Lạm dụng phân bón hóa học Phân bón là thức ăn của cây trồng, nguồn dinh dưỡng chủ yếu cho cây phát triển. Theo đánh giá của Viện Dinh dưỡng cây trồng quốc tế (IPNI), phân bón đóng góp khoảng 30-35% tổng sản lượng cây trồng. Cho thấy vai trò to lớn của phân bón đến năng suất, sản lượng quốc gia và thu nhập của nông dân. Tuy nhiên, có một thực tế đáng lo ngại hiện nay là phần lớn nông dân đang dần mất đi thói quen sử dụng các loại phân bón hữu cơ có nguồn gốc động, thực vật và thay thế bằng việc sử dụng phân vô cơ được tổng hợp từ các loại hóa chất hoặc khoáng chất phân rã do ưu điểm nhanh, tiện lợi.
Thời điểm thu hoạch lúa đông xuân, thay vì cày dầm gốc rạ, mang rơm về làm chất đốt, hay chất độn chuồng trong chăn nuôi…, người nông dân đốt rơm rạ khói mù mịt ngay trên những cánh đồng; thay vì bón phân chuồng đã ủ để dưỡng đất nuôi cây thì người dân lại lựa chọn các loại phân bón hóa học bởi tác dụng nhanh, rõ rệt mà lại đỡ tốn công. Ông Trịnh Văn Bình, xóm Hoàng Long, xã Trường Yên (Hoa Lư) cho biết: "Trước đây, mỗi vụ gia đình cũng có vài xe phân chuồng để bón lót nhưng giờ không chăn nuôi nữa nên chỉ bón NPK, biết là về lâu dài sẽ làm cho đất chai sần, bạc màu nhưng chẳng kiếm đâu ra phân chuồng cả".
Ông Lã Quốc Tuấn, Trưởng phòng Trồng trọt, Sở Nông nghiệp &PTNT cảnh báo: "Nông dân Ninh Bình ngày càng ít dùng phân chuồng hay cày dầm gốc rạ, mà đang lạm dụng quá nhiều phân hóa học, đặc biệt là urê. Việc bón phân không đúng cách, bón dư thừa các yếu tố dinh dưỡng không chỉ gây lãng phí mà còn là nguyên nhân của hiện tượng lúa lốp, cây dễ nhiễm sâu bệnh, dễ bị đổ ngã…"
Theo thống kê của ngành nông nghiệp, hàng năm toàn tỉnh gieo trồng khoảng 110 nghìn ha cây trồng các loại, trong đó diện tích lúa là 80 nghìn ha, ngô trên 6 nghìn ha, lạc 4 nghìn ha, rau các loại khoảng 10 nghìn ha…; diện tích cây ăn quả hàng năm khoảng 6 nghìn ha. Với diện tích như vậy, trung bình hàng năm toàn tỉnh sử dụng khoảng 120 nghìn tấn phân bón hóa học các loại. Tuy nhiên, thực tế hiệu suất sử dụng phân bón của các cây trồng chỉ đạt khoảng 40-50%, như vậy có khoảng 50-60% lượng phân bón được bón vào đất nhưng chưa được cây trồng sử dụng. Lượng phân này một phần còn được giữ lại trong các keo đất là nguồn dinh dưỡng dự trữ cho vụ sau; một phần bị rửa trôi theo nước mặt và chảy vào các ao, hồ, sông suối gây ô nhiễm nguồn nước mặt; một phần ngấm xuống tầng nước ngầm và một phần bị bay hơi do tác động của nhiệt độ hay quá trình phản nitrat hóa gây ô nhiễm không khí… Như vậy, gây ô nhiễm môi trường của phân bón trên diện rộng và lâu dài của phân bón là việc xảy ra hàng ngày, hàng giờ của vùng sản xuất nông nghiệp.
