Từ tháng 1-2016, Xí nghiệp đã dừng khai thác tại địa điểm trên. Điều khiến chính quyền và nhân dân trong xã lo lắng là nguy cơ mất an toàn cho người khi lòng hồ than chưa được hoàn nguyên.
Sinh sống tại thôn Bãi Sải, xã Quang Sơn từ nhiều đời nay, gia đình ông Nguyễn Sinh Khẩn rất quen thuộc với mỏ than nâu hay còn gọi là hồ than.
Ông Khẩn cho biết, hồ than có từ rất lâu rồi, với chiều sâu 30m. Mỏ than này đã từng được khai thác từ thời Pháp, nhưng sau đó dừng lại cho đến năm 2009, Xí nghiệp Khai thác than Ninh Bình đã được cấp giấy phép khai thác. Trong quá trình khai thác, đơn vị đã thực hiện khá tốt việc đảm bảo môi trường và an toàn cho nhân dân trong khu vực.
Tuy nhiên, điều làm ông Khẩn và hơn 30 hộ dân sống ở ven hồ lo lắng chính là từ khi đơn vị này dừng khai thác từ đầu năm 2016, độ sâu của hồ đã xuống gần 100m. Trong quá trình khai thác, nước trong hồ luôn được bơm cạn, vậy nhưng từ khi xí nghiệp dừng khai thác, nước vào hồ đầy nên có nhiều nguy hiểm đối với người và gia súc, gia cầm.
Chưa kể, xung quanh hồ không có tường rào che chắn mà chỉ có cỏ mọc um tùm. Vì vậy càng giống cái "bẫy" đối với người và gia súc.
"Nếu trâu bò ăn cỏ ở gần đó thì rất dễ bị sa xuống hồ. Chưa hết, mùa hè vừa rồi, các cháu học sinh đã xuống hồ tắm. May được người lớn phát hiện kịp thời nên chưa xảy ra hậu quả đáng tiếc" - ông Nguyễn Sinh Khẩn nói
Chung nỗi niềm như ông Khẩn, bà Trần Thị Hà, Trưởng thôn Tân Nhuận cho biết, để khai thác than dưới lòng hồ, đơn vị khai thác đã phải đào một lượng đất rất lớn đổ lên bãi thải gần đó chất cao thành núi. Đến nay, bãi thải này cao hơn 50m so với mặt đất.
Từ khi khai thác đến nay, Xí nghiệp thường xuyên bán đất thải ra bên ngoài. Mỗi ngày có hàng chục xe ô tô tải đến chở đất từ bãi thải ra ngoài, gây bụi, nguy hiểm cho học sinh đến trường. Mùa nắng thì bụi, mùa mưa thì nguy cơ sạt lở lớn bởi khi lấy đất, các đơn vị không thực hiện cắt tầng.
"Trong mùa mưa bão vừa qua, nhiều gia đình sống xung quanh bãi thải đều phải di dời để tránh nguy cơ sạt lở đất. Việc phải di dời, ảnh hưởng đến sinh hoạt của các gia đình"- bà Hà nói.
Ông Vũ Công Minh, Chủ tịch UBND xã Quang Sơn cho biết: Mỏ than nâu này có trữ lượng trên 383 nghìn tấn, công suất khai thác 50 nghìn tấn/năm, sản phẩm khai thác là than nâu, phương pháp khai thác lộ thiên, độ sâu khai thác -30m, thời gian khai thác là 8 năm (từ tháng 5-2009 đến tháng 5-2017).
Được biết, ngay từ năm 2012, Sở Tài Nguyên và Môi trường cũng đã có Quyết định số 92/QĐ-STNMT về việc phê duyệt Dự án cải tạo, phục hồi môi trường của Dự án "Đầu tư xây dựng công trình khai thác mỏ than nâu Đồng Giao" tại xã Quang Sơn.
Theo quyết định phê duyệt Dự án này, thì chủ đầu tư sẽ lựa chọn phương án cải tạo, phục hồi môi trường như: Sau khi kết thúc khai thác, tiến hành tháo dỡ các hạng mục công trình phục vụ khai thác; san gạt tạo mặt bằng, bổ sung đất màu, phủ xanh bằng cây lâm nghiệp và trồng cỏ… sau khi thực hiện các biện pháp cải tạo, môi trường được phục hồi thì sẽ hoàn thiện thủ tục bàn giao diện tích đất cho địa phương quản lý theo quy định của pháp luật.
Đến nay, theo thời hạn của giấy phép thì chưa hết thời hạn khai thác, tuy nhiên, trên thực tế từ đầu năm 2016, Xí nghiệp đã dừng hoạt động khai thác. Mỏ than nâu Đồng Giao hiện bị bỏ không, nước đã tràn nhiều vào lòng hồ có độ sâu đến gần 100m.
Từ đây, xuất hiện nhiều nguy cơ, rủi ro gây ảnh hưởng đến đời sống người dân xung quanh. Chính quyền và người dân sống xung quanh hồ Đồng Giao đề nghị doanh nghiệp sớm thực hiện dự án cải tạo, phục hồi nguyên trạng môi trường. Trong lúc chờ hoàn nguyên, doanh nghiệp cần có người bảo vệ và lập tường rào bảo vệ xung quanh để đảm bảo an toàn trong sinh hoạt cho bà con sinh sống gần hồ, gồm thôn Tân Nhuận và thôn Bãi Sải.
Bài, ảnh: Nguyễn Hùng