Theo Kế hoạch số 124-KH/TU ngày 19-9-2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Đại hội chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở bắt đầu từ tháng 1, hoàn thành trong tháng 3-2015; Đại hội Đảng bộ, chi bộ cơ sở bắt đầu từ tháng 4, hoàn thành trong tháng 6-2015; Đại hội cấp huyện hoàn thành trong tháng 8-2015 và Đại hội cấp tỉnh dự kiến hoàn thành từ 20-9 đến 10-10 năm 2015
Đại hội Đảng các cấp sẽ tiến hành các nội dung: Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2010-2015 và xác định mục tiêu, phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ 2015-2020. Thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng bộ cấp trên trực tiếp. Bầu ban chấp hành nhiệm kỳ 2015-2020 và bầu đoàn đại biểu dự Đại hội Đảng bộ cấp trên.
Để tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 36-CT/T.Ư ngày 30-5-2014 về "Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng"; Tỉnh ủy có Kế hoạch số 124-KH/TU về "Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015-2020". Các cấp ủy Đảng cần triển khai thực hiện tốt các nội dung công việc chuẩn bị cho Đại hội, trong đó tập trung vào một số nội dung quan trọng như: Chuẩn bị văn kiện trình Đại hội và tổ chức thảo luận các dự thảo văn kiện; tập trung giải quyết những vấn đề tồn đọng, bức xúc mà cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm; chuẩn bị tốt công tác nhân sự và bầu cử cấp ủy. Báo cáo chính trị phải đánh giá đúng tình hình, ưu điểm, khuyết điểm và nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan; gắn kiểm điểm việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị với việc thực hiện Điều lệ Đảng, các Nghị quyết của Trung ương, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng và việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng bộ trong nhiệm kỳ tới. Báo cáo kiểm điểm của cấp ủy cần đề cao tinh thần tự phê bình và phê bình với thái độ nghiêm túc, thẳng thắn; đánh giá đúng mức kết quả lãnh đạo trong nhiệm kỳ, chỉ rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan đối với những yếu kém, khuyết điểm và đề ra lộ trình, biện pháp khắc phục.
Đối với việc giải quyết những vấn đề tồn đọng, bức xúc, cần chú ý: những nơi có tình hình phức tạp, nội bộ mất đoàn kết hoặc cán bộ chủ chốt có dấu hiệu sai phạm, có đơn thư khiếu nại, tố cáo (có tên), cấp ủy cấp trên trực tiếp tập trung chỉ đạo, có kế hoạch cụ thể để xem xét, kiểm tra, kết luận giải quyết trước khi tiến hành Đại hội, không để xảy ra phức tạp, khiếu kiện đông người, vượt cấp.
Đối với công tác chuẩn bị nhân sự, việc giới thiệu nhân sự cấp ủy nói chung phải căn cứ vào quy hoạch cán bộ, đồng thời chú trọng phát hiện, giới thiệu những nhân tố mới có đức, có tài, có triển vọng phát triển về lãnh đạo, quản lý, nhất là cán bộ trẻ tuổi, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số để bầu tham gia cấp ủy. Các nhân sự bầu vào cấp ủy phải là những người đảm bảo các tiêu chuẩn: Tuyệt đối trung thành với mục đích, lý tưởng cách mạng của Đảng, có tinh thần yêu nước sâu sắc, tận tụy phục vụ nhân dân, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; phấn đấu thực hiện có kết quả đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; trung thực, không cơ hội; gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân tín nhiệm. Có trình độ hiểu biết về lý luận chính trị, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có trình độ chuyên môn, đủ nắng lực để làm việc có hiệu quả, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Đỗ Bằng