là lãng phí chiếc thẻ bảo hiểm y tế đã mua nhưng tiện lợi hơn nhiều nếu vào viện. Người có bệnh luôn có lý do để không muốn tìm đến bác sỹ, người có chuyên môn trong khám, chữa bệnh. Còn ở các hiệu thuốc, việc tự kê đơn, tư vấn được xem như chuyện "thường ngày ở huyện" của người bán thuốc. Thử tìm hiểu về người mặc blue trắng đứng bán thuốc, tôi cũng yêu cầu mua thuốc điều trị đau dạ dày. Chỉ sau một câu hỏi "có đau dạ dày thật không?", người bán thuốc đã kê ngay vài loại thuốc thành một đơn thuốc điều trị dạ dày hoàn chỉnh cho tôi. Theo tìm hiểu, rất nhiều hiệu thuốc hiện nay rất "sính" điều trị bệnh theo liều. Nghĩa là, khi người bệnh đến yêu cầu được mua thuốc để điều trị bệnh nào đó, sẽ được tư vấn nên sử dụng thuốc liều, tức là nhiều loại thuốc kết hợp để tăng hiệu quả điều trị. Đã có trường hợp qua kiểm tra của ngành y tế, phát hiện có nhà thuốc vẫn lưu giữ nhiều loại thuốc để bán theo liều nhưng đã hết hạn sử dụng. Mua thuốc về điều trị tại nhà, điều mà bất kỳ ai cũng mong muốn là bản thân, người thân mau khỏi bệnh.
Tuy nhiên, không phải ai cũng điều trị khỏi như mong muốn. Ngay tại bệnh viện Sản- Nhi tỉnh, các bác sỹ điều trị tại khoa Nhi cho biết, có nhiều trường hợp trẻ được đưa vào viện cấp cứu, điều trị trong trường hợp đã điều trị ở nhà nhưng không khỏi nên gia đình mới đưa vào viện. Nhiều trường hợp vì lý do điều trị tại nhà mà bệnh nặng lên, gây khó khăn cho quá trình điều trị của bác sỹ. Vừa qua, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Sản- Nhi tỉnh đã cấp cứu trường hợp bé Hoàng Văn Quảng, mới 11 tháng tuổi ở xã Khánh Thành (Yên Khánh) bị tiêu chảy do người nhà tự ý mua thuốc về điều trị tại nhà. Theo người nhà của bé, thấy con bị nôn, sốt, đi ngoài nhiều lần, gia đình đã tự đi mua thuốc cầm tiêu chảy có tên Loperamind về cho con uống. Uống thuốc vào, tình trạng bệnh của cháu không những khỏi mà ngày càng nặng. Khi được đưa vào viện, cháu bé đã trong tình trạng nguy kịch: sốt 40o li bì, trụy mạch do mất nước nặng, không đo được huyết áp, không bắt được mạch, thở yếu… Sau 2 tiếng hồi sức tích cực, bệnh nhi đã qua được cơn nguy kịch. Theo bác sỹ Hoàng Thị Thanh, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Sản- Nhi tỉnh: Việc tự ý dùng thuốc cho trẻ khi chưa tham khảo ý kiến của bác sỹ lâu dần có thể trở thành sự lạm dụng thuốc một cách tự ý, dẫn đến tác hại không thể lường hết cho trẻ. Do đó, các gia đình có con nhỏ nên tuân thủ hướng dẫn sử dụng thuốc của bác sĩ, nhất là việc định liều thuốc sử dụng hợp lý nhằm mang lại hiệu quả và sự an toàn tuyệt đối trong suốt thời gian trị bệnh cho trẻ.
Lý Nhân