Đã đến lúc phải thay đổi
Phải thừa nhận rằng, phân hóa học đã góp công lớn trong việc nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng, đảm bảo an ninh lương thực. Tuy nhiên, lâu nay nông dân sử dụng phân bón hóa học với suy nghĩ "bón phân càng nhiều thì cây càng tốt" thế nên lượng phân bón hóa học đổ xuống đất ngày càng nhiều. Suy nghĩ này cần sớm được thay đổi, phải làm cho nông dân nhận thức đúng và đầy đủ vai trò cũng như những tác hại của việc lạm dụng phân hóa học. Trước vấn đề cấp thiết này, trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, kế hoạch tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt, tỉnh ta đã định hướng rõ việc tái cơ cấu trồng trọt cần phải dựa trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng KHCN, đặc biệt là tiếp thu và sử dụng những sản phẩm phân bón có nguồn gốc hữu cơ trong sản xuất, từng bước hình thành một nền nông nghiệp tốt tiến tới nông nghiệp hữu cơ phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển với các nền nông nghiệp tiên tiến trên thế giới, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nông sản Ninh Bình trên thị trường.
Vụ đông xuân 2014-2015, Sở Nông nghiệp & PTNT đã phối hợp với Công ty cổ phần Du lịch và Thương mại Thanh Xuân xây dựng mô hình thử nghiệm phân bón Power Ant trên cây lúa và cây đậu sao bước đầu mang lại những kết quả khả quan. Power Ant là tên chung của 2 loại phân bón gồm Power Ant I và Power Ant II do Công ty TNHH Kỹ thuật Nông nghiệp Fon Siam của Thái Lan sản xuất theo công nghệ Mỹ. Power Ant I là một loại phân có nguồn gốc vi sinh dạng lỏng có chứa 4 nhóm vi sinh vật chính và các loại nấm cải thiện độ phì nhiêu của đất và sản xuất các chất dinh dưỡng cho cây. Power Ant II là loại phân bón lá được sản xuất bằng công nghệ MPC "xử lý trùng học" bao gồm nhiều chất dinh dưỡng quan trọng và các chất trung, vi lượng. Các mô hình khảo nghiệm cho thấy Power Ant có thể thay thế được 50% lượng phân bón hóa học bón cho các cây trồng và năng suất tăng hơn so với ngoài mô hình là 10-20%. Ngoài ra còn góp phần nâng cao chất lượng nông sản và cải tạo đất, cải thiện môi trường.
Ông Nguyễn Văn Nên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp &PTNT cho biết: Nhằm khuyến khích hỗ trợ nông dân tiếp cận nhanh với loại phân bón này, từng bước giảm lượng phân hóa học, vừa qua Sở đã xây dựng Dự án "Thử nghiệm sử dụng phân bón vi sinh Power Ant cho một số cây trồng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình" Theo đó, các cây trồng dự kiến được đưa vào thử nghiệm sử dụng phân bón vi sinh Power Ant là lúa: 1.200ha, khoai tây: 200ha, ngô, lạc, rau xanh mỗi loại là 500ha, trên cây ăn quả là 300ha.
Tại hội nghị đóng góp ý kiến vào Dự án, nhiều ý kiến của các địa phương, ban, ngành đều khẳng định việc đưa phân bón vi sinh Power Ant từng bước thay thế phân bón vô cơ là chủ trương đúng đắn, tiến tới thực hiện tái cơ cấu ngành, tuy nhiên không ít các ý kiến cũng tỏ ra băn khoăn bởi nói thì dễ, nhưng để thực hiện là cả một vấn đề. Bởi hiện giờ, thói quen sử dụng hóa chất khi sản xuất nông nghiệp trong nhiều năm qua đã khiến một bộ phận người sản xuất không đủ kiên định để bỏ thói quen đó và hướng tới nền nông nghiệp an toàn. Vì vậy, theo một số ý kiến tại hội thảo, cần làm tốt công tác truyền thông và kỹ thuật để tạo được hiệu ứng lan rộng trong người dân, để thay đổi về tư duy, thói quen, từ đó người dân chấp nhận làm theo. Trên thực tế, trong một vài năm đầu sử dụng loại phân bón này chưa đem lại năng suất và lợi nhuận tối đa, người dân chưa mạnh dạn chuyển đổi phương thức canh tác vì lo sợ những rủi ro nếu không có chính sách hỗ trợ của nhà nước. Bởi vậy, tỉnh cũng cần quan tâm ban hành một số chính sách hỗ trợ đặc thù cũng như sự vào cuộc mang tính đột phá của ngành nông nghiệp.
Hà Phương