Nhận thấy rõ ý nghĩa quan trọng của việc tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 sẽ là yếu tố quan trọng để Nhà nước ta tiếp tục lãnh đạo thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền quốc gia dân tộc... nên càng gần đến ngày bầu cử, các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội, phản động càng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền chống phá cuộc bầu cử.
Thủ đoạn của các thế lực thù địch là sử dụng các phương tiện truyền thông như đài báo tự do, internet và các trang xã hội... với mục đích nhằm xuyên tạc, bóp méo sự thật, làm nhiễu loạn thông tin, gây sự hiểu lầm, hoang mang trong dư luận và sự hoài nghi trong nhân dân, làm xói mòn lòng tin của nhân dân với Đảng, hướng tới phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, phá hoại cuộc bầu cử.
Các thế lực thù địch tuyên truyền rất nhiều những nội dung phản động như ở Việt Nam không hề có dân chủ trong bầu cử, ứng cử, có chăng chỉ là hình thức, vì với cơ chế "Đảng cử, dân bầu" thì không thể dân chủ được, rằng "Quốc hội qua các nhiệm kỳ chưa làm tròn chức trách là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước, phần lớn đại biểu chỉ là cơ cấu để bấm nút bỏ phiếu, chưa thể hiện được tiếng nói và nguyện vọng của đông đảo quần chúng nhân dân".
Chúng cho rằng "cuộc bầu cử không có gì mới so với trước đây", "cuộc bầu cử chỉ do Đảng độc diễn, người dân không có vai trò gì", "Đảng phân biệt đối xử với người tự ứng cử". Mặt khác, các thế lực thù địch cũng bịa đặt, vu cáo, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cán bộ đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là những người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, từ đó hạ thấp uy tín, vai trò của các đại biểu, kích động nhân dân không tham gia bầu cử.
Mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân phải hết sức cảnh giác, tỉnh táo trước những âm mưu, thủ đoạn chống phá hết sức thâm độc, xảo quyệt của các thế lực thù địch đối với cuộc bầu cử. Mỗi người phải không ngừng nâng cao nhận thức, nắm vững chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Phải khẳng định rằng, nước ta là nước dân chủ, mọi quyền hành, lực lượng đều ở nơi dân, tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân.
Trải qua 13 khóa bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, nguyên tắc dân chủ trong bầu cử của nhà nước ta được thực hiện rộng rãi, ngày càng đầy đủ và chặt chẽ hơn. Tính dân chủ ở đây là dân chủ cho tuyệt đại đa số nhân dân. Trong cơ cấu thành phần của Quốc hội và HĐND các cấp không chỉ có các đồng chí lãnh đạo, đảng viên mà còn có người ngoài Đảng, có đại biểu là người dân tộc thiểu số, đại biểu thanh niên, phụ nữ, trí thức và doanh nghiệp... Ngoài những đại biểu do MTTQ hiệp thương giới thiệu còn có không ít người tự ứng cử...
Các cơ quan thông tin, truyền thông cũng cần tăng cường tuyên truyền, cung cấp những thông tin chính thống, nhất là những thông tin về Luật Bầu cử, về thành tựu trong phát triển kinh tế-xã hội, trong xây dựng hệ thống chính trị, thông tin về tiểu sử và chương trình hành động của các ứng cử viên... mặt khác cũng kịp thời nhận diện và đưa ra ánh sáng âm mưu, thủ đoạn lợi dụng dân chủ, nhân quyền để chống phá Đảng, Nhà nước ta, chống phá cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
Đỗ Bằng