Làm sao để đám cưới thực sự là ngày vui, tràn đầy hạnh phúc, phù hợp với điều kiện gia đình. Chúng tôi đa có cuộc trò chuyện với đồng chí Nguyễn Phúc Khôi, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy viên thường trực Ban chỉ đạo cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tỉnh", nhằm đánh giá những mặt được và chưa được xung quanh việc tổ chức đám cưới trên địa bàn tỉnh thời gian qua.
Phóng viên (P.V): Thưa đồng chí, cuộc vận động thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội đến nay đã qua 10 năm thực hiện. Đồng chí đánh giá thế nào về những chuyển biến, đặc biệt là trong việc cưới?
Đồng chí Nguyễn Phúc Khôi (Đ/c N.P.K): Qua gần 10 năm thực hiện ở Ninh Bình đã có bước chuyển biến tích cực. Việc cưới ở hầu hết các địa phương trong tỉnh đều được các gia đình tổ chức trang trọng, vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm, chấp hành Luật Hôn nhân và Gia đình. Nội dung thực hiện việc cưới, việc tang, lễ hội quy định trong quy ước, hương ước đã từng bước đi vào cuộc sống. Nghi lễ cưới hỏi được duy trì theo nghi lễ truyền thống, nhưng đã được rút gọn, không rườm rà. Lễ cưới được tổ chức đơn giản, gọn nhẹ nhưng trang trọng. Tình trạng làm cỗ linh đình, mời ăn cỗ tràn lan đã được hạn chế, không kéo dài nhiều ngày. Có nơi việc ăn uống trong đám cưới chỉ giới hạn trong phạm vi gia đình, nội tộc và bạn bè thân thiết. Hầu hết gia đình cán bộ, đảng viên đã gương mẫu thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới.Một nét mới trong nghi thức cưới ở một số địa phương là cam kết không dùng thuốc lá; không gây ồn ào, mất trật tự, không tổ chức quá khuya ảnh hưởng đến người xung quanh. Trước khi tổ chức lễ cưới đã có những cô dâu, chú rể và họ hàng hai bên đến đặt hoa tại Đài tưởng niệm liệt sỹ. Đặc biệt từ khi Quyết định số 308/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực, một số địa phương đã phát huy vai trò của chính quyền, Đoàn thanh niên và các tổ chức đoàn thể quần chúng cùng với gia đình tổ chức lễ cưới theo nếp sống mới tại UBND xã, phường, thị trấn, tại nhà văn hóa thôn, bản, khu phố. Một số bạn trẻ lựa chọn trang phục truyền thống, không mua sắm, sử dụng các dịch vụ cưới, hỏi xa hoa, lãng phí. Tình trạng sử dụng xe công trong cưới, hỏi về cơ bản đã chấm dứt.
P.V: Bên cạnh những kết quả đã đạt được, đồng chí thấy việc tổ chức lễ cưới như hiện nay còn có những vấn đề gì cần phải tiếp tục chỉ đạo, vận động?
Đ/c N.P.K: Bên cạnh những chuyển biến tích cực trên, trong việc cưới vẫn còn một số vấn đề cần phải tiếp tục quan tâm, chỉ đạo vận động. Như việc lấy tổ chức cỗ bàn để "trả nợ miệng" còn diễn ra ở nhiều địa phương, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa. ở một vài nơi, hiện tượng "phục cổ" đang có nguy cơ trỗi dậy: Thách cưới, đòi hỏi của hồi môn, lễ nghi thủ tục rườm rà, mê tín dị đoan (đổi tuổi, cưới âm, cắt duyên âm, rước dâu hai lần...). Hiện tượng "thương mại hóa" trong việc cưới đang có xu hướng gia tăng, ở một số gia đình cán bộ, công chức và một số gia đình kinh doanh buôn bán, kinh tế khá giả vẫn còn hiện tượng mời dự đám cưới tràn lan; lợi dụng việc cưới để mưu cầu lợi ích riêng. Một bộ phận thanh niên còn có nhận thức chưa tiến bộ, vẫn xác định việc cưới là lớn, cả đời chỉ cưới một lần nên phải tổ chức "thật to, thật hoành tráng",đua đòi theo kiểu "tức nhau tiếng gáy", làm ảnh hưởng tâm lý chung trong tầng lớp thanh niên, trong cộng đồng. Tình trạng uống rượu say trong tiệc cưới, mở nhạc quá khuya, gây ồn ào, mất trật tự ở khu dân cư vẫn còn diễn ra, nhất là ở khu vực nông thôn. Ở một số khu phố, khu vực đô thị còn làm rạp cưới quá to, xuất hiện tình trạng chiếm dụng lòng đường để dựng rạp cưới gây cản trở giao thông, làm mất mỹ quan đô thị mà chưa được chấn chỉnh. Vẫn còn có đám cưới, nhân tiện lâu ngày gặp nhau để đêm khuya "sát phạt" bằng tổ tôm, đánh bài ăn tiền...
P.V: Thực tế cho thấy, nhiều địa phương đã thực hiện khá tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, nhưng cũng có nơi còn "thả nổi". Vậy vai trò của cấp ủy, chính quyền và đoàn thể trong cuộc vận động này được thể hiện như thế nào?
Đ/c N.P.K: Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới là công việc của toàn xã hội, đặc biệt là công tác chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền ở địa phương, cơ sở, thôn, bản, phố phường... trong đó Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" cần tiếp tục phối hợp với các đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của cán bộ và nhân dân trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Phối hợp với cơ quan thông tấn báo chí ở tỉnh cũng như đài truyền thanh các huyện, thành phố, thị xã xây dựng chuyên trang, chuyên mục về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.
Ban chỉ đạo xây dựng nếp sống văn hóa của địa phương, cơ sở cần lồng ghép nội dung của Quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội vào phong trào xây dựng Gia đình văn hóa, làng, khu phố, cơ quan, đơn vị, trường học văn hóa. Quy định cụ thể việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội để làm căn cứ đánh giá, công nhận các danh hiệu gia đình văn hóa, làng, khu phố, cơ quan, đơn vị trường học văn hóa là một tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá thi đua, khen thưởng các cá nhân, tập thể hàng năm. Kịp thời biểu dương những cơ quan, đơn vị và cá nhân chấp hành tốt; phê phán những cán bộ, công chức, viên chức vi phạm. Tiếp tục xây dựng và giới thiệu các mô hình tổ chức việc cưới, việc tang, lễ hội văn minh, tiết kiệm để mọi người học tập và thực hiện. Ban chỉ đạo xây dựng đời sống văn hóa của tỉnh cần tham mưu với UBND tỉnh sớm bổ sung, sửa đổi một số điểm cho phù hợp với thực tế cuộc sống về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội trong Quy định 498/QĐ-UB, làm cơ sở cho các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện. Đồng thời kiện toàn lại Ban chỉ đạo phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" của tỉnh nhằm tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng của phong trào.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí.
Trang Nhung
(Thực hiện)